EVN, PVN được giao xây nhà máy điện hạt nhân: Không phải bắt đầu từ số 0

Thủ tướng vừa giao EVN và Petrovietnam làm chủ đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và yêu cầu chậm nhất ngày 31/12/2031 phải hoàn thành.

Thông tin với Báo điện tử VTC News , ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết, tại cuộc họp sáng 4/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân - đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể về cơ chế đặc thù, nguồn lực, tiền khả thi, tiến độ dự án, vấn đề hợp tác quốc tế và những vấn đề khác để triển khai.

" Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Công Thương sẽ sớm tập hợp ý kiến các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng, từ đó chỉ đạo các đơn vị triển khai đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Dự kiến Bộ sẽ tổ chức họp với các bộ, ngành địa phương liên quan để triển khai xây dựng kế hoạch chi tiết. Theo tinh thần của Thủ tướng là chúng tôi phải vừa làm, vừa nghiên cứu, đề xuất những cơ chế đặc thù phù hợp để thực hiện theo đúng lộ trình, đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo”, ông Bảo nói.

EVN, PVN được giao xây nhà máy điện hạt nhân: Không phải bắt đầu từ số 0- Ảnh 1.

Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Trong khi đó, nhận định về nhiệm vụ xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận của EVN và Petrovietnam, TS. Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng cho rằng, các đơn vị đều đã có kinh nghiệm triển khai những dự án lớn, đây sẽ là một thuận lợi để hoàn thành mục tiêu cũng như chỉ tiêu Thủ tướng giao.

“Tôi cho rằng cả hai đơn vị được Thủ tướng giao nhiệm vụ sẽ hoàn thành tốt. Mặc dù trước đây điện hạt nhân có phần phức tạp về công nghệ nhưng đến thời điểm hiện nay đã không còn là vấn đề quá khó khăn, phức tạp. Nhiều nước trên thế giới đã triển khai và ta có thể tham khảo, học hỏi, chọn lọc. Mặc dù công trình điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án đầu tiên nhưng chắc chắn sẽ có sự hợp tác của các nước có kinh nghiệm” , ông Kiệt nhận định.

“ Điện hạt nhân cũng không phải là dự án mới mà đã triển khai cách đây gần chục năm rồi, chúng ta đã chuẩn bị tương đối tốt, sau đó tạm dừng. Hiện chủ trương đã được thông qua để tái khởi động lại chứ không phải là dự án mới hoàn toàn. Do đó vấn đề quan trọng nhất hiện nay là nguồn nhân lực.

Chúng ta cũng đã có một đội ngũ kỹ sư đào tạo từ nước ngoài về điện hạt nhân. Bây giờ việc cần làm là tập hợp các chuyên gia, kỹ sư lại để góp sức triển khai dự án. Cùng với đó, chúng ta cũng phải tăng cường hợp tác với những đối tác nước ngoài, nhất là các đoanh nghiệp điện hạt nhân, năng lượng nguyên tử. Một nước nhỏ như Belarus còn triển khai được, trong khi đó chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong phát triển các nguồn điện tái tạo, không có lý gì không thực hiện được” , ông Kiệt nói thêm.

Chúng ta có thuận lợi là đã có bước chuẩn bị trước đây rồi chứ không phải bắt đầu từ số 0.

TS. Võ Trí Thành

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cũng nhận định, việc Thủ tướng giao cho EVN và PVN triển khai làm nhà máy điện hạt nhân sẽ có những thuận lợi nhất định, bởi trước đây chúng ta đã xây dựng, đã có quy hoạch, đã có nghiên cứu tiền khả thi cho dự án.

“Thông thường những dự án này sẽ có thời gian triển khai, xây dựng 7- 10 năm. Còn chúng ta thời điểm này mục tiêu là 5-6 năm. Đây là áp lực về mặt thời gian, tuy nhiên chúng ta có thuận lợi là đã có bước chuẩn bị trước đây rồi chứ không phải bắt đầu từ số 0. Chúng ta cũng đã có sự đào tạo các chuyên gia từ nước ngoài, đã có địa điểm triển khai, đã có quy hoạch và lập dự án trước đó. Ngoài ra, chúng ta có quyết tâm chính trị cao, gắn với nhu cầu đòi hỏi về năng lượng, trong giai đoạn cần sự phát triển nhanh hơn”, ông Thành nói.

Điện hạt nhân là mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng

Đánh giá về việc tái khởi động dự án điện hạt nhân, nhiều Đại biểu Quốc hội từng cho rằng đó là điều rất cần thiết. Vì các dự án điện hạt nhân bảo đảm cung cấp năng lượng sạch, dài hạn cho sản xuất, nhất là các ngành công nghệ cao đòi hỏi nguồn điện ổn định.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), hiện nước ta đã có nhà máy thủy điện tầm cỡ quốc gia nhưng chưa có nhà máy điện hạt nhân. Trong bối cảnh thiếu hụt điện năng, các quốc gia trên thế giới cũng đã có xu hướng tái khởi động hoặc phục hồi những nhà máy điện trước đây đã đóng cửa.

“Việc phát triển điện hạt nhân hiện nay cũng là một trong những xu thế của thế giới. Một số nước quốc gia trên thế giới họ đóng cửa bây giờ họ đã tái khởi động lại vì do nhu cầu năng lượng sử dụng điện rất lớn, cho nên đối với nước ta cũng không thể đóng cửa nhà máy điện hạt nhân được. Đây là một vấn đề rất hệ trọng vì năng lượng Việt Nam của chúng ta hiện nay đang rất thiếu”, ông Hòa nêu ý kiến.

Ngoài ra, đại biểu Hòa e ngại, chúng ta sử dụng điện than, nhiệt điện và hai loại này không thân thiện với môi trường, trong khi đó chúng ta cam kết phát thải tới 2050 bằng zero. “Tôi nghĩ rằng chỉ có năng lượng về điện hạt nhân mới có thể phát triển và chúng ta đảm bảo được nhu cầu năng lượng của quốc gia”, ông Hòa nêu quan điểm.

EVN, PVN được giao xây nhà máy điện hạt nhân: Không phải bắt đầu từ số 0- Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu chậm nhất ngày 31/12/2031 phải hoàn thành dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. (Ảnh minh họa)

Từng trả lời vấn đề này trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, hiện nay theo xu thế chung và với cam kết của Việt Nam là đạt trung hòa carbon vào năm 2050 cho nên năng lượng tái tạo và những nguồn năng lượng mới chúng ta phải phát triển rất mạnh.

Đến năm 2030 chúng ta cần phải gấp 2 lần công suất hiện nay, nhưng đến năm 2050, chúng ta phải gấp 5 lần công suất hiện nay. Khi các nguồn điện truyền thống không có dư địa để phát triển nữa, thủy điện đã hết, điện than không phát triển được, năng lượng mặt trời cũng có giờ và nếu phải tính cả đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện cũng không phải rẻ hơn và cứ cho là có cả lưu trữ điện thì chúng ta cũng không thể nào tăng gấp 7 lần công suất hiện nay bằng năng lượng tái tạo.

“Cho nên điện hạt nhân và những nguồn năng lượng mới trong tương lai dứt khoát phải có” , Bộ trưởng Diên nhấn mạnh.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy gồm 2 tổ máy. Trong đó: Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; Nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phải rút ngắn thời gian hoàn thành dự án so với dự kiến trước đây, chậm nhất ngày 31/12/2031 phải hoàn thành và phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/12/2030 vào dịp kỷ niệm 85 năm thành lập nước, 100 năm thành lập Đảng. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải xây dựng đường găng tiến độ theo mục tiêu này.

Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Về lựa chọn đối tác nước ngoài tham gia dự án, Thủ tướng yêu cầu EVN, Petrovietnam và các cơ quan ngay trong tháng 2 cử đoàn công tác đàm phán với các đối tác nước ngoài, chú ý phải có đối tác dự phòng để sẵn sàng trong mọi tình huống.

Link nội dung: https://thuongtruong.net/evn-pvn-duoc-giao-xay-nha-may-dien-hat-nhan-khong-phai-bat-dau-tu-so-0-a117454.html