Có một 'siêu phường' ở Hà Nội sở hữu 32 tỷ USD vốn hóa doanh nghiệp

Sau ngày 1/7, bản đồ hành chính mới của Hà Nội đã tái định vị nơi các doanh nghiệp tỷ USD chọn làm trụ sở chính, đưa Hoàn Kiếm và Cửa Nam thành địa bàn đắt giá nhất.

Các doanh nghiệp tỷ USD trên sàn chứng khoán tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

Từ ngày 1/7, Hà Nội cùng 33 địa phương trên cả nước chính thức bỏ cấp hành chính quận, đồng thời sáp nhập, điều chỉnh lại ranh giới các xã, phường. Sự thay đổi này đã vẽ lại bản đồ trụ sở của loạt doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sau sắp xếp, sáp nhập, phần lớn tập đoàn, ngân hàng với vốn hóa tỷ USD có trụ sở đặt tại khu vực trung tâm Thủ đô.

Gần 32 tỷ USD vốn hóa chỉ trong một phường

Sau khi sáp nhập các phường cũ như Lý Thái Tổ, Tràng Tiền… thành một đơn vị hành chính mới mang tên phường Hoàn Kiếm, khu vực này trở thành "thung lũng" tài chính của Thủ đô.

Trong đó, 3 ngân hàng niêm yết đang đặt trụ sở tại phường Hoàn Kiếm gồm Vietcombank (vốn hóa trên 476.000 tỷ đồng - 18,4 tỷ USD), BIDV (255.000 tỷ đồng - 9,8 tỷ USD) và LPBank (96.000 tỷ đồng - 3,7 tỷ USD). Chỉ tính riêng 3 ngân hàng này, phường Hoàn Kiếm đã sở hữu hơn 827.000 tỷ đồng vốn hóa thị trường, tương đương 32 tỷ USD - con số vượt xa quy mô GRDP của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

tru so doanh nghiep moi,  dia gioi ha noi anh 1

Phường Hoàn Kiếm là nơi đặt "đại bản doanh" của 2 ngân hàng quốc doanh quy mô lớn là Vietcombank và BIDV. Ảnh: Phạm Hưng/Danviet.vn.

Cạnh bên phường Hoàn Kiếm là phường Cửa Nam, nơi đặt trụ sở của 3 ngân hàng có quy mô vốn hóa lớn trong nhóm tư nhân và ngân hàng cổ phần Nhà nước gồm Techcombank (241.600 tỷ đồng - 9,3 tỷ USD), VietinBank (225.000 tỷ đồng - 8,7 tỷ USD) và SHB (52.400 tỷ đồng - 2 tỷ USD). Với tổng vốn hóa 3 ngân hàng niêm yết này đạt trên 519.000 tỷ đồng, phường Cửa Nam trở thành khu vực “đắt giá” thứ 2 tại Thủ đô Hà Nội theo chuẩn niêm yết.

Việc hai phường lân cận - Hoàn Kiếm và Cửa Nam - cùng đứng đầu về vốn hóa doanh nghiệp niêm yết đặt trụ sở cũng phần nào lý giải vì sao khu vực này luôn là trung tâm của thị trường tài chính, từ hạ tầng văn phòng đến giao dịch ngân hàng.

Không chỉ là nơi đặt trụ sở của các định chế tài chính lớn, phường Hoàn Kiếm còn là khu vực đặt trụ sở của một loạt cơ quan quản lý trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX)...

STT Phường Tổng vốn hóa doanh nghiệp đặt trụ sở (tỷ đồng)
1 Hoàn Kiếm 827.500
2 Cửa Nam 519.000
3 Việt Hưng 421.600
4 Phúc Lợi 315.000
5 Từ Liêm 227.200

Không nằm ở khu vực trung tâm nhưng quận Long Biên (cũ) lại sở hữu một “vùng lõi” đặc biệt là Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside. Đây là nơi đặt trụ sở của cả 3 doanh nghiệp hàng đầu trong hệ sinh thái của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là Vingroup (365.500 tỷ đồng - 14,1 tỷ USD) và Vincom Retail (56.000 tỷ đồng - 2,2 tỷ USD) tại phường Việt Hưng, còn Vinhomes (315.000 tỷ đồng - 12,1 tỷ USD) tại phường Phúc Lợi.

Tổng cộng, 2 phường Việt Hưng và Phúc Lợi đang nắm trong tay hơn 736.000 tỷ đồng vốn hóa thị trường, cho thấy sức ảnh hưởng của nhóm doanh nghiệp “họ Vin” về quy mô kinh tế nhìn từ góc độ doanh nghiệp niêm yết.

Tương tự, nhiều phường mới thành lập tại Thủ đô dù chỉ có một doanh nghiệp lớn đóng trụ sở, nhưng con số vốn hóa vẫn đủ đưa khu vực đó vào danh sách tỷ USD. Điển hình như phường Từ Liêm với trụ sở Viettel Global (227.200 tỷ đồng - 8,7 tỷ USD), phường Yên Hòa với trụ sở ngân hàng MB (157.400 tỷ đồng - 6,1 tỷ USD), phường Cầu Giấy với FPT (175.100 tỷ đồng - 6,7 tỷ USD), phường Hai Bà Trưng với Hòa Phát (174.200 tỷ đồng - 6,7 tỷ USD), hay phường Láng với VPBank (146.800 tỷ đồng - 5,6 tỷ USD).

Bản đồ doanh nghiệp tỷ USD ở Hà Nội ra sao trước khi bỏ cấp quận?

Trước ngày 1/7, bản đồ các doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD cũng tập trung tại một số quận trung tâm Thủ đô khá rõ ràng.

Dưới ranh giới cũ, các quận trung tâm như Hoàn Kiếm (cũ) chiếm ưu thế về giá trị lịch sử, thương hiệu và tiện ích hành chính, còn Long Biên hay Cầu Giấy lại thu hút các doanh nghiệp lớn nhờ quy hoạch hiện đại, không gian rộng, hạ tầng đồng bộ và khả năng phát triển lâu dài.

Trong số đó, quận Hoàn Kiếm từ lâu vẫn được xem là “trái tim tài chính” của Thủ đô, nơi quy tụ dày đặc trụ sở các ngân hàng lớn nhất Việt Nam.

Trước khi bỏ cấp quận, toàn bộ “đội hình” ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank, SHB và LPBank đều chọn đặt "đại bản doanh" tại quận Hoàn Kiếm. Tổng cộng, giá trị vốn hóa của các ngân hàng này lên tới 1,35 triệu tỷ đồng (gần 52 tỷ USD), chiếm gần 1/5 tổng vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với lợi thế hạ tầng giao thông, lịch sử lâu đời và vị thế pháp lý, quận Hoàn Kiếm đã trở thành điểm đến mặc định cho các "ông lớn" trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Trong khi đó, quận Long Biên (cũ) lại là nơi tập trung trụ sở của bộ 3 doanh nghiệp lớn nhất trong hệ sinh thái của tỷ phú Phạm Nhật Vượng gồm Vingroup, Vinhomes và Vincom Retail. Tổng cộng, 3 cái tên này đã mang lại cho quận Long Biên (cũ) giá trị vốn hóa xấp xỉ 736.600 tỷ đồng (hơn 28,3 tỷ USD), đưa quận này thành địa bàn số 2 tại Hà Nội về giá trị vốn hóa doanh nghiệp niêm yết đặt trụ sở.

Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đặt trụ sở chính tại quận Long Biên, doanh nghiệp hàng không hiện có vốn hóa gần 84.000 tỷ đồng (trên 3,2 tỷ USD).

Trong khi đó, quận Cầu Giấy (cũ) và quận Nam Từ Liêm (cũ) cũng nổi bật nhờ là nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn công nghệ, tài chính tân tiến như FPT, MB, Viettel Global. Tổng giá trị vốn hóa nhóm doanh nghiệp tại 2 quận phía Tây Hà Nội ước đạt hơn 550.000 tỷ đồng (21,2 tỷ USD).

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Link nội dung: https://thuongtruong.net/co-mot-sieu-phuong-o-ha-noi-so-huu-32-ty-usd-von-hoa-doanh-nghiep-a136119.html