Tiểu đoàn máy bay không người lái "Achilles", một phần của Lữ đoàn tấn công 92 của Ukraine, chuyên về các cuộc tấn công bằng UAV/drone và được cho là sử dụng khoảng 3.000 máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV drone) mỗi tháng.
Mặc dù sử dụng công nghệ drone rất nhiều, nhưng họ vẫn cố tình tránh một số vũ khí do phương Tây sản xuất và UAV tiên tiến nhất vì chúng không thể hoạt động trong điều kiện chiến trường hiện tại.
"Những ví dụ tốt nhất về tình trạng vũ khí hoàn toàn không hiệu quả có thể kể đến là đạn pháo thông minh Excalibur dẫn đường bằng GPS", ông Rustam Nurgudin, sĩ quan đứng đầu tiểu đoàn UAV "Achilles", cho biết.
Phát biểu trong một cuộc họp báo gần đây tại thủ đô London, Vương quốc Anh, do tổ chức UK Friends of Ukraine tổ chức cho các công ty quốc phòng và các nhà báo, ông Nurgudin cho biết, vấn đề chính nằm ở tính dễ bị tổn thương của các hệ thống vũ khí phương Tây tinh vi như vậy trước các chiến thuật tác chiến điện tử (EW) của Nga.
Các lực lượng Nga đã tích cực sử dụng các kỹ thuật giả mạo GPS để bảo vệ các đơn vị của họ, khiến các hệ thống dựa vào GPS như Excalibur trở nên cực kỳ khó khăn để phát huy hiệu quả chiến đấu.
Các cuộc tấn công giả mạo (spoofing attack) về cơ bản là đánh lừa máy thu GPS bằng cách phát tín hiệu mạnh hơn một chút so với tín hiệu do vệ tinh GPS gửi đi. Những tín hiệu giả mạo này được thay đổi để đánh lừa máy thu xác định vị trí không chính xác, do kẻ tấn công kiểm soát.
Việc giả mạo bắt đầu bằng cách gửi tín hiệu ban đầu gợi ý vị trí chính xác, trước khi dần chuyển sang vị trí do kẻ tấn công chỉ định. Việc chuyển đổi nhanh chóng có thể dẫn đến mất khóa tín hiệu, tại thời điểm đó, thiết bị giả mạo chỉ đóng vai trò là thiết bị gây nhiễu.
Để thành công, kẻ tấn công phải biết chính xác vị trí mục tiêu của mình, cho phép chúng cấu trúc tín hiệu giả mạo với độ trễ chính xác.
Mức độ chính xác này trong tác chiến điện tử (EW) có nghĩa là các hệ thống như đạn pháo Excalibur hoặc thậm chí là tên lửa phóng loạt dẫn đường GMLR – phụ thuộc nhiều vào GPS để đạt được độ chính xác trong hoạt động – sẽ gặp khó khăn trên thực địa khi đối mặt với các biện pháp tác chiến điện tử.
Hệ thống HIMARS, có thể bắn tên lửa xa tới 50 dặm (80 km), cũng bị cản trở bởi sự gây nhiễu của Nga, một nguồn tin quân sự Ukraine nói với tờ Business Insider hồi tháng 5.
"Người Nga đã triển khai tác chiến điện tử (EW), vô hiệu hóa tín hiệu vệ tinh và HIMARS trở nên hoàn toàn không hiệu quả", nguồn tin nói với báo Mỹ. Theo đánh giá, sự gây nhiễu của Nga có thể khiến tên lửa bắn trượt mục tiêu với khoảng cách lên tới 50 feet (15 m) hoặc hơn.
Đó là lý do tại sao để giải quyết tình hình, các lực lượng Ukraine đang tập trung vào công nghệ và chiến thuật UAV thô sơ hơn có thể chống lại sự can thiệp từ các hoạt động giả mạo và gây nhiễu của Nga tốt hơn.
Minh Đức (Theo Defence Blog, Business Insider)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tham khảo thêm
Link nội dung: https://thuongtruong.net/vu-khi-phuong-tay-bo-tay-truoc-tac-chien-dien-tu-ew-nga-a107935.html