Vì sao thực phẩm "nhà làm" đem bán nở rộ?

Nhiều người tiêu dùng có cảm tình với cụm từ "nhà làm" vì họ tin vào sự chân thực, gần gũi, thủ công và không công nghiệp hóa.

Sự phát triển nhanh chóng của thực phẩm nhà làm trong kinh doanh, đặc biệt là những món mùa vụ như bánh trung thu, đã thu hút sự chú ý của Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, Phạm Khánh Phong Lan.

Bà Lan khuyến cáo rằng thực phẩm nhà làm chỉ nên được tiêu thụ trong gia đình. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng món ăn.

Thực phẩm nhà làm và kinh doanh tự phát

Chuyên gia dịch vụ ẩm thực (F&B) Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director, hoàn toàn đồng tình với quan điểm "nhà làm thì nhà ăn".

"Câu nói này tuy ngắn gọn nhưng đã chạm đúng gốc rễ của vấn đề đang tồn tại trong ngành thực phẩm hiện nay, đặc biệt là ở phân khúc kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát của giới trẻ" – ông Thanh nhấn mạnh.

Vì sao thực phẩm "nhà làm" đem bán nở rộ?- Ảnh 1.

Mắm tép nhà làm được bán trên đường phố TP HCM

Theo ông Thanh, sự bùng nổ của các sản phẩm "nhà làm" thời gian qua đến từ mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, Instagram, Facebook.

Nhiều người trẻ bắt đầu từ việc làm bánh, nấu món tặng bạn bè, người thân rồi sau đó bán thử, bán online, bán theo trend (xu hướng). Tuy nhiên, chính sự dễ dàng và viral (lan tỏa) ấy lại là con dao hai lưỡi: tốc độ bán hàng nhanh hơn tốc độ học luật.

Vì sao thực phẩm "nhà làm" đem bán nở rộ?- Ảnh 2.

Chuyên gia Đỗ Duy Thanh làm diễn giả tại sự kiện do Báo Người Lao Động tổ chức - Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Thanh cho rằng phần đông người tiêu dùng có cảm tình với cụm từ "nhà làm" vì họ tin vào sự chân thực, gần gũi, thủ công, không công nghiệp hóa.

Niềm tin người tiêu dùng dễ bị lợi dụng

"Họ nghĩ rằng sản phẩm "nhà làm" là sạch, là an toàn nhưng đáng tiếc, chính cảm tình này dễ bị lợi dụng. Không phải sản phẩm nào gắn mác "homemade" cũng bảo đảm vệ sinh, cũng có giấy tờ, cũng được kiểm nghiệm. Mà người tiêu dùng thì lại không có công cụ để kiểm tra những điều đó.

Vì sao thực phẩm "nhà làm" đem bán nở rộ?- Ảnh 3.

Bánh trung thu nhà làm quảng cáo trên mạng xã hội

Cần hiểu rằng niềm tin người tiêu dùng là thứ quý giá nhưng cũng là thứ dễ bị phản bội nhất nếu thiếu minh bạch và trách nhiệm từ phía người bán. Một ca ngộ độc thực phẩm không chỉ là rủi ro cá nhân, mà còn kéo theo hệ lụy xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin thị trường và cả uy tín những thương hiệu làm ăn bài bản.

Phân biệt nấu ăn cho vui và kinh doanh

Chuyên gia ẩm thực này lưu ý cần phân biệt rõ ràng giữa "nấu ăn cho vui" và "kinh doanh thực phẩm". Một khi đã đưa sản phẩm ra thị trường, thu tiền từ người tiêu dùng, đó là kinh doanh. Mà kinh doanh thì phải tuân thủ luật, như: đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế. Phải bảo đảm các điều kiện về vật chất, con người trong chế biến thực phẩm; tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, từ nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp đến quy trình chế biến; với sản phẩm bao gói sẵn phải có kiểm nghiệm, tự công bố chất lượng, nhãn mác đầy đủ,…

"Nếu đam mê kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật. Khi bạn làm nghiêm túc, thị trường sẽ nhìn nhận bạn như một thương hiệu thực thụ – chứ không chỉ là "một người bán món ăn ngon trên mạng" – ông Thanh nhắn nhủ.


Link nội dung: https://thuongtruong.net/vi-sao-thuc-pham-nha-lam-dem-ban-no-ro-a137466.html