Tỷ phú Phạm Nhật Vượng muốn làm tuyến đường sắt đi từ quận 7 (Tp.HCM) đến Cần Giờ bằng nguồn vốn tư nhân

Dự án đường sắt kết nối Tp.HCM – Cần Giờ bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao với đường Nguyễn Thị Thập và đường Lý Phục Man, quận 7) - Nguyễn Lương Bằng - Rừng Sác và điểm cuối nằm tại khu đất 39ha tiếp giáp dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc nghiên cứu đầu tư dự án đường sắt kết nối từ trung tâm Tp.HCM đi Cần Giờ.

Để việc đầu tư được tập trung và hiệu quả, Tập đoàn Vingroup đã cùng với các tổ chức và cá nhân Việt Nam, trong đó cá nhân chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup thành lập Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed.

Theo Tập đoàn Vingroup, việc thành lập Công ty VinSpeed là để triển khai tập trung và đầu tư hiệu quả các dự án, với mong muốn được tham gia vào quá trình đầu tư phát triển hệ thống đường sắt quốc gia góp phần vào việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước và trên tinh thần của nghị quyết số 68 Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

VinSpeed có nhiệm vụ đầu tư xây dựng, kinh doanh (vận hành, khai thác) các công trình đường sắt cao tốc, sản xuất các phương tiện giao thông vận tải đường sắt (đầu máy, toa xe) và hệ thống tín hiệu, điều khiển đường sắt.

Trong đề xuất lần này, Vingroup đề xuất hình thức đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn tư nhân, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng muốn làm tuyến đường sắt đi từ quận 7 (Tp.HCM) đến Cần Giờ bằng nguồn vốn tư nhân- Ảnh 1.

Ban đầu, dự án dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với hợp đồng BOO (Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh). Tuy nhiên, sau khi rà soát các yếu tố pháp lý và thực tiễn triển khai, Tập đoàn Vingroup kiến nghị chuyển sang hình thức đầu tư trực tiếp theo Luật Đầu tư hiện hành. Điều này không chỉ giúp rút ngắn quy trình thủ tục mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Vingroup trong việc chủ động nguồn lực và đảm bảo tiến độ dự án.

Tập đoàn Vingroup rất mong UBND TP xem xét, chấp thuận và có ý kiến chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ, hướng dẫn, phối hợp triển khai các công việc liên quan để có thể sớm hoàn thành việc đầu tư xây dựng dự án.

Trước đó, UBND TP.HCM vừa có văn bản chấp thuận việc Tập đoàn Vingroup nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án đường sắt đô thị kết nối trung tâm với huyện Cần Giờ theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, Tập đoàn Vingroup chịu trách nhiệm tự cân đối kinh phí để nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án, không sử dụng ngân sách TP. Trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận, nhà đầu tư chịu mọi rủi ro và các khoản chi phí đã thực hiện.

Tuyến đường sắt kết nối từ Tp.HCM đi đến Cần Giờ có chiều dài khoảng 48,7km. Dự án bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao với đường Nguyễn Thị Thập và đường Lý Phục Man, quận 7) - Nguyễn Lương Bằng - Rừng Sác và điểm cuối nằm tại khu đất 39ha tiếp giáp dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP.HCM - Cần Giờ sẽ hỗ trợ phát triển mạnh du lịch sinh thái và đô thị biển – hứa hẹn sẽ tạo ra cú hích lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam TP. Đồng thời, dự án cũng được kỳ vọng sẽ góp phần giảm áp lực giao thông đường bộ, tăng tính kết nối và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

UBND Tp.HCM giao Sở Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở chuyên môn, các đơn vị và địa phương liên quan, kết hợp tham khảo, tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực đường sắt để hướng dẫn Tập đoàn Vingroup trong quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án.


Link nội dung: https://thuongtruong.net/ty-phu-pham-nhat-vuong-muon-lam-tuyen-duong-sat-di-tu-quan-7-tphcm-den-can-gio-bang-nguon-von-tu-nhan-a130005.html