Tham tán Việt Nam tại Mỹ: Nhiều mặt hàng không chịu thuế đối ứng, doanh nghiệp Mỹ vẫn cam kết duy trì hoạt động tại Việt Nam

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết Việt Nam nên nghiên cứu tăng nhập khẩu một số sản phẩm thế mạnh của Hoa Kỳ để nhanh chóng cân bằng thương mại.

Tham tán Việt Nam tại Mỹ: Nhiều mặt hàng không chịu thuế đối ứng, doanh nghiệp Mỹ vẫn cam kết duy trì hoạt động tại Việt Nam- Ảnh 1.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ.

Nhiều mặt hàng không phải chịu thuế đối ứng

Chia sẻ tại Hội nghị Giao ban Xúc tiến Thương mại với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài sáng 4/4, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, chia sẻ thông tin liên quan đến thuế đối ứng của Mỹ.

Ông Hưng cho biết, theo sắc lệnh thuế mà Mỹ vừa công bố, một số mặt hàng không phải chịu thuế đối ứng là các mặt hàng theo mục 50 USC 1702(b). Đó là các mặt hàng trao quyền cho Tổng thống Mỹ để miễn trừ, điều chỉnh hoặc cấm.

Thứ hai là các mặt hàng thép, nhôm, ô tô, phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo mục 232. Cụ thể là mức thuế 25%.

Thứ ba là các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ và các sản phẩm gỗ. Thứ tư là các mặt hàng có thể chịu thế theo Mục 232 trong tương lai. Thứ năm là vàng thỏi. Thứ sáu là năng lượng và một số khoáng sản không có sẵn tại Hoa Kỳ.

Ngoài ra theo Sắc lệnh Hành pháp, có Phụ lục 2 liệt kê một số nhóm hàng không phải chịu thuế đối ứng, đơn cử như là nhựa và các sản phẩm nhựa, hóa chất, gỗ và các mặt hàng gỗ, đồng và các sản phẩm đồng, thiếc; máy điện, thiết bị điện. .

Điểm lưu ý là các mặt hàng Việt Nam nếu chứng minh được rằng có nguồn gốc nguyên liệu hoặc yếu tố khác từ Mỹ tối thiểu trên 20% thì chỉ chịu thuế đối ứng 46% trên phần giá trị không có nguồn gốc từ Mỹ.

"Quy định này sẽ khuyến khích nguyên liệu đầu vào có xuất xứ từ Mỹ. Tuy nhiên công thức này được cho rằng rất khó tính toán khi bao gồm nhiều chỉ số, thông số kĩ thuật phức tạp", vị Tham tán cho hay.

Ông Hưng cho biết Thương vụ đã tham vấn nhiều tổ chức liên quan đến vấn đề thuế đối ứng. Các tổ chức được tham vấn như Phòng thương mại Mỹ (USCC), Hiệp hội Dệt may và giày dép Hoa Kỳ (AAFA), Hiệp hội các nhà Phân phối và Bán lẻ Giày dép Mỹ (FDRA)… đều cho biết các doanh nghiệp thành viên của họ cam kết duy trì hoạt động tại Việt Nam nhưng sẽ quan sát chặt chẽ các động thái về chính sách.

"Các doanh nghiệp Mỹ cho biết trong bối cảnh dịch chuyển thì chênh lệch thuế tạm thời có thể không đảm bảo bù cho chi phí phát sinh nếu chuyển sang quốc gia khác", ông Hưng nói.

Vị Tham tán khuyến nghị Việt Nam nên nghiên cứu tăng nhập khẩu một số sản phẩm thế mạnh của Hoa Kỳ, phù hợp với nhu cầu của Việt Nam. Qua đó truyền tải thông điệp tích cực, minh chứng việc Việt Nam sẵn sàng điều chỉnh cán cân thương mại theo hướng cân bằng, hài hòa và cùng có lợi. Đồng thời quan tâm giải quyết triệt để các rào cản thương mại, phi thuế quan, thuế với doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Các lô hàng nên nhanh chóng thông quan trước 9/4

Tham tán Việt Nam tại Mỹ: Nhiều mặt hàng không chịu thuế đối ứng, doanh nghiệp Mỹ vẫn cam kết duy trì hoạt động tại Việt Nam- Ảnh 2.

Theo ông Hưng, hiện thị trường Hoa Kỳ chiếm đến hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu của ta có thể sẽ phải đối mặt với các thủ tục hành chính phức tạp và chi phí vận chuyển cao do thuế suất tăng. Các doanh nghiệp có thể tìm kiếm thị trường khác thay thế, tuy nhiên cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức, tốn kém công sức và thời gian khi phát triển và xây dựng thị trường mới.

Các doanh nghiệp FDI, hiệp hội, ngành hàng nên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước để tăng cường nắm bắt thông tin, xây dựng chiến lược kinh doanh để phản ứng kịp thời. Tuân thủ chặt chẽ các quy định của Mỹ như Đạo luật chống lao động cưỡng bức, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ chứng từ để sẵn sàng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại khi cơ quan hữu quan Hoa Kỳ khởi kiện.

"Lưu ý các lô hàng Việt Nam xuất khẩu cần cố gắng tận dụng từ giờ cho tới 9/4 để nhanh chóng hoàn tất xuất tất cả các lô hàng, tránh các mức thuế có thể áp lên Việt Nam", ông nhấn mạnh.

Vị Tham tán cho biết một số lo ngại cho rằng các nhà nhập khẩu Mỹ có thể chuyển hướng sang tìm các nhà cung ứng ở quốc gia không có thuế đối ứng hoặc mức thuế đối ứng thấp hơn. Điều này dẫn đến sụt giảm nghiêm trọng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu tại thị trường trọng điểm này.

Các doanh nghiệp, ngành hàng nên xem xét đàm phán với các nhà nhập khẩu để chia sẻ gánh nặng đối ứng, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì thị trường nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

"Tại thời điểm hiện tại, theo thông tin chúng tôi nhận được, một số nhà nhập khẩu yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển từ giá FOB (giao hàng trên tàu) sang giá DDP (giao hàng đã trả thuế) chuyển rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu", ông Hưng thông tin.


Link nội dung: https://thuongtruong.net/tham-tan-viet-nam-tai-my-nhieu-mat-hang-khong-chiu-thue-doi-ung-doanh-nghiep-my-van-cam-ket-duy-tri-hoat-dong-tai-viet-nam-a124629.html