Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tăng 0,98% so với tháng trước. So với cùng kỳ, CPI tháng 1 tăng 3,63%; lạm phát cơ bản tăng 3,07%.
Nguyên nhân chính đẩy chỉ số giá tăng đến từ việc một số địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 21 năm 2024 của Bộ Y tế và giá dịch vụ giao thông, thực phẩm tăng trong bối cảnh nhu cầu đi lại và mua sắm của người dân tăng vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Trong rổ tính CPI có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với tăng 9,47% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,51 điểm phần trăm.
Trong đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 12,57% do một số địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 21/2024 của Bộ Y tế quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, thời tiết chuyển sang mùa đông, nhiệt độ chênh lệch nhiều giữa ban ngày và ban đêm nên bệnh cảm cúm, đường hô hấp gia tăng, nhu cầu tiêu dùng các loại thuốc về giảm đau, hạ sốt, đường hô hấp, vitamin và khoáng chất của người dân tăng.
Cụ thể, giá nhóm thuốc vitamin và khoáng chất tăng 0,34%; thuốc đường tiêu hóa tăng 0,16%; thuốc tác dụng trên đường hô hấp tăng 0,12%.
Nhóm giao thông tăng 0,95% (làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm). Nhu cầu đi lại của người dân tăng vào dịp cuối năm làm cho giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 11,08%; vận tải hành khách đường bộ và vận tải hành khách bằng đường thủy cùng tăng 1,73%; vận tải hành khách bằng đường sắt tăng 1,71%; vận tải hành khách bằng xe buýt tăng 0,24%.
Chỉ số giá xăng tăng 2,02%, chỉ số giá dầu diezen tăng 4,99% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước. Dịch vụ thuê ô tô, xe máy tự lái tăng 0,68%; dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,56%, dịch vụ rửa xe, bơm xe tăng 0,48% do chi phí nhân công và nhu cầu tăng trong dịp cuối năm; học phí lái xe tăng 0,13%.
Ở chiều ngược lại, giá xe ô tô mới giảm 0,26% so với tháng trước do các hãng xe áp dụng chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,74% (tác động làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm). Trong đó, lương thực tăng 0,3%; thực phẩm tăng 0,97% (tác động làm CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm); ăn uống ngoài gia đình tăng 0,33%.
Lạm phát cơ bản tháng 1 tăng 0,42% so với tháng trước, tăng 3,07% so với cùng kỳ. Mức lạm phát cơ bản so với cùng kỳ thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,63%) chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Link nội dung: https://thuongtruong.net/thuoc-va-dich-vu-y-te-tang-gia-manh-nhat-thang-tet-a117467.html