Tôm nguyên liệu có khả năng thiếu cục bộ trong các tháng cuối năm

VASEP khuyến nghị, doanh nghiệp ngành tôm cần chuẩn bị đủ nguồn nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất và hoàn thành các đơn hàng cuối năm.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, 9 tháng đầu năm nay, trong số các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, tôm mang về kim ngạch xuất khẩu cao nhất, ước đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đứng đầu trong nhóm thủy sản. Cụ thể, tính đến ngày 15/9/2024, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 516 triệu USD, tăng 8%. Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) đạt 337 triệu USD, tăng 15%. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 529 triệu USD, tăng 26%. Xuất khẩu sang Nhật Bản ghi nhận kim ngạch 342 triệu USD, giảm 1% (mức giảm đã thấp hơn so với đầu năm).

Tôm nguyên liệu có khả năng thiếu cục bộ trong các tháng cuối năm- Ảnh 1.

VASEP khuyến nghị, doanh nghiệp ngành tôm cần chuẩn bị đủ nguồn nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất và hoàn thành các đơn hàng cuối năm.

Theo số liệu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), trên thị trường Mỹ, trong tháng 8/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam ghi nhận tích cực hơn các đối thủ khác như Ấn Độ, Ecuador, khi xuất khẩu tôm từ các nguồn cung này sang Mỹ đều giảm.

VASEP đánh giá, giá trung bình nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ ghi nhận tăng từ 4,59 USD/pound vào tháng 7/2024 lên 4,95 USD/pound vào tháng 8/2024. Giá mỗi pound cũng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, vì giá trung bình là 4,93 USD/pound vào tháng 8/2023. Tháng 8 cũng là tháng ghi nhận nhập khẩu tôm của Mỹ đạt cao nhất kể từ đầu năm, mặc dù số liệu vẫn ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

"Năm 2024, tôm đông lạnh xuất khẩu vẫn bị tác động bởi xu hướng giá chưa phục hồi rõ rệt, cùng với áp lực giá bán cạnh tranh với tôm Ecuador và Ấn Độ. Tuy nhiên, tôm chế biến của Việt Nam vẫn có vị thế tốt ở các thị trường", VASEP nhận định.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng mạnh, ngoại trừ một thị trường

Do vậy, tính đến cuối tháng 9, xuất khẩu tôm chân trắng chế biến vẫn tăng gần 10%, trong khi xuất khẩu tôm chân trắng đông lạnh tăng nhẹ hơn với mức 4,5%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm chân trắng đạt gần 2 tỷ USD, xuất khẩu tôm sú đạt 334 triệu USD.

Giá tôm nguyên liệu của Việt Nam đã ghi nhận tích cực hơn kể từ tháng 7 năm nay. Giá tôm chân trắng nguyên liệu các cỡ 50, 80, 100 con/kg tăng đều kể từ tháng 7 đến tháng 9. Giá trung bình tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và EU cũng ghi nhận tăng từ tháng 6. Giá xuất sang Trung Quốc, Nhật Bản cũng ghi nhận tăng nhẹ.

VASEP dự kiến giá tôm nguyên liệu vẫn sẽ tiếp tục khả quan trong quý IV, tuy nhiên có khả năng thiếu nguyên liệu cục bộ do đây là giai đoạn Trung Quốc sẽ tăng mua cho nhu cầu lễ Tết Nguyên đán và năm mới, doanh nghiệp cần nguồn nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng cuối năm.

Link nội dung: https://thuongtruong.net/tom-nguyen-lieu-co-kha-nang-thieu-cuc-bo-trong-cac-thang-cuoi-nam-a104041.html