Chiều 10/7, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu. Thời gian áp dụng là từ 15h cùng ngày.
Cơ quan điều hành quyết định tăng 210 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và tăng 190 đồng/lít với xăng RON 95. Sau điều chỉnh, giá bán lẻ với xăng E5 RON 92 là 19.650 đồng/lít và xăng RON 95 là 20.090 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng trong kỳ điều hành này. Cụ thể, dầu diesel tăng 430 đồng/lít lên 18.830 đồng/lít, dầu hỏa tăng 240 đồng/lít lên 18.370 đồng/lít; trong khi đó, dầu mazut giảm 240 đồng/kg về mức 15.560 đồng/kg. Cơ quan điều hành vẫn duy trì không trích hay chi quỹ bình ổn giá.
Như vậy, giá xăng trong nước đã tăng trở lại sau 2 phiên giảm liên tiếp. Hiện tại, giá nhiên liệu này đang ở mức thấp trong 4 năm qua, tương đương thời điểm tháng 6/2021. Từ đầu năm đến nay, xăng RON 95 tăng 16 lần, giảm 13 lần. Dầu diesel có 15 lần tăng, 13 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Dư địa quỹ bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối vẫn ghi nhận mức dương lớn do nhiều kỳ điều hành gần đây quỹ này không được sử dụng. Số dư quỹ tính đến hết quý I là hơn 6.079 tỷ đồng. Trong đó, số dư tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm một nửa, ở mức 3.082 tỷ đồng.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết liên tục bị rơi vào tình trạng lỗ nặng do bị các doanh nghiệp đầu mối cắt giảm mạnh chiết khấu, nhất là thời điểm căng thẳng leo thang giữa Iran và Israel vào thời điểm tháng 6.
Liên quan đến chiết khấu xăng dầu, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi tham gia kinh doanh trên thị trường cần phải chấp nhận quy luật của thị trường, chịu sự điều tiết của thị trường gồm cung, cầu, giá cả. Do vậy, đại lý và cửa hàng bán lẻ cần phải có kế hoạch kinh doanh của mình để ứng phó khi thị trường có biến động.
Cơ quan này ví dụ, khi giá xăng dầu thế giới thấp, nguồn cung dồi dào, các doanh nghiệp đầu mối và phân phối có thể để mức chiết khấu cho các công ty bán lẻ ở mức cao.
Nhưng khi giá dầu thế giới tăng hoặc dự báo tăng cao, nguồn cung trở nên khan hiếm hơn thì các công ty bán lẻ có thể phải chấp nhận mức chiết khấu thấp, thậm chí có thể là chiết khấu âm nhưng vẫn phải nhập hàng để duy trì hoạt động kinh doanh, bù lại khi được hưởng mức chiết khấu cao.
Cơ quan quản lý khẳng định các quy định của pháp luật hiện hành về kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam đều không quy định về mức chiết khấu. Nhà nước chỉ tạo môi trường, quản lý, điều hành và quy định mức giá trần giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô, không quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp.
Link nội dung: https://thuongtruong.net/gia-xang-dau-dong-loat-tang-co-loai-tang-hon-400-donglit-a137101.html