Nhà thầu nào thi công mái nhà ga T3 Tân Sơn Nhất?

Gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3 (gói thầu số 12) trị giá hơn 9.000 tỷ đồng do liên danh 6 nhà thầu phụ trách.

Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất mới đi vào hoạt động từ ngày 19/4. Ảnh: ACV.

Vừa đi vào vận hành ngày 19/4 nhưng đến chiều 8/5, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đã bị mưa dột.

Đại diện Ban quản lý dự án xây dựng nhà ga T3 lý giải nguyên nhân do co ngót nhiệt, đây là hiện tượng vật liệu thay đổi kích thước khi nóng lên.

Sau sự cố này, Bộ Xây dựng đã có yêu cầu ACV phải xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình khai thác, sử dụng công trình nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Nhà thầu "ruột" của ACV

Theo tìm hiểu, gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3 (gói thầu số 12) do liên danh 6 nhà thầu phụ trách. Bao gồm Tổng công ty Cổ phần Xây dựng Hà Nội (Hancorp), Tổng công ty Cổ phần Xây dựng số 1 (CC1); Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng RICONS, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Lưu Nguyễn.

Liên danh này đáp ứng yêu cầu về hồ sơ năng lực kỹ thuật và trúng thầu khi bỏ giá thầu thấp hơn giá công bố 22 tỷ đồng, ở mức 9.034 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đơn vị thi công chính gói thầu số 12 nhà ga T3, Tổng công ty Cổ phần Xây dựng Hà Nội (Hancorp) từng trúng nhiều gói thầu khác của ACV.

Tiêu biểu như gói thầu số 11 thi công phá dỡ, nền đất, móng cọc, sàn đáy tầng hầm công trình nhà ga T3. Ngoài ra, Hancorp còn trúng gói thầu 5.6, thi công cọc công trình Nhà ga hành khách thuộc dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu tại sân bay Long Thành.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn từng tham gia thi công nhiều dự án lớn như trụ sở làm việc Bộ Công an, Bệnh viện Nhi trung ương, Trung tâm hội nghị quốc gia, Nhà hát lớn TP Hà Nội...

san bay,  nha thau,  cong trinh anh 1

Nhà ga T3 chưa có thời gian vận hành thử nghiệm. Ảnh: ACV.

Ông Nguyễn Đức Toàn - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) cho biết nhà ga T3 được thi công với tiến độ gấp rút để kịp bàn giao, dẫn đến việc chưa có thời gian vận hành thử nghiệm đầy đủ.

"Đây là một sự cố đáng tiếc, xảy ra tại một số vị trí kết nối giữa các tấm vật liệu ở chân mái, nơi tiếp giáp với các tấm lấy sáng. Keo bơm chống thấm đã bị bong hoặc hở trong quá trình hoàn thiện", vị này nói thêm.

Ngay sau khi ghi nhận hiện tượng nước thấm, Hancorp đã rà soát toàn bộ hệ mái có diện tích hàng chục nghìn m2, đồng thời bơm lại keo tại các vị trí nghi ngờ, kiểm tra lại toàn bộ máng xối, ống thoát nước và các khớp nối để tránh lặp lại sự cố.

Hancorp kinh doanh ra sao?

Hancorp tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập theo Quyết định số 990 ngày 20/11/1995 của Bộ Xây dựng. Doanh nghiệp cổ phần hóa từ ngày 14/8/2014. Cổ phiếu của doanh nghiệp đang được giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán HAN.

Vốn điều lệ của Hancorp đến cuối năm 2024 là hơn 1.410 tỷ đồng, trong đó, Bộ Xây dựng nắm 98,83% vốn.

Báo cáo tài chính quý I cho thấy doanh thu thuần Hancorp đạt 866 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của nhà thầu này khá thấp, chỉ chưa đến 6%. Sau trừ chi phí và thuế, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp chỉ hơn 3 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Hancorp đến cuối tháng 3 đạt 6.059 tỷ đồng, giảm gần 6% so với đầu năm nay.

san bay,  nha thau,  cong trinh anh 2

Hancorp cùng các nhà thầu khác phụ trách gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3. Ảnh: Hancorp.

Vừa qua, Thanh tra Bộ Tài chính đã ban hành kết luận thanh tra tài chính tại Hancorp trong năm 2023.

Theo đó, thanh tra đánh giá một số khoản đầu tư của Hancorp trước thời điểm cổ phần hóa tính đến cuối năm tài chính 2023 không hiệu quả. Đó là các khoản đầu tư vào: Công ty CP Xây dựng Hancorp 2, Công ty CP Cơ khí và xây dựng, Công ty CP Thủy điện Hùng Lợi, Công ty CP Sahabak, Công ty CP Phát triển đô thị Bắc Hà Nội, Công ty CP BOT xe điện mặt đất số 1.

Đáng chú ý, công ty mẹ Hancorp đã bỏ tiền đầu tư 4 lô đất tại khu giãn dân Bãi Nổ, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Các lô đất này chỉ có quyết định về nguyên tắc cho sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng hai bên ký kết nhưng chưa có quyết định giao đất, giấy phép xây dựng.

Thanh tra Bộ Tài chính yêu cầu Hancorp thoái vốn tại 4 lô đất đã đầu tư nhưng không thể triển khai dự án do các lô đất thuộc quy hoạch Khu di tích bảo tồn Cổ Loa.

Đồng thời yêu cầu Hancorp tổ chức rà soát, đánh giá các khoản đầu tư tài chính tại doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, xây dựng phương án cụ thể để khắc phục các khó khăn tài chính của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cũng cần xử lý thoái vốn, điều chỉnh cơ cấu đầu tư, thu hồi vốn đối với các khoản đầu tư không hiệu quả, lỗ lũy kế kéo dài, đảm bảo nguyên tắc bảo toàn, phát triển vốn, tránh thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Link nội dung: https://thuongtruong.net/nha-thau-nao-thi-cong-mai-nha-ga-t3-tan-son-nhat-a129111.html