Sau nhiều năm sống cảnh thuê trọ, nhờ chăm chỉ tích góp, khi có số tiền tiết kiệm khoảng 3 tỷ đồng, đầu năm nay vợ chồng tôi tính chuyện mua nhà tại Hà Nội.
Vì giá nhà thời điểm này đã tăng nên chúng tôi chưa định mua ngay, tính chờ thêm. Không ngờ, giá chẳng giảm mà còn tăng nhanh hơn. Sợ càng chờ giá càng cao, từ tháng 6, vợ chồng tôi bắt đầu đi xem nhà. Ngân sách đặt ra tối đa là 4 tỷ đồng và nhắm đến những căn diện tích tầm 30-40 m2 tại khu vực Long Biên.
Trong suốt 2 tháng, môi giới dẫn chúng tôi đi xem rất nhiều nhà nhưng hai vợ chồng vẫn chưa chốt được căn nào. Căn thì quá cũ kiểu “bán đất tặng nhà”, căn thì tôi thấy “ngáo giá”.
Có lần chúng tôi ưng một căn, nhưng vì chần chừ bàn bạc thêm mà chỉ sau 2 hôm, môi giới báo đã có người đặt cọc mất. Mua hụt căn đó khiến vợ chồng tôi rất tiếc.
Đến đầu tháng 11, một môi giới dẫn chúng tôi đi xem căn nhà 3 tầng, diện tích 32 m2, chủ xây để ở nên nhà nhìn kiên cố, chắc chắn. Giá thị trường tầm hơn 4 tỷ, nhưng căn này chỉ rao 3,7 tỷ đồng vì chủ cần bán gấp.
Chúng tôi xem sổ đỏ thì thấy không có gì bất thường. Khi hỏi về quy hoạch, cả chủ nhà lẫn môi giới đều cam đoan không dính quy hoạch. Thấy nhà đẹp, lại vừa tầm tiền, chúng tôi cũng tỏ thiện chí muốn mua. Thương lượng thêm thì chủ đồng ý giảm cho 100 triệu đồng là 3,6 tỷ đồng.
Lúc này, môi giới luôn miệng thúc giục “nhà rẻ đẹp thế này không chốt ngay là hết”. Do đã rất ưng ý, cộng thêm tâm lý sợ mua hụt như lần trước, chúng tôi đồng ý đặt cọc ngay hôm đó.
Khi mua nhà hãy tỉnh táo, cẩn thận, căn nào giá rẻ hơn thị trường đừng ham mà vội vàng xuống cọc. Ảnh minh họa: Thạch Thảo. |
Môi giới lấy ra hợp đồng đặt cọc. Hợp đồng có ghi tên chủ nhà, nhưng người nhận cọc là môi giới và chỉ mỗi môi giới ký. Vợ chồng tôi thắc mắc thì chủ nhà nói đã giao toàn bộ việc bán nhà cho môi giới và bảo chồng tôi yên tâm cọc với môi giới. Nghe vậy, chúng tôi cũng xuôi và chuyển khoản 200 triệu đồng tiền cọc.
Hôm sau, chúng tôi đi kiểm tra quy hoạch thì bàng hoàng phát hiện căn nhà này nằm trong diện quy hoạch. Lập tức, chồng tôi gọi cho môi giới để hỏi rõ, tại sao hôm qua lại cam đoan nhà không dính quy hoạch. Nhưng môi giới thản nhiên trả lời rằng dù dính quy hoạch cũng không sao vì “bao lâu rồi đã thấy làm gì đâu”.
Khi chồng tôi nói "nhà dính quy hoạch chúng tôi không mua, yêu cầu trả lại tiền cọc" thì môi giới từ chối và còn mắng ngược lại chồng tôi, rồi tắt máy. Vợ chồng tôi liên lạc nhiều lần với cả môi giới lẫn chủ nhà nhưng họ đều không đồng ý trả lại tiền cọc. Sau vài lần, họ thậm chí còn không nghe máy của chúng tôi.
Khi tìm đến luật sư để xin tư vấn, chúng tôi được biết hợp đồng đặt cọc kia không có hiệu lực pháp lý vì không ký với chủ nhà. Đến lúc này, hai vợ chồng mới đặt vấn đề liệu có sự bắt tay giữa chủ nhà và môi giới.
Căn nhà giá hời với lý do cần bán gấp, sự thúc ép về thời gian khiến việc ký kết giấy tờ diễn ra gấp gáp. Vợ chồng tôi đã quá cả tin và vội vàng, chuyển tiền mà không kịp suy nghĩ thấu đáo.
200 triệu không phải là số tiền nhỏ, vợ chồng lao động cật lực mới dành dụm được. Hiện chúng tôi vẫn chưa bỏ cuộc hoàn toàn, đang hỏi thêm nhiều chỗ về thủ tục pháp lý để xem có cách nào đòi lại được tiền cọc không. Nhưng việc này không dễ dàng gì, sẽ tốn công sức, tiền bạc mà chưa chắc đã lấy được tiền.
Tìm mua nhà với tất cả sự trông mong và hy vọng, tôi không ngờ có ngày vợ chồng mình lại rơi vào tình cảnh này. Tôi chia sẻ câu chuyện để những ai đang tìm nhà có thể rút kinh nghiệm và tránh những sai lầm tương tự.
Hãy tỉnh táo, cẩn thận, thấy căn nào giá rẻ hơn thị trường đừng ham mà vội vàng xuống cọc. Việc kiểm tra quy hoạch là điều kiện tiên quyết, đừng chỉ nghe qua lời từ môi giới hay chủ nhà.
Khi làm hợp đồng cọc thì cần có chữ ký của chủ nhà, để an tâm hơn thì nên thông qua văn phòng công chứng. Đừng bao giờ để sự vội vàng, cả tin làm mất đi số tiền mà mình đã phải vất vả mới có.
Thanh Nga (Hưng Yên)
Link nội dung: https://thuongtruong.net/ham-nha-gia-hoi-khong-chot-ngay-la-het-cay-dang-mat-200-trieu-dong-a108304.html