Người trong nghề tiết lộ “hậu trường” xuất khẩu trực tuyến qua thương mại điện tử

Xuất khẩu trực tuyến qua TMĐT đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và đội ngũ hỗ trợ của sàn, bao gồm cả nhân sự trong nước và nước ngoài có liên quan.

Đồng hành cùng dự án "Bán hàng toàn cầu Shopee" (SIP) tại thị trường Việt Nam gần 5 năm qua, chuyên viên phát triển kinh doanh Phạm Minh Long đều đặn bắt đầu ngày mới bằng việc kiểm tra doanh thu và lượng đơn của toàn bộ người bán Shopee hiện có gian hàng ở tất cả các nước Đông Nam Á mà SIP đang hiện diện, bao gồm Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc). Sau đó anh tổng hợp các thông số tương tự của các gian hàng lớn mà mình đang trực tiếp hỗ trợ để tìm điểm bất thường và điều chỉnh nếu cần.

Số liệu trực quan giúp anh đưa ra giải pháp chính xác hơn cho người bán SIP, rằng họ nên đầu tư cho Flash Sale, Livestream hay bất kỳ hình thức nào có thể thúc đẩy tăng trưởng. Anh cũng tham gia từ mức độ sơ khai như tư vấn, duyệt hồ sơ và đồng hành đến khi nhà bán hàng đạt lượng đơn ổn định và bắt đầu đầu tư vào SIP thông qua các gói quảng cáo.

Người trong nghề tiết lộ “hậu trường” xuất khẩu trực tuyến qua thương mại điện tử- Ảnh 1.

Anh Phạm Minh Long (ngoài cùng bên phải) giới thiệu mô hình SIP tại hội nghị về xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới.

"Trước đây, doanh nghiệp Việt thường gặp nhiều khó khăn khi mở rộng quốc tế do hạn chế về nhân sự, tài chính, marketing, logistics và thủ tục hải quan. Nhà bán hàng nhỏ lẻ thì thiếu tự tin để bắt đầu, trong khi nhiều đơn vị xuất khẩu B2B chuyển sang bán lẻ B2C thì thiếu kinh nghiệm sản xuất sản phẩm xu hướng để theo kịp nhu cầu của khách hàng nước ngoài. SIP xuất hiện để giải quyết các rào cản này", đại diện Shopee chỉ rõ.

Triển khai tại Việt Nam từ năm 2021, SIP cung cấp một nền tảng hỗ trợ từ thanh toán, logistics, thủ tục thông quan, nghiên cứu thị trường, marketing đến dịch vụ khách hàng và chatbot AI giúp giải quyết rào cản ngôn ngữ. Đặc biệt, 100% dịch vụ đều được Shopee miễn phí cho nhà bán hàng. Nhờ đó, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) có thể tập trung phát triển thương hiệu và đưa sản phẩm Việt ra quốc tế với giá cả cạnh tranh.

"Nhiều người bán có kinh nghiệm xuất khẩu bằng 0 vẫn dễ dàng nhập cuộc sân chơi quốc tế nhờ mô hình này", Long nhấn mạnh.

Từ góc nhìn của Angel Ng - Trợ lý vận hành mảng bán hàng xuyên biên giới tại Shopee Singapore, cô cho biết phần thú vị nhất của SIP là nó giúp những người bán hàng địa phương mọi quy mô bán sản phẩm ra nước ngoài. Angel tham gia hỗ trợ doanh nghiệp Việt mở gian hàng trên Shopee Singapore hơn 3 năm nay. Đội ngũ của cô có nhiệm vụ xử lý tất cả các hoạt động liên quan đến vận hành, hoàn tất đơn hàng và thiết lập danh sách sản phẩm cho người bán đến từ Việt Nam.

"Thách thức của chúng tôi là phải cải thiện quy trình hậu cần và trải nghiệm của người bán cùng người mua trong bối cảnh khối lượng đơn hàng ngày càng tăng, mặt khác giảm thiểu mối lo ngại của người bán Việt Nam về quy trình vận hành gian hàng nước ngoài", Angel cho biết.

Hàng ngày, nhóm của Angel sẽ tìm hiểu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến SIP xuất phát từ người bán hoặc nội bộ Shopee. Song song, cô và cộng sự chạy các dự án nâng cao trải nghiệm của người bán và người mua, đặt mục tiêu gia tăng hiệu suất bán hàng ở các thị trường nước ngoài.

Đội ngũ SIP tại Việt Nam và nước ngoài phải liên tục phối hợp với nhau để mọi thứ diễn ra nhịp nhàng nhất có thể. Minh Long cho biết, anh cùng các cộng sự như Angel cần làm việc chặt chẽ với phòng Kinh doanh để chiến lược diễn ra thuận lợi theo kế hoạch.

Nói về thế mạnh của các sản phẩm đến từ Việt Nam, cả Minh Long và Angel đều chỉ ra rằng chất lượng sản phẩm tốt, chủng loại hợp thời trang và giá cả cạnh tranh là ba điểm nổi bật nhất. Có thể lấy ví dụ của hai gian hàng Việt đang bán trên Shopee Singapore là An Nhiên Foods kinh doanh thực phẩm ăn kiêng, đồ khô, dòng bánh nội địa Việt Nam và Kimchi Baby chuyên bán sản phẩm thời trang cho bé tự thiết kế.

Người trong nghề tiết lộ “hậu trường” xuất khẩu trực tuyến qua thương mại điện tử- Ảnh 2.

Theo đại diện thương hiệu An Nhiên Foods, xuất khẩu thực phẩm sấy khô Việt Nam sang thị trường quốc tế là cách hiệu quả để quảng bá văn hóa và thế mạnh của đất nước.

Mỗi tháng, lượng truy cập hai gian hàng tại các thị trường quốc tế có thể đạt đến con số 20.000 và mang về lượng doanh thu khả quan, tăng trưởng đạt 20-30% mỗi tháng. Đại diện hai gian hàng đồng tình rằng, việc Shopee hỗ trợ freeship giá rẻ cho người dùng quốc tế là lợi thế và động lực lớn giúp thúc đẩy lượng đơn hàng bán ra. Người bán cũng không cần phải bận tâm về khâu đóng gói, chuyển hàng đi nước ngoài và chăm sóc hậu mãi vì đã có Shopee xử lý toàn bộ. Đồng thời, việc đưa sản phẩm made-in-Việt Nam ra thị trường quốc tế thông qua SIP cũng là cách để các nhà bán hàng quảng bá văn hóa và thế mạnh sản xuất của đất nước.

Người trong nghề tiết lộ “hậu trường” xuất khẩu trực tuyến qua thương mại điện tử- Ảnh 3.

Đại diện thương hiệu quần áo trẻ em Kimchi Baby cho rằng, nhà bán hàng Việt nên tận dụng thế mạnh sản xuất nội địa để lựa chọn sản phẩm kinh doanh phù hợp, nâng cao tính cạnh tranh tại thị trường quốc tế.

Thống kê nội bộ của Shopee Việt Nam vào quý 3 năm nay cho thấy, tổng số đơn hàng bán ra qua chương trình SIP đã tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện có khoảng hơn 350.000 nhà bán hàng Việt Nam tham gia chương trình và quảng bá hơn 15 triệu sản phẩm ra 5 thị trường.

Link nội dung: https://thuongtruong.net/nguoi-trong-nghe-tiet-lo-hau-truong-xuat-khau-truc-tuyen-qua-thuong-mai-dien-tu-a108078.html