Đại biểu Quốc hội: Tăng thuế với thuốc lá có làm giảm tỷ lệ hút?

() - Theo đại biểu Quốc hội và một số chuyên gia, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá nhưng phải đẩy mạnh chống buôn lậu mặt hàng này để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Tại tọa đàm "Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chống buôn lậu thuốc lá - những vấn đề đặt ra" chiều 19/11, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp - cho biết tại đợt 2 của kỳ họp thứ 8 bắt đầu từ ngày 20/11, Bộ Tài chính sẽ thay mặt Chính phủ trình dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.

Mục tiêu của luật này nhằm mục đích tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo chiến lược giảm thiểu hút thuốc lá đến năm 2030, đặc biệt với thanh thiếu niên từ 15 tuổi trở lên. 

"Tuy nhiên, các con số thống kê về tỷ lệ giảm tiêu thụ mặt hàng này sau khi tăng thuế chỉ ở mức tương đối, nhất là từ khi ban hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, nhìn chung tỷ lệ sử dụng giảm, nhưng con số cụ thể bao nhiêu thì không có số liệu chính xác", ông nói.

Nhiều người biết có hại sức khỏe nhưng vẫn hút

Ông Hòa cho rằng thực tế hiện nay, hút thuốc lá vẫn là nhu cầu thiết yếu của một bộ phận người dân. Nhiều người biết thuốc lá có hại cho sức khỏe, thậm chí ngoài bao thuốc lá đã có cảnh báo tác hại của mặt hàng này nhưng họ vẫn hút vì không bỏ được. 

"Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, do đó tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là điều dĩ nhiên. Nhưng điều này sẽ khiến giá thuốc lá tăng, người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt, không ít người dừng sử dụng vì giá bị đẩy lên cao. Từ đó khiến các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước phải phá sản", Phó chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận.

Tương tự, ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, cũng cho rằng trong điều kiện không có thuốc lá nhập lậu, tăng giá thuốc lá 2.000 đồng/bao vẫn sẽ có rất nhiều người tiếp tục sử dụng, bởi hiện nay, độ co giãn trong nhu cầu đối với sản phẩm thuốc lá gần như bằng 0. 

"Điều lo ngại nhất của doanh nghiệp là sự đổ bộ của thuốc lá nhập lậu sau khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá trong nước. Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng thuốc lá nhập lậu có nguyên liệu rất phức tạp và cao cấp, đặc biệt là sợi thuốc lá, hàng trong nước khó thể cạnh tranh về chất lượng", ông nói.

Đại biểu Quốc hội: Tăng thuế với thuốc lá có làm giảm tỷ lệ hút? - 1

Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đề xuất giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá (Ảnh: N.H).

Đại biểu Quốc hội Tráng A Dương, Ủy viên Chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá theo phương pháp hỗn hợp và có lộ trình.

"Việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình đến năm 2030, liệu lượng người hút có giảm không hay vẫn tăng. Bằng chứng là quá trình sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thời gian qua cho thấy lượng người hút không giảm mà vẫn tăng lên, nhất là trong bối cảnh, hiện nay tỷ lệ hút thuốc lá còn tăng ở cả đồng bào dân tộc thiểu số", ông nhìn nhận.

Ông Dương cho biết hút thuốc là sở thích của mỗi con người, nhưng một điểm đáng chú ý là ở Việt Nam mua thuốc lá rất dễ, thậm chí không cần tiền và giới hạn độ tuổi vẫn mua được. Trong khi đó ở nước ngoài, họ đều có quy định độ tuổi mua thuốc lá. 

Cần tăng thuế nhưng phải mạnh tay chống buôn lậu

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, thuốc lá, rượu bia là 2 loại sản phẩm không khuyến khích đầu tư, do đó phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhưng ông lo ngại việc tăng 2.000 đồng/bao đến năm 2030 lên 10.000 đồng/bao có làm giảm được tỷ lệ hút? "Với những người nghiện thuốc thì giá bao nhiêu họ cũng hút. Nhưng với người thu thập thấp thì sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu, thu nhập và sẽ hạn chế sử dụng", ông đặt vấn đề.

Theo vị này, điều quan trọng nhất là cơ quan chức năng, chính quyền địa phương là phải cương quyết, có trách nhiệm triệt tiêu thuốc lá nhập lậu, bao gồm cả thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào thị trường Việt Nam. Khi thuốc lá nhập lậu không còn tràn ngập thị trường, buộc người tiêu dùng phải tìm mua thuốc lá truyền thống, điều đó sẽ hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong nước.

Tương tự, ông Tráng A Dương cho rằng cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ mới hạn chế được tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, bên cạnh biện pháp tăng thuế. Đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ phụ nữ hút thuốc lá cũng gia tăng. 

Đại biểu Quốc hội: Tăng thuế với thuốc lá có làm giảm tỷ lệ hút? - 2

Cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ các sản phẩm thuốc lá nhập lậu (Ảnh: DMS).

Tại Trung Quốc đã có quy định hút thuốc phải rời khỏi mái che, nếu không sẽ bị phạt. Ở Việt Nam, nhiều người lại không thực hiện dù đã có quy định. "Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất nên phối hợp với các đại lý tuyên truyền không nên bán thuốc lá cho trẻ em dưới tuổi quy định", ông Dương lưu ý.

TS Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên thường trực, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng điều chỉnh thuế với thuốc lá cần bảo đảm có lộ trình hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có thời gian thích nghi và ổn định sản xuất. Từ đó giảm tác động tiêu cực đến người lao động trong toàn chuỗi giá trị của ngành, đồng thời hỗ trợ sử dụng nguồn vốn Nhà nước hiệu quả... 

"Với bản chất thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, cần có đánh giá định lượng xem xét liệu tăng thuế này lên mặt hàng thuốc lá có thực sự khiến giảm số lượng người hút thuốc, hay lại đẩy người tiêu dùng tìm đến các loại thuốc lá lậu, giá rẻ, chất lượng không đảm bảo", ông Hiếu nhấn mạnh.

Dự kiến, tại đợt 2 kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ cho ý kiến 13 dự luật, trong đó có dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.

Tại dự luật, Chính phủ đề xuất 2 phương án: Giữ nguyên tỷ lệ thuế suất hiện hành 75% và cộng 2.000 đồng/bao cho phương án 1, và 5.000 đồng/bao cho phương án 2, sau đó tiếp tục tăng hàng năm, hướng đến mục tiêu tăng thuế tuyệt đối tới 10.000 đồng/bao vào năm 2030.

Link nội dung: https://thuongtruong.net/dai-bieu-quoc-hoi-tang-thue-voi-thuoc-la-co-lam-giam-ty-le-hut-a107902.html