Các đại gia bán lẻ Nhật Bản bành trướng ở Việt Nam

28/05/2025 13:00

Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn của ngành bán lẻ, khi Aeon, Uniqlo, Takashimaya và Muji liên tiếp mở rộng hệ thống để chiếm lĩnh thị phần tiêu dùng đang tăng nhanh.

ban le,  avison young anh 1

Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam và CTCP Đầu tư Newland mới đây đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Oanh về kế hoạch đầu tư một trung tâm thương mại (TTTM) tại tỉnh này.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Oanh đề nghị Aeon Mall Việt Nam tập trung thực hiện dự án tại Bắc Giang, sớm đưa vào khai thác. Chính quyền địa phương cam kết chỉ đạo các sở, ngành đồng hành, tháo gỡ vướng mắc và hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất thủ tục để đẩy nhanh tiến độ.

Theo kế hoạch, dự án Aeon Mall Bắc Giang có tổng diện tích gần 7,7 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng. Dự án sẽ bao gồm trung tâm thương mại, không gian văn phòng và các hoạt động du lịch.

Liên tục mở rộng

Trước đó, Tập đoàn Hoa Lâm thông qua CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm Cần Thơ cũng đã khởi công dự án Aeon Mall Cần Thơ tại quận Bình Thủy.

Dự án này có diện tích hơn 8,6 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 5.400 tỷ đồng. Giai đoạn 1 dự kiến xây dựng TTTM với diện tích sàn gần 114.000 m2, hoàn thành trong vòng 36 tháng.

Tại Hải Dương, Aeon cũng đã tổ chức lễ khởi công TTTM Aeon Hải Dương với quy mô 3,5 ha, tổng mức đầu tư 1.170 tỷ đồng, tọa lạc gần nút giao Võ Nguyên Giáp - Võ Văn Kiệt.

Bên cạnh đó, tập đoàn bán lẻ từ Nhật Bản này cũng vừa đưa vào vận hành TTTM tại Huế và Aeon Mall Xuân Thủy (Hà Nội), nâng tổng số TTTM tại Việt Nam lên 9.

ban le,  avison young anh 2

TTTM tại Huế vừa được Aeon vận hành vào tháng 9 năm ngoái. Ảnh: Aeon.

Ngoài những dự án đã và đang triển khai, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam cho biết tập đoàn vẫn đang tích cực tìm kiếm các địa điểm phù hợp để xây dựng thêm đại siêu thị quy mô lớn tại Hà Nội.

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực bán lẻ, Aeon Entertainment - công ty con của Aeon chuyên vận hành rạp chiếu phim tại Nhật Bản - cũng thông báo thành lập liên doanh tại Việt Nam cùng Beta Media.

Cụm rạp đầu tiên dự kiến mở tại khu vực miền Nam với diện tích 4.000-5.000 m2, lớn hơn quy mô thông thường tại Nhật Bản. Mục tiêu là đạt lợi nhuận trong vòng 3 năm, đồng thời mở rộng thêm 21 rạp chiếu tại Việt Nam đến năm 2030, bao gồm cả rạp độc lập và rạp tích hợp trong các TTTM Aeon Mall.

Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường nước ngoài đầu tiên mà Aeon Entertainment mở rộng hoạt động kinh doanh.

Ngoài Aeon, nhiều thương hiệu lớn khác của Nhật cũng coi Việt Nam là điểm đến chiến lược. Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia cách đây không lâu, đại diện Takashimaya - tập đoàn bán lẻ cao cấp hàng đầu Nhật Bản - tuyên bố đang hướng trọng tâm vào thị trường Việt Nam như một chiến lược mở rộng kinh doanh quốc tế.

"Mục tiêu của chúng tôi là nâng tỷ trọng lợi nhuận từ Việt Nam lên 5-10% tổng lợi nhuận toàn tập đoàn", Chủ tịch Takashimaya nói.

Để đạt được mục tiêu này, Takashimaya sẽ tối ưu hóa danh mục bất động sản hiện có và mở thêm TTTM tại Hà Nội vào năm 2027. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đang mở rộng sang lĩnh vực giáo dục thông qua hợp tác vận hành trường học với đối tác trong nước.

Uniqlo - thương hiệu thời trang Nhật Bản - cũng đang đẩy mạnh hiện diện tại Việt Nam. Từ cửa hàng đầu tiên tại Đồng Khởi (TP.HCM) vào cuối năm 2019, đến nay, Uniqlo đã phát triển mạng lưới lên 29 cửa hàng trên toàn quốc, mới nhất là tại Vincom Mega Mall Thảo Điền (TP.HCM).

Một thương hiệu bán lẻ có tên tuổi ở Nhật Bản là Muji cũng liên tục gia tăng số lượng cửa hàng tại Việt Nam.

Trong năm nay, Muji đã khai trương thêm các cửa hàng tại Thiso Mall Trường Chinh, Aeon Mall Tân Phú Celadon và Vincom Lê Văn Việt, nâng tổng số cửa hàng lên 16. Dự kiến trong tháng 6 tới, Muji sẽ mở thêm cửa hàng tại Vincom Times City.

ban le,  avison young anh 3

Muji vừa mở thêm cửa hàng ở Vincom Lê Văn Việt. Ảnh: Muji.

Mảnh đất màu mỡ

Theo báo cáo thường niên 2024 của Ryohin Keikaku - công ty mẹ của Muji - ông Akihiro Kamogari, Giám đốc điều hành phụ trách thị trường Đông Nam Á, cho biết tập đoàn hiện có mặt tại 5/10 quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam. Ông nhìn nhận các quốc gia này không chỉ là thị trường lớn mà còn có nền kinh tế đang tăng trưởng, với tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi lao động cao.

Tuy nhiên, đại diện Muji thừa nhận tốc độ mở rộng quy mô cửa hàng vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường. Để nâng cao độ nhận diện thương hiệu tại Đông Nam Á, chiến lược đầu tiên là mở các cửa hàng lớn (diện tích khoảng 1.600 m2) tại các thành phố lớn, sau đó mở rộng đến các khu vực vùng miền.

Ông Furusawa Yasuyuki - Thành viên Ban giám đốc điều hành, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) phụ trách thị trường Việt Nam kiêm Tổng giám đốc Aeon Việt Nam - cũng đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư quốc tế. Hiện, tập đoàn này coi Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai, sau Nhật Bản.

Trong khi đó, lãnh đạo Uniqlo cho biết chiến lược của công ty là sẵn sàng gia tăng đầu tư tại Việt Nam để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện tại, bên cạnh việc mở rộng kinh doanh, thương hiệu cũng đang liên kết chặt chẽ với các đối tác để tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng Uniqlo ở Việt Nam.

ban le,  avison young anh 4

Lãnh đạo Uniqlo cho biết sẵn sàng gia tăng đầu tư tại Việt Nam để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người tiêu dùng. Ảnh: Linh Huỳnh.

Theo Avison Young, thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng năng động, nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, nhu cầu tiêu dùng cao và dòng vốn đầu tư liên tục.

Điều này được minh chứng khi khảo sát của Avison Young cho thấy tỷ lệ lấp đầy mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội và TP.HCM đều đạt 90%, đồng thời giá thuê cũng chứng kiến tăng trưởng do nguồn cung mới hạn chế. Tương tự, các dự án tại khu vực ven đô cũng ghi nhận tỷ lệ lấp đầy cao, cho thấy sức hút mạnh mẽ.

Bên cạnh nhu cầu tiêu dùng tăng, chuyên gia tại Avison Young cho rằng các chính sách mới từ Chính phủ cũng tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đơn cử, việc bãi bỏ quy định kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) theo các hiệp định như CPTPP, EVFTA giúp đơn giản hóa thủ tục mở rộng chuỗi cho các nhà bán lẻ nước ngoài. Song song đó, hạ tầng ngày càng hoàn thiện như tuyến metro, cầu vượt, đường vành đai... cũng giúp cải thiện khả năng tiếp cận đến các trung tâm bán lẻ.

Tại các thành phố như Đà Nẵng, dù quy mô thị trường nhỏ hơn, đơn vị nghiên cứu này nhìn nhận tiềm năng tăng trưởng vẫn rất lớn nhờ du lịch hồi phục, chính quyền thúc đẩy đầu tư và nguồn cung mặt bằng chất lượng dần cải thiện.

"Với dân số trẻ, thu nhập tăng, tầng lớp trung lưu đang phát triển và tốc độ đô thị hóa nhanh, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những thị trường bán lẻ sôi động và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á trong 5-10 năm tới", các chuyên gia tại Avison Young nhận định.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Bạn đang đọc bài viết "Các đại gia bán lẻ Nhật Bản bành trướng ở Việt Nam" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com