Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, trong giai đoạn 2010-2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ luôn có tốc độ tăng trưởng cao, mỗi năm tăng 25-45%. Đến năm 2023, xuất khẩu ngành hàng này đã bị suy giảm. Tuy nhiên, sang năm 2024, ngành gỗ đã đón những tín hiệu tích cực và đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng như thời kỳ hoàng kim.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam ước đạt 12,15 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ, bình quân mỗi tháng đạt gần 1,4 tỷ USD, là mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, sản phẩm gỗ đạt 7,84 tỷ USD, tăng 20,7%; gỗ nguyên liệu mang về 3,533 tỷ USD, tăng 13,1%; các mặt hàng lâm sản ngoài gỗ cũng đóng góp 777 triệu USD, tăng 3,9%.
Trong bối cảnh đó, bức tranh kinh doanh chung cho thấy sự khởi sắc với nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả tích cực. Tuy nhiên, không phải tất cả đều đi cùng xu hướng chung của toàn ngành.
Kinh doanh khởi sắc nhờ sản lượng tăng
Là doanh nghiệp có doanh thu quý III/2024 lớn nhất toàn ngành gỗ, Công ty Cổ phần Phú Tài (HoSE: PTB) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.484 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ. Với việc biên lợi nhuận gộp quý III là 19%, thấp hơn quý III/2023 là 22%, dẫn đến lợi nhuận gộp Phú Tài tăng 9% lên 286,7 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 82,1 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ quý III/2023.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Phú Tài cho biết, doanh thu, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý III/2024 tăng so với cùng kỳ do sản lượng tiêu thụ ngành đá và gỗ tăng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính, lãi vay giảm và lãi chênh lệch tỉ giá ngoại tệ đã góp phần tăng lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Phú Tài đạt hơn 4.530 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 349 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 285 tỷ đồng; lần lượt tăng 18% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm 2024, Phú Tài đặt mục tiêu doanh 6.175 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 462 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành 73,3% mục tiêu doanh thu, 75,6% chỉ tiêu lợi nhuận.
Đi cùng tín hiệu tích cực của toàn ngành, doanh thu của Công ty Cổ phần Gỗ An Cường (HoSE: ACG) trong quý III/2024 ghi nhận đạt 1.043 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù giá vốn hàng bán tăng nhưng chậm hơn mức tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp trong quý đạt 327 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty tăng 91% lên 71 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chi phí nhân viên của công ty tăng vọt 92% lên 31 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí khấu hao cũng tăng gấp 6 lần lên 24 tỷ đồng trong quý III/2024.
Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Gỗ An Cường đạt 130 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Gỗ An Cường ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.764 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 330 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Gỗ An Cường cho biết, nguyên nhân chính do thị trường xuất khẩu khởi sắc; công ty tập trung vào các sản phẩm có margin tốt, đồng thời là việc công ty củng cố thu nhập tài chính.
Năm 2024, Gỗ An Cường đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.785 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 440 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành lần lượt 74% mục tiêu doanh thu và 75% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra.
Công ty Cổ phần hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (HoSE: SAV) cũng không ngoại lệ với tình hình kinh doanh tăng trưởng với lợi nhuận tăng vọt bằng lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, công ty ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 290 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ; trong đó đa phần là doanh thu từ xuất khẩu. Dù giá vốn hàng bán tăng nhưng chậm hơn mức tăng của doanh thu đã đẩy lợi nhuận gộp của công ty lên 44 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.
Nhờ đó mà sau thuế công ty báo lãi 10,7 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Savimex ghi nhận doanh thu đạt 759 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm. Kết quả, công ty báo lãi 51 tỷ đồng, gấp 4,4 lần cùng kỳ.
Năm 2024, Savimex đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 868 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 35 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý III/2024, công ty đã hoàn thành 88% mục tiêu doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Đi ngược xu hướng
Về kết quả kinh doanh quý III/2024, Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) ghi nhận doanh thu thuần hơn 236 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ, với mức lỗ ròng hơn 21 tỷ đồng, tăng đáng kể so với khoản lỗ 6 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 942 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Kết quả, công ty lỗ sau thuế gần 27 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến ngày 30/9 lên gần 3.268 tỷ đồng.
Theo giải trình, doanh nghiệp cho biết thị trường các khách hàng lớn gặp khó khăn, làm doanh thu xuất khẩu giảm, cùng với chi phí logistics tăng cao và gián đoạn vận tải toàn cầu do xung đột tại một số khu vực, dẫn đến tình trạng khách hàng dời ngày giao hàng sang quý IV/2024.
Bên cạnh đó, doanh thu từ các dự án trong nước giảm do tiến độ triển khai của chủ đầu tư bất động sản trễ so với kế hoạch và ảnh hưởng của thiên tai tại các tỉnh phía Bắc, khiến lợi nhuận của công ty bị sụt giảm.
Để khắc phục, Gỗ Trường Thành tập trung mở rộng và tìm kiếm khách hàng mới tại các thị trường châu Âu, Mỹ, đặc biệt là châu Á nhằm tăng sản lượng trong quý IV. Doanh nghiệp cũng sẽ tái cấu trúc các công ty con không hiệu quả để tập trung nguồn lực cho các dự án kinh doanh mới.
Link nội dung: https://thuongtruong.net/doanh-nghiep-nganh-go-bung-sang-go-truong-thanh-van-lo-nang-a108450.html