Đối với anh Phạm Văn Duẩn và chị Nguyễn Thị Nhị – những nông dân kỳ cựu của Hợp tác xã Sản xuất đậu nành Nam Dong, cây đậu nành vừa là cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định vừa là "người bạn đồng hành" giữ "sức khỏe" cho đất đai nơi đây.

Cây xóa đói năm nào và cuộc hồi sinh mới
Vào những năm 1990, khi người dân từ các tỉnh phía Bắc di cư đến khai khẩn vùng đất đỏ bazan Cư Jút, cây đậu nành theo chân họ bén rễ nơi đây. Nhờ đặc tính dễ trồng, ít sâu bệnh, năng suất ổn định và chi phí chăm sóc thấp, đậu nành nhanh chóng trở thành cây trụ cột giúp hàng nghìn hộ dân ổn định cuộc sống – một biểu tượng của sự "đổi đời" nơi vùng đất mới.
Tuy nhiên, dần dần việc canh tác theo tập quán cũ, thiếu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã khiến giống đậu bị thoái hóa, năng suất ngày càng giảm, trong khi chi phí sản xuất tăng cao. Song song đó, hệ lụy từ lạm dụng phân bón hóa học cũng khiến đất đai mất dần độ màu mỡ. Đến những năm 2010, cây đậu nành từng là niềm tự hào của Cư Jút bắt đầu bị lãng quên, nhường chỗ cho những loại cây trồng khác dễ bán hơn, dễ đầu tư hơn.

Năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy (VSAC) đã chọn thuần lại giống đậu nành hoa trắng bản địa, tạo ra giống VINASOY 01-CT – bắt đầu giúp bà con nông dân nơi đây xây dựng lại niềm tin với cây đậu nành. Khi tham gia chương trình liên kết với Vinasoy năm 2017, anh Duẩn và chị Nhị trở thành một trong những hộ đầu tiên sử dụng giống mới, áp dụng quy trình canh tác mới.
Với sự đồng hành của Trung Tâm VSAC và Hợp tác xã Nam Dong, những người nông dân nơi đây đã bắt đầu gieo trồng đậu nành theo hướng canh tác mới. Ban đầu, thay đổi không dễ, từ việc giảm lượng giống gieo trồng, bón phân cân đối, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… cho đến việc cắt gốc khi thu hoạch, bán đậu theo quy trình đánh giá chất lượng – tất cả đều là "chuyện lạ" với nông dân quen làm theo kinh nghiệm.

Khi đất bắt đầu "thở lại"
Kết quả không đến ngay trong vụ đầu tiên, nhưng chỉ sau vài mùa, đất bắt đầu có dấu hiệu hồi sinh. Tỷ lệ cây con chết yểu giảm đi đáng kể, không cần bón phân nhiều cho vụ kế tiếp mà năng suất vẫn cao. Nhờ việc để lại rễ đậu nành trong đất, lượng đạm tự nhiên được tái tạo, giúp cây đậu phộng sau đó phát triển mạnh hơn.

Từ mức 1,5–1,7 tấn/ha, năng suất đậu nành của anh Duẩn đã tăng lên 2–2,2 tấn/ha nhờ giống VINASOY 01-CT - kết quả của quá trình chọn thuần giống bản địa do Vinasoy thực hiện. Đặc biệt, từ khi chuyển sang giống VINASOY 02-NS, năng suất còn vượt trội hơn, đạt trên 3 tấn/ha. Bên cạnh việc cung cấp giống chất lượng, Vinasoy còn tích cực hỗ trợ nông dân thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn chuẩn bị đất, kiểm tra tỷ lệ nảy mầm, cũng như quy trình ủ và bổ sung phân hữu cơ.
Năm 2022, Vinasoy thành lập Câu lạc bộ Nông dân 3 tấn/ha – nơi không chỉ ghi nhận năng suất cao mà cả chuyển biến về tư duy canh tác nông nghiệp bền vững. Anh Duẩn là một trong những thành viên nòng cốt, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm với các hộ khác.

Vinasoy trao chứng nhận CLB như lời tri ân với những người dám thay đổi. Năm 2025, doanh nghiệp tiếp tục đưa giống mới VINASOY 05 vào thử nghiệm tại Tây Nguyên – giống phù hợp hơn với điều kiện đất đai và giúp đẩy nhanh cơ giới hóa thu hoạch.
Vinasoy đồng hành cùng những người gìn giữ "sức khỏe" đất
Luân canh đậu nành – đậu phộng – khoai lang ở Cư Jút giờ đây không chỉ là mô hình luân canh cho hiệu quả kinh tế cao nhất, mà là mô hình canh tác bền vững. Từ khi hợp tác với Vinasoy, nông dân Cư Jút đã hiểu cây đậu nành vừa tạo ra hạt giàu đạm cho con người, vừa là "nhà máy cố định đạm", bổ sung hữu cơ – giúp tăng "sức khỏe" cho đất.

Hơn 10 năm qua Vinasoy bền bỉ đồng hành cùng người nông dân để thay đổi tư duy canh tác nông nghiệp, từ việc nghiên cứu giống phù hợp, chuyển giao kỹ thuật bền vững, đến tạo dựng cộng đồng trao đổi học hỏi, Vinasoy đang góp phần xây dựng một văn hóa nông nghiệp mới: làm nông bằng tình yêu đất và bằng tầm nhìn xa cho tương lai.

Bạn có biết? Một hecta đậu nành có thể giúp tiết kiệm tới 200kg urê và bổ sung hàng trăm kilôgam đạm hữu cơ cho đất – vừa giúp cây khỏe, vừa giảm phát thải khí nhà kính.