Tỉ giá tiếp tục chịu áp lực trong 6 tháng cuối năm

Đồng Việt Nam mất giá 2,7–2,8% từ đầu năm, trong khi USD tăng trở lại do chênh lệch lãi suất và dòng vốn ngoại rút mạnh, khiến áp lực tỉ giá tiếp tục gia tăng.

Sáng 8/7, tại Họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025, thông tin về tỉ giá, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết từ đầu năm 2025, VND đã mất giá khoảng 2,7-2,8% so với USD trong bối cảnh chỉ số USD (DXY) giảm mạnh hơn 10%.

Trong khi đồng tiền của các quốc gia khác đang có xu hướng phục hồi, đồng VND vẫn chưa có xu hướng phục hồi rõ rệt do áp lực từ sự biến động chính sách thương mại của Mỹ và cung cầu ngoại tệ trong nước. Việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế là một trong những yếu tố làm tăng áp lực lên tỉ giá. "Lãi suất là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì sức mạnh của một đồng tiền", ông Quang nhấn mạnh.

Vị lãnh đạo này cho biết, thời gian qua, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có công cụ lãi suất. Lãi suất cho vay bình quân giảm khoảng 0,6% so với năm 2024.

Tỉ giá tiếp tục chịu áp lực trong 6 tháng cuối năm- Ảnh 1.

Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại Họp báo.

"Việc duy trì lãi suất thấp giúp các TCTD có thanh khoản tốt, chi phí vốn thấp, từ đó hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này đã khiến chênh lệch lãi suất VND/USD thu hẹp, làm USD trở nên hấp dẫn hơn, dẫn đến áp lực tỉ giá và rủi ro dòng vốn rút ra, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư gián tiếp biến động mạnh", ông Quang nói.

Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ đánh giá, trong bối cảnh VND kém hấp dẫn so với USD, nhiều tổ chức có xu hướng chuyển sang nắm giữ ngoại tệ mạnh. Dù cán cân thanh toán vẫn thặng dư, nhưng dòng vốn quốc tế đang dịch chuyển nhanh, đặc biệt trên thị trường chứng khoán.

Số liệu cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, khối ngoại giải ngân khoảng 267.600 tỷ đồng nhưng bán ra tới 308.300 tỷ đồng, khiến giá trị rút ròng đạt hơn 40.700 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD. Đây là yếu tố góp phần gây áp lực lên tỉ giá và thị trường ngoại hối trong nước.

Dự báo 6 tháng cuối năm, lãnh đạo NHNN đánh giá tỉ giá và lãi suất tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các yếu tố toàn cầu.

Tỉ giá tăng cao, nhà đầu tư nên "né" cổ phiếu nào?Doanh nghiệp chủ động phòng vệ trước rủi ro tỉ giáTỉ giá "nổi sóng", liệu áp lực có kéo dài?

Đáng chú ý, chính quyền Mỹ sáng 8/7 vừa công bố mức thuế đối ứng với 14 quốc gia. Đây là một động thái có thể ảnh hưởng mạnh đến dòng vốn FDI toàn cầu và chuỗi giá trị xuất khẩu, trong đó có Việt Nam vốn là nền kinh tế có độ mở tương đối lớn.

Bên cạnh đó, chính sách lãi suất của FED vẫn chưa rõ ràng khi đã vài lần trì hoãn việc cắt giảm, do lạm phát Mỹ chưa ổn định và dữ liệu việc làm còn nhiều ẩn số. Những thay đổi này được NHNN nhận định là sẽ tác động đáng kể tới tỉ giá và mặt bằng lãi suất trong nước.

Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn ở mức cao, cho thấy nền kinh tế phục hồi chưa đồng đều, và đòi hỏi chính sách tiền tệ phải tiếp tục thận trọng, linh hoạt để đảm bảo ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng bền vững.

Về phía thị trường vàng, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết thời gian qua, thị trường này đã chịu nhiều tác động từ yếu tố khách quan, đặc biệt là biến động mạnh của giá vàng thế giới. Trong nước, giá vàng miếng SJC nhìn chung diễn biến cùng chiều với thị trường quốc tế.

Trước thực trạng đó, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp điều hành phù hợp nhằm góp phần ổn định thị trường. Nhờ đó, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước so với giá thế giới cơ bản được kiểm soát trong biên độ hợp lý, duy trì ở mức khoảng 5–7%, tương đương mức chênh lệch 3–4 triệu đồng/lượng – thấp hơn đáng kể so với các giai đoạn biến động mạnh trước đây.

Lãnh đạo NHNN cũng cho biết đã chủ động xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đầu tháng 6/2025, NHNN đã có công văn gửi các bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến góp ý, làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy trình, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý thị trường vàng trong tình hình mới.

Ngày 8/7, NHNN điều chỉnh tỉ giá trung tâm lên 25.121 đồng/USD, tăng 8 đồng so với hôm trước. Đây là mức tăng thứ hai liên tiếp trong tuần, phản ánh diễn biến mới từ thị trường quốc tế và xu hướng biến động của đồng USD.

Trên thị trường ngân hàng, giá USD được niêm yết không đồng nhất giữa các tổ chức tín dụng. Tại Vietcombank, tỉ giá mua vào – bán ra giữ nguyên so với hôm qua, giao dịch ở mức 25.940 – 26.330 đồng/USD.

BIDV điều chỉnh giảm nhẹ 5 đồng ở cả hai chiều, xuống còn 25.965 – 26.325 đồng/USD. Techcombank vẫn giữ mức 25.883 – 26.368 đồng/USD. ACB cũng duy trì giá mua – bán USD ở mức 25.960 – 26.340 đồng/USD.

Trên thị trường tự do, tỉ giá giao dịch quanh ngưỡng 26.420 – 26.500 đồng/USD, không thay đổi so với ngày 7/7. Trong khi đó, chỉ số sức mạnh đồng bạc xanh (DXY) được ghi nhận ở mức 97,42 điểm, tăng nhẹ so với những ngày trước, cho thấy đà phục hồi của USD trên thị trường quốc tế.

Link nội dung: https://thuongtruong.net/ti-gia-tiep-tuc-chiu-ap-luc-trong-6-thang-cuoi-nam-a136838.html