VN-Index có thể giảm về 1.200 điểm?

Chứng khoán Việt Nam đang đối mặt hàng loạt yếu tố bất lợi, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và tạo làn sóng bán tháo. Nhà đầu tư được khuyến nghị không "bắt dao rơi" lúc này.

Đà giảm của VN-Index có thể chưa dừng lại. Ảnh: Phương Lâm.

Chỉ số VN-Index nối tiếp quán tính giảm trong tuần trước và thất bại trong việc giữ các mốc hỗ trợ 1.240 điểm. Nhóm cổ phiếu bluechip là áp lực chính khiến thị trường dần hụt hơi và giảm điểm.

Lực cầu xuất hiện nhưng chỉ ở một số thời điểm trong phiên và không đi cùng với sự cải thiện về thanh khoản nên nỗ lực nâng đỡ chỉ số chung không nhiều.

Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.218,57 điểm, giảm 33,99 điểm (-2,71%) so với tuần trước đó.

Chứng khoán chịu nhiều bất lợi

Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Trần Đình Minh, chuyên gia phân tích tại New World Group, chỉ ra 4 nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc trong tuần qua.

Trước hết, việc đà tăng của các nhóm ngành dẫn dắt, cụ thể là ngân hàng, chững lại 2 tháng trở lại đây và quay đầu giảm khiến thị trường mất đi điểm tựa quan trọng. Thậm chí, một số cổ phiếu ngân hàng như CTG, BID, TPB hay MSB đã thủng nền hỗ trợ quan trọng, qua đó báo hiệu nhịp tăng đã kết thúc và chuẩn bị vào xu hướng giảm.

Bên cạnh đó, việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 khiến nhà đầu tư từ các quốc gia xuất siêu vào Mỹ lo ngại về chính sách thuế quan mới. Không riêng Việt Nam, nhiều thị trường chứng khoán lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… thậm chí điều chỉnh mạnh hơn rất nhiều.

new world group,  chung khoan hom nay,  du bao chung khoan anh 1

Tỷ giá USD/VND tăng trở lại. Ảnh: Investing.com.

Ngoài ra, thị trường Việt Nam còn chịu tác động bởi tỷ giá leo thang. Đây cũng là một trong những nguyên nhân kích thích làn sóng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thời gian vừa qua.

Theo chuyên gia này, khi USD tăng giá, các công ty xuất khẩu của quốc gia đó sẽ gặp khó khăn hơn khi bán hàng ra quốc tế vì sản phẩm sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Chi phí mua nguyên liệu từ các quốc gia khác cũng tăng lên, gây suy giảm kết quả kinh doanh và phản ánh vào tiềm năng của cổ phiếu.

Áp lực tỷ giá cũng làm tăng lạm phát, một trong những yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

“Một số nhà đầu tư có thể chuyển đổi các khoản đầu tư từ các quốc gia có tiền tệ giảm giá sang quốc gia có tiền tệ tăng giá để tối ưu hóa lợi nhuận”, ông Minh nhận định.

Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích khác từ New World Group là ông Phạm Trần Đức Thắng đánh giá chiến thắng của ông Trump khiến các doanh nghiệp Mỹ trở nên hấp dẫn hơn và có lợi thế thu hút dòng vốn từ các thị trường mới nổi hoặc thị trường cận biên như Việt Nam.

Về tỷ giá, đến ngày 14/11, tỷ giá USD/VND đạt mức cao nhất trong năm, vượt qua vùng cản của giai đoạn tháng 4-8. Việc tỷ giá tăng cao khiến lợi nhuận tiềm năng từ việc đầu tư vào các thị trường sử dụng đồng tiền khác không phải USD giảm đi.

Đồng thời, trong giai đoạn tỷ giá chưa có dấu hiệu dừng tăng như hiện nay, tính rủi ro và chi phí đền bù tỷ giá gia tăng khiến VN-Index trở nên kém hấp dẫn đối với dòng tiền ngoại. Tỷ giá căng thẳng cũng khiến Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều dư địa về việc nới lỏng chính sách tiền tệ, dẫn tới kỳ vọng về việc tín dụng khó được mở rộng và dòng tiền trên thị trường bị hạn chế.

“Tâm lý lo ngại về tỷ giá của khối ngoại đã được thể hiện thông qua lực bán đối với các cổ phiếu ngành ngân hàng tuần vừa qua”, chuyên gia này cho biết.

Không "bắt dao rơi"

Với triển vọng không mấy tích cực kể trên, ông Đình Minh dự báo VN-Index có thể giảm tiếp tuần này.

“Tuy nhiên, không có thị trường nào tăng mãi và cũng không có thị trường nào giảm mãi. Khi cổ phiếu rơi đủ nhiều, chiết khấu đủ sâu thì chắc chắn có dòng tiền vào bắt đáy”, ông chia sẻ.

Theo đó, 2 mốc hỗ trợ gần nhất của chỉ số VN-Index sẽ là 1.200 điểm và 1.180 điểm. Trong khi đó, 2 mốc kháng cự gần nhất là 1.240 điểm và 1.265 điểm.

new world group,  chung khoan hom nay,  du bao chung khoan anh 2

VN-Index có thể rơi xuống dưới mốc 1.200 điểm. Ảnh: TradingView.

Trong bối cảnh này, nếu nhà đầu tư đã quản trị rủi ro (cắt lỗ cổ phiếu khi vi phạm), ông Minh khuyến báo không “bắt dao rơi”. Thay vào đó, chỉ nên quan sát, tham gia lại thị trường khi có tín hiệu tạo đáy.

Khi rơi đến vùng hỗ trợ, cầu lớn tham gia bắt đáy cộng thêm thông tin tích cực cũng như kỳ vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp vào cuối năm có thể giúp VN-Index vượt mốc kháng cự 1.265 điểm và một lần nữa có cơ hội tiệm cận vùng 1.300 điểm.

Khi cổ phiếu rơi đủ nhiều, chiết khấu đủ sâu thì chắc chắn có dòng tiền vào bắt đáy

Ông Trần Đình Minh, chuyên gia phân tích tại New World Group

Còn ông Đức Thắng cũng cho rằng đà giảm sẽ mở rộng trong giai đoạn còn lại của tháng 11.

“Tôi thấy được sự lạc quan từ nhà đầu tư trong nước bất chấp xu hướng khối ngoại rời khỏi thị trường trong tháng 8-9. Tuy nhiên, sự lạc quan có vẻ như đang không được đền bù xứng đáng”, ông Thắng nhận định.

Thời điểm này, VN-Index có xu hướng giảm tương quan với xu hướng dòng tiền khối ngoại rời khỏi thị trường. Điều này đặt ra câu hỏi liệu các nhà đầu tư trong nước có còn dư địa để giữ giá nền của chỉ số ở mốc 1.200 điểm trước áp lực bán ròng của khối ngoại hay không.

Hiện nhóm nhà đầu tư ôm cổ phiếu ở vùng 1.300 điểm đang rơi vào tình trạng khẩn cấp. Và khi giá giảm thêm, khả năng cao sẽ xuất hiện tình trạng "tháo chạy" từ nhóm này. Ông Thắng cho rằng trong giai đoạn sắp tới, mốc 1.200 sẽ là ngưỡng hỗ trợ cần lưu tâm để đánh giá được đà giảm này có thể dừng lại hay không.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Link nội dung: https://thuongtruong.net/vn-index-co-the-giam-ve-1200-diem-a108446.html