Bảo vệ doanh nghiệp Việt trước làn sóng bán hàng xuyên biên giới từ Trung Quốc

18/11/2024 05:00

Không chỉ Temu, nhiều sàn thương mại điện tử khác từ Trung Quốc như Taobao, 1688, Shein cũng đã tiếp cận thị trường Việt Nam. Trước bối cảnh doanh nghiệp nội địa lao đao vì cơn bão hàng giá rẻ, các chuyên gia cho rằng, nhà nước cần có những biện pháp bảo vệ doanh nghiệp Việt.

Hàng Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam

Thời gian gần đây, thị trường Việt Nam có sự gia tăng đáng kể của các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Các chợ, siêu thị và các kênh phân phối trực tuyến đều tràn ngập hàng hóa đến từ quốc gia này. 

Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp hàng giá rẻ, hàng Trung Quốc còn đa dạng về mẫu mã, kích thước và nhiều chính sách khuyến mãi hấp dẫn. Điều này đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt đối với hàng nội địa.

Các tiểu thương và nhà bán lẻ tại nhiều khu chợ truyền thống và siêu thị lớn đã dần chuyển hướng ưa chuộng hàng Trung Quốc hơn. Lý do chủ yếu nằm ở giá thành thấp, khả năng cung ứng ổn định và nhanh chóng, cùng sự đa dạng về mẫu mã đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. 

Ngoài ra, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn như giảm giá, tặng kèm sản phẩm, và giao hàng nhanh chóng cũng góp phần tạo nên sức hút mạnh mẽ từ hàng Trung Quốc.

Sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới càng làm tình hình thêm trầm trọng. Với sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử lớn như Temu, Taobao, 1688 và Shein, hàng Trung Quốc đã trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết đối với người tiêu dùng Việt Nam.

Bảo vệ doanh nghiệp Việt trước làn sóng bán hàng xuyên biên giới từ Trung Quốc- Ảnh 1.

Các tiểu thương và nhà bán lẻ tại nhiều khu chợ truyền thống đã dần chuyển hướng ưa chuộng hàng Trung Quốc

Doanh nghiệp Việt gặp khó trong cuộc chiến cạnh tranh

Trong khi người tiêu dùng hưởng lợi từ giá rẻ và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn từ các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt lại phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Giá rẻ, đa dạng mẫu mã và khuyến mãi liên tục đã khiến cho hàng Việt Nam gặp khó khăn trong việc cạnh tranh.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng ban logistics thương mại điện tử (TMĐT) của Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, để ứng phó với làn sóng đổ bộ của hàng giá rẻ Trung Quốc vào Việt Nam, các doanh nghiệp Việt cần tập trung vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi, đồng thời cải thiện hệ thống logistics để giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh.

Các nền tảng thương mại điện tử như Taobao, Temu và Shein đang làm xáo trộn sản xuất trong nước. Ông cũng nhấn mạnh rằng, sự bất công lớn nằm ở việc các nền tảng này không phải chịu thuế tại Việt Nam nhưng vẫn có thể bán hàng vào thị trường này với giá thành rẻ hơn.

Sự chênh lệch về chi phí sản xuất, hỗ trợ tài chính và logistics đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh trên cùng một sân chơi. 

Các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất, dẫn đến nguy cơ phá sản hàng loạt. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, mà còn gây ra nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng.

Bảo vệ doanh nghiệp Việt trước làn sóng bán hàng xuyên biên giới từ Trung Quốc- Ảnh 2.

Theo chuyên gia, chênh lệch về chi phí sản xuất, hỗ trợ tài chính và logistics đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh trên cùng một sân chơi.

Sự bùng nổ của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu, Taobao và 1688 đã tạo nên một làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam. Các nền tảng này không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, mà còn đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào thế khó khăn chưa từng có.

Một trong những điểm nổi bật của các nền tảng này là mức giá cạnh tranh không thể cưỡng lại, với hàng loạt sản phẩm được giảm giá sâu. 

Đặc biệt, Temu – dù chưa chính thức có mặt tại Việt Nam – đã tung ra nhiều ưu đãi khủng cho người tiêu dùng mở tài khoản và thực hiện giao dịch lần đầu. Chỉ với một đơn hàng đầu tiên, người mua có thể nhận được mức giảm giá lên tới 90%. Điều này đã thu hút đông đảo người tiêu dùng Việt Nam tham gia mua sắm, tạo nên cơn sốt hàng giá rẻ.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở giá cả, các nền tảng thương mại điện tử này còn mang đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng khi họ có thể mua sắm trực tuyến và nhận hàng tại nhà.

Với hệ thống logistics mạnh mẽ, hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc và các phương thức thanh toán đa dạng, các nền tảng này dễ dàng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và đẩy các doanh nghiệp nội địa vào tình trạng cạnh tranh không cân sức. 

Tuy nhiên, các sàn thương mại điện tử buộc phải đăng ký khi hoạt động nhưng Temu vẫn chưa thực hiện quy định này, dù đã có app cho người dùng Việt mua bán.

Bảo vệ doanh nghiệp Việt trước làn sóng bán hàng xuyên biên giới từ Trung Quốc- Ảnh 3.

Temu – dù chưa chính thức có mặt tại Việt Nam – đã tung ra nhiều ưu đãi khủng cho người tiêu dùng mở tài khoản và thực hiện giao dịch lần đầu.

Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo - chưa công bố chính thức vào Việt Nam. Nhưng từ cuối tháng 9, người dùng đã có thể vào các kho ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.

Bảo vệ doanh nghiệp Việt trên sân nhà

Sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới là một xu hướng không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong nước, cần có những chính sách và biện pháp bảo vệ phù hợp.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Lê Quang Vũ, Giám đốc công ty Truyền thông thương mại điện tử Hoàng Vũ cho rằng, sự hiện diện của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng về giá cả và sản phẩm. 

Tuy nhiên, sự cạnh tranh này cũng đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ phía chính phủ, nguy cơ nhiều doanh nghiệp nội địa sẽ phải đóng cửa do không thể cạnh tranh về giá và quy mô sản xuất.

Đồng thời, các biện pháp quản lý dữ liệu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng cần được tăng cường. Việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu cá nhân trên các nền tảng thương mại điện tử cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an ninh thông tin và quyền riêng tư của người dùng tại Việt Nam.

Bảo vệ doanh nghiệp Việt trước làn sóng bán hàng xuyên biên giới từ Trung Quốc- Ảnh 4.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị phần trong nước, chuyên gia kiến nghị cần có chính sách và biện pháp bảo vệ phòng vệ phù hợp

Theo ông Vũ, sự bùng nổ của hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Taobao và 1688, đã tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cuộc đua về giá cả và chất lượng sản phẩm không chỉ diễn ra trên mặt trận nội địa mà còn mở rộng ra toàn cầu.

Để bảo vệ và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, cần có các chính sách quản lý và hỗ trợ phù hợp từ phía chính phủ. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ để có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.

Chỉ khi có sự hỗ trợ từ chính sách và nâng cao năng lực nội tại, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể đứng vững trước làn sóng cạnh tranh khốc liệt từ hàng hóa nhập khẩu và thương mại điện tử xuyên biên giới.

Trước tình trạng các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp trong nước, Sở Công Thương Tp.HCM cũng đã có văn bản kiến nghị gửi lên Bộ Công Thương về các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả và thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.

Sở Công Thương Tp.HCM đã nêu rõ những vi phạm của các nền tảng này, đặc biệt là các chương trình quảng cáo và khuyến mãi vượt quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ.

Theo Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ không được vượt quá 50% giá trị trước thời gian khuyến mãi. Việc vi phạm này không chỉ gây hại cho quyền lợi người tiêu dùng, mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp trong nước.

Để giải quyết tình trạng này, Sở Công Thương đề xuất Bộ Công Thương ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao gồm việc áp dụng biện pháp chế tài, tạm ngừng hoặc đình chỉ hoạt động của các nền tảng vi phạm nhiều lần.

Đồng thời, cơ quan này cũng đề xuất tăng cường kiểm tra sự tuân thủ của các sàn thương mại điện tử quốc tế, tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, việc ban hành các quy định về thuế quan và thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử cũng là điều cần thiết. Điều này, nhằm đảm bảo các nền tảng phải tuân thủ quy định về thuế, đảm bảo quyền lợi cho ngân sách quốc gia và tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp nội địa.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Bộ Công Thương: Đã khởi xướng điều tra 29 vụ phòng vệ thương mạiBộ Công Thương: Đã khởi xướng điều tra 29 vụ phòng vệ thương mại
Tham khảo thêm
Thu hẹp khoảng cách số nhờ thương mại điện tửThu hẹp khoảng cách số nhờ thương mại điện tử
Khuynh Hà

Bạn đang đọc bài viết "Bảo vệ doanh nghiệp Việt trước làn sóng bán hàng xuyên biên giới từ Trung Quốc" tại chuyên mục Chuyển động 24H. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com