Tem dán "giảm an tây": Sự cố hay chiêu trò truyền thông của Katinat?

() - Katinat vừa nhận không ít phản ứng tiêu cực khi hình ảnh tem dán "giảm an tây" thay vì "giảm đá" xuất hiện trên ly trà sữa. Chuyên gia nói nếu đây là cách truyền thông thì Katinat "không khôn ngoan".

Ngày 18/11, nhân viên của một cửa hàng thuộc thương hiệu Katinat ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã có cách ghi thông tin lên tem dán đồ uống không phù hợp, thiếu chuẩn mực. Cụ thể, yêu cầu của khách hàng là giảm đường và giảm đá, nhưng thay vì ghi giảm đá thì nhân viên cửa hàng lại ghi "giảm an tây".

Theo nhiều người dùng mạng xã hội, cụm từ "an tây" trùng với tên một người mẫu nổi tiếng đang bị tạm giữ để điều tra về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. 

Katinat liên tục dính lùm xùm, phải xin lỗi 

Sau hơn một ngày đăng tải, hình ảnh tem dán trên ly trà sữa đã khiến nhiều người dùng bày tỏ bức xúc, phản ứng gay gắt. Thậm chí, một số ý kiến còn cho rằng thương hiệu cố tình tạo "content bẩn" (sáng tạo nội dung mang tính tiêu cực, không lành mạnh - PV) để truyền thông.

Trước đó, hồi tháng 9, Katinat cũng vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận khi tuyên bố chiến dịch truyền thông trích 1.000 đồng/ly nước để ủng hộ miền Bắc khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ.

Ngay sau đó, sáng 20/11, Katinat đã đăng tải thông cáo báo chí "để hạn chế những thảo luận hoặc thông tin sai lệch có thể xảy ra" đồng thời khóa bình luận dưới bài đăng. Cụ thể, Công ty cổ phần Café Katinat - chủ sở hữu thương hiệu cho biết doanh nghiệp nhận thức rõ đây là một sự việc nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến khách hàng mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu. 

"Sau khi kiểm tra và xác định rõ sự việc, đơn vị đã thực hiện xử lý kỷ luật nhân viên vi phạm theo hình thức sa thải, xử lý kỷ luật quản lý cửa hàng theo hình thức nhắc nhở vì đã kiểm soát chưa tốt các hoạt động của cửa hàng", thông cáo cho biết.

Tem dán giảm an tây: Sự cố hay chiêu trò truyền thông của Katinat? - 1

Katinat là thương hiệu đồ uống liên tục dính lùm xùm về truyền thông gần đây (Ảnh: Chụp màn hình).

Doanh nghiệp cũng khẳng định đây là hành động bộc phát mang tính đùa cợt của cá nhân một nhân viên và vi phạm nghiêm trọng quy định về tiêu chuẩn phục vụ, đi ngược với phương châm kinh doanh cũng như định hướng cốt lõi.

Liệu có phải chiêu trò truyền thông?

Theo ông Phùng Thái Học - chuyên gia truyền thông, không thể thực sự xác định được liệu đây có phải là một hành vi có chủ đích của nhãn hàng hay chỉ là một sự cố bộc phát của cá nhân riêng lẻ. "Tuy nhiên, có một điều có thể chắc chắn là cách làm này không phải là một lựa chọn khôn ngoan", vị chuyên gia khẳng định.

Ông Học cho biết "đu trend" (hành động theo xu hướng) hay có thể hiểu là các hoạt động truyền thông bám theo các chủ đề "nóng" của xã hội là một thứ quen thuộc hiện nay. Việc hành động theo trend có thể giúp thương hiệu tăng lượng tiếp cận đột biến trong thời gian ngắn, từ đó giúp nhãn hàng tăng nhận diện và thậm chí tăng doanh số trong một số trường hợp đặc biệt.

"Tuy nhiên việc hành động theo trend cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho nhãn hàng. Không thiếu trường hợp hành động theo trend bị coi là lố bịch, bất chấp, thậm chí là nội dung bẩn", vị chuyên gia nhìn nhận.

Tem dán giảm an tây: Sự cố hay chiêu trò truyền thông của Katinat? - 2

Ra mắt từ năm 2016 tại TPHCM, Katinat liên tục mở rộng chuỗi cửa hàng với hàng chục chi nhánh mới, đặc biệt ở các địa phương phía Bắc (Ảnh: Katinat).

Theo ông Học, sau vụ việc của Katinat, các doanh nghiệp dịch vụ nói chung và doanh nghiệp trong ngành F&B (Food and Beverage) có thể rút ra nhiều bài học có giá trị.

"Trước khi có ý định hành động theo trend hoặc làm các hoạt động truyền thông, nhãn hàng phải cân nhắc 3 điều vô cùng quan trọng. Trước hết, hoạt động quảng cáo có gây ảnh hưởng tiêu cực tới một cá nhân, tổ chức hoặc một nhóm đối tượng cụ thể nào không; hoạt động có đi ngược với các tiêu chuẩn đạo đức phổ biến của xã hội không và hoạt động có đi ngược lại với định vị thương hiệu của nhãn hàng không?", vị chuyên gia lưu ý.

Thực tế hiện nay, quảng cáo nhanh nhạy, tận dụng những sự kiện hoặc xu hướng nóng hổi để thu hút sự chú ý ngay lập tức từ người tiêu dùng là một chiến lược tiếp thị truyền thông phổ biến.

Quảng cáo theo xu hướng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thông tin được truyền tải và tiêu thụ chóng mặt trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, chiến lược này vẫn ẩn chứa những rủi ro nhất định đối với nhãn hàng nếu sử dụng sai cách.

Katinat là thương hiệu đồ uống phổ biến tại thị trường Việt Nam có khoảng 73 cửa hàng, tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai… 

Chuỗi đồ uống này thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Café Katinat thành lập vào ngày 27/11/2020. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc là ông Đinh Việt Hà (SN 1978). 

Tại thời điểm thành lập, Công ty cổ phần Café Katinat có vốn điều lệ 38 tỷ đồng. 3 cổ đông sáng lập gồm bà Trương Nguyễn Thiên Kim góp 32 tỷ đồng, tương đương hơn 84,2% vốn điều lệ. Ông Đinh Việt Hà góp 3 tỷ đồng, tương đương 7,89% cổ phần. Cổ đông còn lại là Lê Ngọc Khánh, góp vốn 3 tỷ đồng.

Link nội dung: https://thuongtruong.net/tem-dan-giam-an-tay-su-co-hay-chieu-tro-truyen-thong-cua-katinat-a108120.html