Từ biểu tượng "mua sắm không cần nghĩ"…
Nếu bạn từng xem những video TikTok "haul" khoe cả núi quần áo, phụ kiện, đồ trang trí hay đồ điện tử "siêu xinh, siêu rẻ", thì gần như chắc chắn đã từng bắt gặp sản phẩm từ Shein hoặc Temu. Với chiến lược đánh vào tâm lý thích "mua sắm nhiều - chi ít", hai nền tảng này nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Mỹ nhờ giá rẻ giật mình, miễn phí vận chuyển và nguồn hàng phong phú.
Shein, có trụ sở chính hiện đặt tại Singapore nhưng vẫn vận hành phần lớn từ Trung Quốc, nổi lên từ năm 2017. Temu, "em út" ra đời sau, nhanh chóng vượt mặt Shein về mức độ phổ biến chỉ trong vòng một năm kể từ khi ra mắt tại Mỹ năm 2022. Theo số liệu Bloomberg, riêng Temu đã có hơn 70 triệu người dùng tại Mỹ tính đến tháng 5/2023.
Không phải ngẫu nhiên mà vào năm ngoái, hai nền tảng này chiếm đến 17% tổng lượng hàng hóa giá rẻ nhập khẩu vào Mỹ. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa giá thấp từ Trung Quốc, phần lớn qua Shein và Temu, ăng vọt từ 5,3 tỷ USD năm 2018 lên 66 tỷ USD năm 2023.
… đến nguy cơ "tụt mood" vì chính sách thuế
Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nóng trở lại, các doanh nghiệp gốc Trung Quốc như Shein và Temu là những cái tên đầu tiên chịu ảnh hưởng.
Kể từ ngày 2/5 tới, chính sách "miễn thuế cho hàng dưới 800 USD" - vốn là "phao cứu sinh" giúp hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ với giá rẻ - sẽ chính thức bị xóa bỏ theo sắc lệnh mới của ông Trump. Không những thế, các mặt hàng từ Trung Quốc sẽ đối mặt với mức thuế nhập khẩu cao ngất ngưởng: 145%.
Những tín đồ của các trang web thời trang nhanh nổi tiếng Shein và Temu có thể sẽ chứng kiến giá cả tăng nhanh hơn dự kiến, theo thông báo mới đây từ cả hai thương hiệu (Ảnh: Bloomberg).
Cụ thể, các hãng vận chuyển như FedEx hay UPS sẽ bị đánh thuế 120% hoặc phải trả khoản phí 100 USD cho mỗi kiện hàng dưới 800 USD (và con số này sẽ tăng lên 200 USD từ ngày 1/6). Điều đó đồng nghĩa với việc Shein và Temu không còn con đường nào khác ngoài tăng giá nếu muốn tồn tại ở thị trường Mỹ.
Trong thông báo gần như giống hệt nhau gửi đến người tiêu dùng ngày 16/4, cả hai công ty cho biết sẽ "điều chỉnh giá" bắt đầu từ ngày 25/4. Dù không nêu rõ mức tăng cụ thể, họ nhấn mạnh chi phí hoạt động đã tăng do "những thay đổi gần đây trong các quy định và thuế quan thương mại toàn cầu."
Người tiêu dùng Mỹ phản ứng ra sao?
Chưa kịp "chốt đơn", hàng loạt tín đồ Shein và Temu đã vội vã lên mạng xã hội chia sẻ đơn hàng "cuối cùng" của mình. "Tụi mình chỉ còn khoảng 10 ngày để đặt hàng với giá rẻ", TikToker @findwithalyssa cảnh báo trong một video đăng ngày 16/4.
Một người dùng khác đùa: "Chuẩn bị bay sang Trung Quốc tự lấy đơn Shein về để khỏi chịu thuế". Người khác lại than thở: "Shein là nơi duy nhất có size của tôi. Tôi vẫn sẽ mua ở đó vì không nơi nào khác có đồ plus-size dễ thương mà không giống đồ đi lễ nhà thờ của bà ngoại".
Hashtag #SheinHaul và #TemuDeals tràn ngập các nền tảng như TikTok, X (Twitter cũ) và Instagram. Đơn hàng tăng vọt, không ít người khoe đã "gom cả tủ đồ mùa hè" trước thời điểm "định mệnh".
Tuy nhiên, không phải ai cũng tiếc nuối. Một bộ phận người dùng bày tỏ sự hả hê, coi đây là "quả báo" cho các nền tảng thường xuyên bị chỉ trích vì điều kiện lao động kém, lạm dụng hàng dùng một lần và quảng bá tiêu dùng quá mức.
"Shein trả lương bèo cho nhân viên, vậy tiền lãi đi đâu hết?", một người dùng X đặt câu hỏi. Người khác thẳng thắn: "Temu và Shein toàn bán hàng rác, tôi mừng vì họ bị siết lại".
Một số ý kiến còn hy vọng đây sẽ là cơ hội để người tiêu dùng Mỹ quay lại với các cửa hàng đồ cũ, doanh nghiệp nhỏ và các thương hiệu bền vững hơn.
Các ông lớn công nghệ và bán lẻ cũng… méo mặt
Shein và Temu không chỉ gây bão trong ngành thời trang, họ còn là những "tay chơi lớn" trên thị trường quảng cáo trực tuyến. Năm ngoái, hai cái tên này nằm trong top các nhà chi tiền quảng cáo mạnh tay nhất trên Facebook, TikTok, Instagram và Snap.
Tuy nhiên, theo công ty phân tích Sensor Tower, cả hai đã cắt giảm mạnh ngân sách quảng cáo trong những tuần gần đây - một tín hiệu đáng lo ngại cho các nền tảng sống nhờ quảng cáo.
Amazon, không chịu kém cạnh, đã âm thầm phản đòn bằng cách ra mắt gian hàng giá rẻ chuyên bán đồ dưới 20 USD, với giao diện và sản phẩm "na ná" Temu và Shein. Trong bối cảnh người tiêu dùng đang lưỡng lự vì giá tăng, Amazon hy vọng giành lại thị phần bằng chính chiêu "giá rẻ thần thánh" từng giúp hai đối thủ thống trị thị trường.
Bịt lỗ hổng, ai là người thắng?
Chính sách miễn thuế "de minimis" từng cho phép các kiện hàng nhỏ từ nước ngoài được nhập vào Mỹ mà không bị đánh thuế đã trở thành "miếng bánh béo bở" cho các công ty thương mại điện tử Trung Quốc. Mỗi ngày, có tới 4 triệu kiện hàng kiểu này đổ vào Mỹ, phần lớn đến từ Trung Quốc.
Nhiều chính trị gia, doanh nghiệp Mỹ và cả lực lượng thực thi pháp luật đã lên tiếng chỉ trích lỗ hổng này, cho rằng nó giúp hàng Trung Quốc cạnh tranh không công bằng, thậm chí trở thành con đường cho hàng giả và ma túy lọt vào thị trường Mỹ.
Với sắc lệnh mới, ông Trump không chỉ muốn siết chặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà còn gửi một thông điệp mạnh mẽ: thời kỳ "đánh thuế thấp - hưởng lợi lớn" đã qua.
Shein và Temu từng là biểu tượng cho xu hướng "chi tiêu thông minh" - tức mua nhiều món với số tiền ít nhất. Tuy nhiên, với chính sách thuế mới từ ông Trump, kỷ nguyên vàng son này có thể sắp khép lại. Dù mức tăng cụ thể chưa rõ, rõ ràng giá rẻ không còn là điều hiển nhiên.
Người tiêu dùng Mỹ sẽ phải cân nhắc lại thói quen mua sắm, trong khi các nền tảng thương mại điện tử giá rẻ sẽ cần chiến lược mới nếu không muốn bị đào thải. Shein và Temu, một thời là "cơn sốt giá rẻ", giờ đây đang đứng trước phép thử lớn nhất kể từ khi đặt chân vào thị trường Mỹ.
Link nội dung: https://thuongtruong.net/shein-temu-tang-gia-soc-giac-mong-do-re-sap-tan-a126431.html