Cho vay đặc biệt lãi suất 0%: Chuyển quyền quyết sang Ngân hàng Nhà nước

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng đã chuyển thẩm quyền quyết từ Thủ tướng với trường hợp khoản cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, khoản cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm sang Ngân hàng Nhà nước.

Sáng 20/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.

Theo bà Hồng, hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh gắn với rủi ro, việc phát sinh nợ xấu là điều không thể tránh khỏi. Xử lý nợ xấu là công việc thường xuyên, tạo sự luân chuyển vốn thuận lợi cho phát triển kinh tế.

Hiện nay, nợ xấu của hệ thống tín dụng vẫn tiếp tục ở mức cao và có xu hướng gia tăng đang là áp lực đối với lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt đặt trong bối cảnh hiện tại khi năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021-2025 và Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để đất nước ta tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.

Cho vay đặc biệt lãi suất 0%: Chuyển quyền quyết sang Ngân hàng Nhà nước- Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình bày tờ trình (Ảnh: Media Quốc hội).

Thống đốc cho biết, việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42 sẽ xử lý các vướng mắc, khó khăn hiện nay về xử lý nợ xấu, giúp các tổ chức tín dụng, các tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền hợp pháp của mình.

Theo dự thảo Luật, Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt có tài sản bảo đảm, không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng. Tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước là 0%/năm.

Như vậy, dự thảo Luật đã chuyển thẩm quyền quyết từ Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp khoản cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, khoản cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm) thành Ngân hàng Nhà nước.

Quy định này không chỉ triệt để phân cấp, phân quyền mà còn giảm bớt khâu trung gian, góp phần rút ngắn thời gian xử lý bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Cho vay đặc biệt lãi suất 0%: Chuyển quyền quyết sang Ngân hàng Nhà nước- Ảnh 2.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi (Ảnh: Media Quốc hội).

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, Uỷ ban tán thành nội dung này trong quy định của Dự thảo.

Song Uỷ ban đề nghị rà soát các quy định hiện hành về cho vay đặc biệt; nghiên cứu quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm; quy định rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục cho vay và có các biện pháp tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa và hạn chế tổn thất có thể xảy ra.

Đồng thời, rà soát các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 liên quan đến thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt để sửa đổi, bổ sung phù hợp với việc phân cấp thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước, bảo đảm gắn phân cấp phân quyền với xác định rõ trách nhiệm tương xứng với quyền hạn được giao, tránh phát sinh vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự án Luật cũng bổ sung quy định về quyền thu giữ tài sản đặc biệt của tổ chức tín dụng và tổ chức mua bán, xử lý nợ trong trường hợp xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Cụ thể, tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ được quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Việc thu giữ tài sản bảo đảm chỉ được thực hiện trong trường hợp hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo bà Hồng, quy định về thu giữ tài sản bảo đảm không phải là việc thu giữ đơn phương, vô điều kiện mà phải tuân thủ phạm vi, giới hạn, điều kiện thu giữ. Đồng thời, quy định về trình tự, thủ tục thu giữ, công bằng, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên có nghĩa vụ, tổ chức tín dụng và các bên có liên quan.

Cho vay đặc biệt lãi suất 0%: Chuyển quyền quyết sang Ngân hàng Nhà nước- Ảnh 3.

Các đại biểu dự phiên họp (Ảnh: Media Quốc hội).

Dự án Luật cũng bổ sung quy định sau khi hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án, cơ quan tiến hành tố tụng hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo đề nghị của bên nhận bảo đảm là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ.

Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi chấm dứt việc tạm giữ theo quy định tại khoản 2 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính và không thuộc trường hợp bị áp dụng hình thức xử phạt tịch thu, người ra quyết định tạm giữ trả tang vật, phương tiện theo đề nghị của bên nhận bảo đảm là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ.

Thẩm tra các nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, việc luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là cần thiết.

Song Uỷ ban đề nghị rà soát, bảo đảm quy định chặt chẽ các điều kiện để thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; vai trò, trách nhiệm của UBND cấp xã và cơ quan công an cấp xã trong bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm; việc ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn cho NCB lên hơn 19.200 tỷ đồngĐề xuất giao Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệtKhoảng 800.000 tỷ đồng ngân sách nhàn rỗi đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước

Cơ quan thẩm tra đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm sau thu giữ, bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thu giữ tài sản bảo đảm, các bên có liên quan.

Về kê biên tài sản của người phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu, Ủy ban Kinh tế - Tài chính tán thành quy định này, đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát các trường hợp thi hành bản án liên quan đến quyền lợi của bên thứ 3 (ngoài nội dung về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe đã được quy định).

"Nghiên cứu giao Chính phủ quy định chi tiết cơ chế phối hợp xử lý giữa cơ quan thi hành án dân sự và các tổ chức tín dụng khi xử lý tài sản bảo đảm", ông Mãi nêu.

Cơ quan thẩm tra cũng tán thành về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong vụ việc vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, Uỷ ban đề nghị rà soát các quy định cụ thể, tránh dẫn đến xung đột trong trường hợp giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm; tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nhiều bên cùng nhận bảo đảm và cùng đề nghị hoàn trả.

Việc hoàn trả tài sản bảo đảm cần được xem xét trong điều kiện đã có thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ. Trường hợp cần thiết, giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn các trường hợp, điều kiện, trình tự, thủ tục cụ thể.

Link nội dung: https://thuongtruong.net/cho-vay-dac-biet-lai-suat-0-chuyen-quyen-quyet-sang-ngan-hang-nha-nuoc-a130396.html