Mặt hàng có kim ngạch lớn nhất trong nhóm thủy sản của Việt Nam: Mỹ, Trung Quốc đua nhau lùng mua, thu về 3,2 tỷ USD kể từ đầu năm

Riêng trong tháng 10 mặt hàng này đã thu về 394 triệu USD.

Mặt hàng có kim ngạch lớn nhất trong nhóm thủy sản của Việt Nam: Mỹ, Trung Quốc đua nhau lùng mua, thu về 3,2 tỷ USD kể từ đầu năm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tôm được mệnh danh là "kho vàng tỷ đô" của Việt Nam khi trở thành mặt hàng có kim ngạch lớn nhất trong nhóm thủy sản. Kể từ năm 2022, ngành thủy sản xuất sắc lập kỷ lục xuất khẩu 11 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy).

Đáng chú ý Việt Nam cũng đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ 2 thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm trên toàn cầu.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 10/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 394 triệu USD, tăng 24%. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, mỏ vàng ngoài khơi này đã mang về 3,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung, xuất khẩu sang tất cả các các thị trường tiêu thụ chính đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số trong tháng 10 năm nay.

Cụ thể, nhóm Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam với 676 triệu USD, tăng mạnh 31% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 10 đạt 91 triệu USD, tăng đến 44% so với tháng trước đó. Đặc biệt mặt hàng tôm hùm tăng mạnh đến 157%, thu về 298 triệu USD kể từ đầu năm đến nay. Chính sách thúc đẩy tiêu dùng của Trung Quốc cũng góp phần thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa vào thị trường này.

Mặt hàng có kim ngạch lớn nhất trong nhóm thủy sản của Việt Nam: Mỹ, Trung Quốc đua nhau lùng mua, thu về 3,2 tỷ USD kể từ đầu năm- Ảnh 2.

Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ với kim ngạch 646 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng trong tháng 10 đạt hơn 80 triệu USD, tăng 17%. Nhập khẩu tôm vào Mỹ từ top 3 nguồn cung chính đều giảm, điều này làm tăng lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tâm lí thị trường và tình hình kinh tế lạc quan hơn, tồn kho giảm, tình trạng cung vượt cầu đã được cân bằng trở lại. Nên nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ dự kiến sẽ cao hơn và giá tôm trên thị trường này cũng được cải thiện và có chiều hướng tăng.

Đối với thị trường châu Âu, xuất khẩu sang thị trường này đạt kim ngạch 408 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường này khá ổn định trong năm nay khi tăng trưởng dương liên tục kể từ tháng 4 đến nay.

VASEP đánh giá, trong năm 2024, tất cả các yếu tố bất lợi trên đều đã có sự thay đổi tích cực hơn: Lạm phát hạ nhiệt, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính tăng, sản lượng tôm không tăng “nóng” như năm trước, giá tôm thế giới có chiều hướng tăng. Xuất khẩu tôm của Việt Nam mặc dù còn đối mặt với những thách thức nội tại và khách quan nhưng cũng đã ghi nhận kết quả xuất khẩu đáng khích lệ. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 4 tỷ USD hoàn toàn nằm trong tầm với.

Đề xuất tăng thuế nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ của ông Trump sau khi tái đắc cử, khiến các doanh nghiệp tại Mỹ có xu hướng đẩy nhanh tốc độ nhập hàng, để tích trữ hàng trước thuế. Nên trong ngắn hạn, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Mỹ trong đó có tôm sẽ tiếp tục tăng.

Giá tôm xuất khẩu có dấu hiệu tăng, đặc biệt là tôm chân trắng, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp. Giá nguyên liệu tôm cũng đang ở mức tích cực, điều này sẽ hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu.

Link nội dung: https://thuongtruong.net/mat-hang-co-kim-ngach-lon-nhat-trong-nhom-thuy-san-cua-viet-nam-my-trung-quoc-dua-nhau-lung-mua-thu-ve-32-ty-usd-ke-tu-dau-nam-a107938.html