![]() |
Các ứng dụng gọi xe trở thành trung gian kết nối tổ chức tài chính với người có nhu cầu tín dụng. Ảnh: Phương Lâm. |
Cuộc đua mở rộng lực lượng tài xế giữa các ứng dụng gọi xe đang bước sang giai đoạn mới. Không chỉ tập trung thu hút người mới, các nền tảng còn tạo điều kiện để người lao động sở hữu phương tiện.
Hiện nay, cả 3 “ông lớn” gồm Be, Xanh SM và Grab đều bắt tay với các ngân hàng, công ty tài chính để cung cấp giải pháp hỗ trợ tài chính, vay mua xe cho tài xế.
Be Group hiện là nền tảng đi đầu với mô hình BE5X hợp tác cùng ngân hàng VPBank. Không trực tiếp cho vay, BE5X đóng vai trò kết nối tài xế với toàn bộ hệ sinh thái tài chính - vận hành - bảo hiểm với các đối tác như hãng xe (Mitsubishi, Toyota, GWM, Suzuki…), đơn vị cho thuê xe (Saco, Đại Phát), bảo hiểm (OPES, MSIG).
Điểm nổi bật của mô hình này là việc đơn giản hóa thủ tục tiếp cận tín dụng. Theo đó, chỉ cần căn cước công dân, không yêu cầu chứng minh thu nhập, tài xế có thể đăng ký vay ngay trên ứng dụng và được duyệt hồ sơ trong vòng 5 phút.
Khoản vay có thể lên tới 85% giá trị xe mới (hoặc 75% xe cũ), với lãi suất từ 5%/năm. Ngoài vay vốn, BE5X còn tích hợp các gói bảo hiểm tài xế, hỗ trợ chi phí bảo dưỡng, qua đó giúp người lao động tiết kiệm chi phí vận hành và giảm lệ thuộc vào hình thức thuê xe vốn đắt đỏ.
“Với BE5X, chúng tôi giúp tài xế vay vốn thuận lợi, đồng thời giúp ngân hàng mở rộng tiếp cận nhóm khách hàng có tiềm năng nhưng bị bỏ sót”, đại diện Be chia sẻ.
Trong khi đó, Grab đã triển khai chương trình “Điều ước sau tay lái” hợp tác cùng công ty tài chính GFIN và ngân hàng VietinBank từ tháng 7 năm ngoái. Tài xế được hỗ trợ vay tiêu dùng không tài sản đảm bảo tối đa 25 triệu đồng trong vòng 6 tháng với lãi suất thực tế bằng 0% nếu được hoàn toàn bộ phần lãi lên tới 5 triệu đồng.
Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ tài xế giải quyết các nhu cầu chi tiêu ngắn hạn như mua điện thoại, xe máy hoặc trang thiết bị phục vụ công việc. Tuy nhiên, chương trình chưa mở rộng sang các hình thức vay mua xe hoặc đầu tư dài hạn.
Ngoài ra, để tiếp cận khoản vay, tài xế cần đáp ứng điều kiện cụ thể do GFIN xét duyệt, thay vì tích hợp trực tiếp vào ứng dụng như mô hình BE5X.
Ở một hướng khác, Xanh SM lại chọn chiến lược bài bản và dài hơi hơn khi tập trung vào phát triển lực lượng tài xế sử dụng ôtô điện.
Doanh nghiệp này đang phối hợp cùng VinFast và đơn vị đào tạo lái xe VinDT cung cấp gói hỗ trợ trả góp ôtô điện VF5 với khoản tạm ứng ban đầu chỉ 46 triệu đồng (tương đương 10% giá trị xe). Phần còn lại được vay trong 5 năm với lãi suất cố định 5,5%/năm.
Tài xế tham gia chương trình còn được tạm ứng 50% học phí lái xe và hưởng mức chia sẻ doanh thu lên tới 85% trong năm đầu tiên.
Dù đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái kinh tế số, lực lượng tài xế công nghệ tại Việt Nam lại thường xuyên bị “bỏ quên” trên bản đồ tín dụng chính thống. Không có hợp đồng lao động, không bảng lương cố định, nhóm lao động tự do này gặp nhiều rào cản khi tiếp cận vốn từ ngân hàng.
Theo thống kê, gần 70% dân số Việt Nam chưa đủ điều kiện hoặc còn e ngại khi tiếp cận tín dụng ngân hàng. Trong đó, nhóm lao động tự do như tài xế công nghệ gặp nhiều trở ngại vì không có hợp đồng lao động cố định, khó chứng minh thu nhập.
Đây là lý do khiến nhiều tài xế buộc phải tìm đến các hình thức vay không chính thống, tiềm ẩn rủi ro tín dụng đen.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Link nội dung: https://thuongtruong.net/be-xanh-sm-tung-goi-vay-mua-xe-cho-tai-xe-a136207.html