![]() |
Ông Đỗ Anh Tú đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch TPS và Phó chủ tịch TPBank từ hồi tháng 3. Ảnh: TPB. |
Tại buổi họp báo mới đây về kết quả công tác Công an 6 tháng đầu năm, đại diện Bộ Công an cho biết đã khởi tố 15 bị can trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong đó có ông Đỗ Anh Tú - nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Tiên Phong - TPS.
Thông tin này gây xôn xao trong giới tài chính - ngân hàng khi ông Đỗ Anh Tú từ lâu đã được biết đến là một trong những doanh nhân nổi bật, gắn bó với nhiều thương hiệu lớn, đặc biệt là TPBank, TPS và chuỗi sản phẩm băng vệ sinh Diana là biểu tượng trong ngành hàng tiêu dùng nhanh.
Vai trò tại hệ sinh thái Tiên Phong
Ông Đỗ Anh Tú sinh năm 1962, là con trai của doanh nhân nổi tiếng Đỗ Thế Sử và em trai ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI kiêm Chủ tịch HĐQT TPBank.
Ông Tú là Phó tiến sĩ ngành Máy năng lượng tại Đại học Kỹ thuật Praha (Cộng hòa Séc) và là chuyên gia trong lĩnh vực Quản trị thương hiệu và marketing.
Hồi tháng 3, ông Đỗ Anh Tú đã có đơn từ nhiệm tất cả chức vụ tại cả TPBank và TPS với lý do cá nhân.
“Kể từ ngày 18/3/2025, tôi từ bỏ thực hiện các quyền, nghĩa vụ của thành viên HĐQT theo quy định pháp luật, quy định nội bộ của TPBank. Tôi cam kết không can thiệp, không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện nào liên quan đến các nội dung này”, ông Tú viết trong đơn từ nhiệm gửi HĐQT TPBank.
TPBank từng là 1 trong 9 ngân hàng yếu kém trong danh sách tái cơ cấu của Nhân hàng Nhà nước năm 2011. Một năm sau, Tập đoàn DOJI tham gia vào ngân hàng này với 20% cổ phần nắm giữ.
Dưới sự dẫn dắt của 2 anh em doanh nhân họ Đỗ, TPBank đã ghi nhận sự lột xác mạnh mẽ, từ một ngân hàng yếu kém trở thành một trong những ngân hàng số hàng đầu với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và thị phần ấn tượng.
Tháng 4/2023, ông Đỗ Anh Tú được bầu vào vị trí Phó chủ tịch HĐQT TPBank nhiệm kỳ 2023-2028.
Theo báo cáo quản trị ngân hàng đến đầu năm 2025, ông Đỗ Anh Tú nắm giữ gần 98 triệu cổ phiếu TPB, tương đương 3,71% vốn ngân hàng này.
Ngoài ra, con trai và con gái của ông Tú là Đỗ Minh Quân và Đỗ Quỳnh Anh cũng đang nắm lần lượt hơn 88,2 triệu cổ phiếu (3,34%) và 81,1 triệu cổ phiếu TPB (3,07%). Vợ ông Tú - bà Trung Thị Lâm Ngọc - nắm hơn 2,5 triệu cổ phiếu TPB (0,09%).
Tại TPS, ông Tú được bầu vào HĐQT từ ngày 15/3/2021. Tuy nhiên, vị doanh nhân không nắm giữ lượng cổ phần nào tại công ty chứng khoán này.
Đồng sáng lập doanh nghiệp trăm triệu USD
Tên tuổi của ông Đỗ Anh Tú và anh trai Đỗ Minh Phú không chỉ gắn với lĩnh vực tài chính mà còn nổi bật nhờ thương hiệu băng vệ sinh Diana.
Hành trình khởi nghiệp bắt nguồn từ thời gian ông Đỗ Anh Tú học tập và làm việc tại Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc). Là cựu sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, ông Tú sang Tiệp Khắc du học năm 1979, chuyên ngành Máy năng lượng tại Đại học Kỹ thuật Praha.
Sau khi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ năm 1989, ông làm việc tại Viện nghiên cứu máy lạnh và sau đó là kỹ sư lập trình hệ thống cho Hãng hàng không Tiệp Khắc CSA.
Đầu những năm 1990, gia đình ông Tú kinh doanh thủy tinh Tiệp Khắc tại Việt Nam. Trong quá trình đóng gói hàng hóa, mẹ ông đề xuất dùng băng vệ sinh - một sản phẩm lúc đó còn xa lạ với người tiêu dùng trong nước - để lót giảm va đập, đồng thời có thể tái sử dụng.
![]() |
Ông Đỗ Anh Tú là nhà sáng lập thương hiệu Diana. Ảnh: TPS. |
Nhận thấy tiềm năng thị trường, ông Tú bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm, thiết kế bao bì và xây dựng chiến lược kinh doanh. Ông trở về Việt Nam khởi nghiệp với sự hỗ trợ của anh trai.
Công ty Diana ra đời trong bối cảnh Kotex - thương hiệu thuộc tập đoàn Kimberly-Clark (Mỹ) - đã hiện diện tại Việt Nam được 6 năm và chiếm ưu thế. Tuy nhiên, Diana nhanh chóng vươn lên nhờ chiến lược nội địa hóa sản phẩm, chinh phục thị trường bằng các dòng sản phẩm băng vệ sinh, tã em bé Bobby, tã người lớn, khăn giấy… và tạo ra thế đối trọng với Kotex.
Đến năm 2011, anh em nhà sáng lập bán 95% cổ phần Diana cho tập đoàn Nhật Bản Unicharm với giá trị ước tính khoảng 184 triệu USD. Đây được xem là một trong những thương vụ M&A nổi bật nhất tại Việt Nam lúc bấy giờ.
Dù chuyển giao quyền sở hữu, ông Tú vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc, sau đó là Phó chủ tịch thường trực giúp duy trì chiến lược kinh doanh ổn định và bản sắc thương hiệu Diana trong giai đoạn hậu M&A.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Link nội dung: https://thuongtruong.net/chan-dung-cuu-sep-tpbank-vua-bi-khoi-to-a136820.html