Hàng giá rẻ xuyên biên giới: Món hời không dễ 'ăn'

Liên kết với sàn thương mại điện tử (TMĐT) kiếm hoa hồng tiền tỷ; hãy “mua sắm như tỷ phú”; mua hàng không cần nhìn giá… những ngôn từ có cánh làm “say” các tín đồ săn hàng giá rẻ trên TMĐT xuyên biên giới.

Cám dỗ

Những ngày gần đây, chị Trần Thị Thu (45 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) rất chăm chỉ tư vấn, gửi link chào mời bạn bè, người thân đăng ký cùng làm tiếp thị liên kết (affiliate) trên sàn TMĐT Temu để hưởng hoa hồng tới 30%, người mua hàng cũng được tặng mã giảm giá siêu hời.

Hàng giá rẻ xuyên biên giới: Món hời không dễ 'ăn'- Ảnh 1.

Các nhà bán hàng online lo ngại trước làn sóng giá rẻ. Ảnh: U.P

Theo lời chị Thu, khi bạn mở tài khoản xong sẽ có 50.000 đồng tiền mặt trong tài khoản; mỗi lượt đăng ký mới nhận thêm 150.000 đồng; nhận thêm hoa hồng 10 - 30% tùy vào giá trị đơn hàng; người dùng cũng nhận được gói giảm giá trị giá 1,5 triệu đồng.

“Tôi đang đặt hàng ngập mặt, quá trời rẻ, voucher khủng, hoàn hàng 90 ngày, miễn phí giao hàng. Hãy cùng làm tiếp thị liên kết với tôi, mới một tiếng đồng hồ mà tôi đã được gần 4 triệu đồng rồi nè. Để mua hàng khỏe re chỉ cần tiếp tục giới thiệu người cài app sàn” - chị Thu hồ hởi nói.

Trên mạng xã hội Facebook, chỉ cần gõ cụm từ “ Cộng đồng Affiliate Temu Việt Nam ” liền có cả trăm hội nhóm liên kết xuất hiện, nhóm nào cũng có số thành viên rất lớn. Ai cũng rần rần kêu gọi nhau cùng liên kết để kiếm hoa hồng, mã giảm giá… Thậm chí, có người khoe, chỉ sau một ngày đăng ký liên kết, số tiền kiếm được lên đến hơn 100 triệu đồng. Bên dưới, hàng chục comment hưởng ứng, xin link tham gia, nhờ hướng dẫn đăng ký… rất xôm tụ.

Nhưng có thật dễ nhận tiền như vậy? Anh Lý Hùng Văn (33 tuổi, ngụ quận 4) đã đăng ký làm affiliate ngay từ những ngày đầu Temu tung ra chiến lược này cho biết, để có được hoa hồng 10 - 30% (dựa trên giá trị đơn hàng từ 1,2 - 2,4 triệu đồng) cho 10 lần mua hàng đầu tiên, anh phải gửi link để giới thiệu khách nhấp vào.

Tài khoản đó phải là người dùng ứng dụng mới và đang hoạt động. Nếu người dùng ứng dụng mới gỡ cài đặt ứng dụng Temu, họ sẽ bị loại khỏi trạng thái người dùng ứng dụng mới, nghĩa là người giới thiệu sẽ không nhận được hoa hồng kể từ lúc đó.

Bên cạnh đó, đối với người dùng web mới, người làm Affiliate chỉ nhận được hoa hồng cho lần mua hàng đầu tiên khi họ sử dụng đường link giới thiệu. Đối với tiền thưởng 150.000 đồng sau khi giới thiệu thành công khách hàng sử dụng, số tiền này sẽ không thể rút được cho đến khi người dùng ứng dụng mới này đủ điều kiện mua hàng trên ứng dụng Temu.

Nếu một giao dịch mua đủ điều kiện nhưng bị hủy bỏ, hoàn lại hoặc trả lại một phần hoặc toàn bộ thì hoa hồng hoặc tiền thưởng cho giao dịch mua đó cũng có thể hủy bỏ hoặc sẽ thu bị hồi.

“Hiện tài khoản của tôi có 10 triệu đồng tiền “màn hình”, còn tiền thật thì chưa có đồng nào vì người được giới thiệu phải phát sinh đơn hàng và giao hàng thành công. Lúc đó mới có tiền thực sự” - anh Văn nói và cho biết vẫn đang chờ, nhưng chưa biết đến bao giờ.

Trên trang của Temu, chương trình kiếm hoa hồng với tiếp thị liên kết và người có sức ảnh hưởng Temu quảng cáo thu nhập tới 2,5 triệu đồng/ngày từ lượt truy cập vào Temu.

“Nếu bạn mời ai đó tham gia chương trình tiếp thị liên kết, bạn đủ điều kiện nhận 20% tiền hoa hồng thứ cấp trên thu nhập của họ. Hơn nữa, Temu cung cấp cuộc đua xếp hạng 30 triệu đồng nơi top 20 tiếp thị liên kết hàng đầu có thể giành được tiền thưởng… Hoa hồng được nhận sau khi người mua đặt hàng thành công hoặc tải ứng dụng, có tiền trong vòng 15 phút” - trang này rao thưởng.

Thượng vàng hạ cám

Cơn sốt mua hàng giá rẻ trực tiếp từ kho nước ngoài qua sàn TMĐT ngày càng thu hút lượng lớn người tiêu dùng đăng ký tham gia. Với mỗi món hàng chỉ từ vài nghìn đồng, không ít người băn khoăn chất lượng nhưng vì quá rẻ nên có tâm lý “cho qua”.

Chị Hương (ngụ quận Bình Tân) cho biết, thấy chiếc chuồng cho mèo lắp ráp bằng gỗ rất đẹp, giá chỉ hơn 100.000 đồng nên nhấp chuột đặt mua, sau đó còn đặt thêm vài chiếc nhẫn kim loại để được giao hàng miễn phí. “Khi nhận hàng thì chiếc chuồng quá nhỏ, bé mèo không vào được. Còn mấy chiếc nhẫn không đúng với màu sắc đơn hàng. Tôi rất thất vọng” - chị Hương bày tỏ.

Với chương trình “Mua 1 tặng 3”, chị Như Ý (24 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) tậu liền 3 chiếc đầm với tổng hóa đơn hơn 400.000 đồng trên sàn TMĐT xuyên biên giới. Sau 5 ngày nhận hàng, chị chỉ mặc vừa một cái. “Hai cái kia quá chật nên phải bỏ, tính ra một cái áo có giá 400.000 đồng cũng không phải rẻ như mình nghĩ. Tính trả lại nhưng đó lại là hàng tặng kèm nên… thôi” - chị Ý cho hay.

Một thực tế cũng được khách hàng “kể tội” khi mua hàng giá rẻ ở sàn TMĐT xuyên biên giới, đó là mô tả không chính xác về sản phẩm, hình ảnh mô tả khác với hình thực tế hoặc sử dụng hình ảnh đánh lừa người mua hàng. Chẳng hạn họ chỉ bán ốc vít, nhưng hình ảnh mô tả lại là toàn bộ phần bo mạch chủ máy tính. Hoặc sản phẩm bán ra chỉ là phần cánh quạt hoặc chân đế của một chiếc flycam nhưng hình ảnh mô tả sản phẩm là toàn bộ chiếc flycam đó…

Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Trần Lâm, chuyên gia về đào tạo bán hàng trực tuyến kiêm nhà sáng lập thương hiệu Julyhouse nhìn nhận, tuy có nhiều thách thức, các sàn TMĐT xuyên biên giới cũng có thể là cầu nối để nhà bán Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, các DN cần phải có sản phẩm đặc thù, chất lượng cao và chiến lược xây dựng thương hiệu rõ ràng, điều mà không phải nhà bán nào cũng có khả năng thực hiện. “Sự xuất hiện của các sàn TMĐT xuyên biên giới là một làn sóng cạnh tranh lớn, đặt các nhà bán Việt Nam vào tình thế khó khăn hơn trong việc giữ vững thị phần. Chỉ những nhà bán hàng có khả năng tạo ra sản phẩm đặc trưng, giá trị cao và có chiến lược khác biệt rõ ràng mới có thể tận dụng được cơ hội từ làn sóng này” - Ông Trần Lâm nhận định.


Link nội dung: https://thuongtruong.net/hang-gia-re-xuyen-bien-gioi-mon-hoi-khong-de-an-a105315.html