Ngày 13/5/2025, hơn 1,79 tỷ cổ phiếu VPL của CTCP Vinpearl chính thức niêm yết trên HOSE với giá chào sàn 71.300 đồng, tương đương giá trị vốn hóa gần 130.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD).
Tăng hết biên độ 20%, VPL đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên tại giá 85.500 đồng/cp, đưa giá trị vốn hóa vượt 150.000 tỷ đồng, lọt top 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất sàn chứng khoán.

Con số này khẳng định một thực tế là tại thị trường Việt Nam hiện nay, không doanh nghiệp nào trong lĩnh vực khách sạn, du lịch và công viên giải trí có quy mô lớn cũng như mô hình hoạt động đa dạng như Vinpearl.
Đến hiện tại, hệ thống của Vinpearl bao gồm 31 khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao với công suất trên 16.100 phòng, chiếm gần 20% tổng số phòng khách sạn 5 sao tại Việt Nam.
Nhưng điều khác biệt trong mô hình “All-in-one” là các công viên chủ đề do VinWonders quản lý. Đây là sản phẩm có biên lợi nhuận cao và được đánh giá là nắm giữ chìa khóa tăng trưởng cho Vinpearl trong bối cảnh Việt Nam cạnh tranh thu hút khách du lịch với các quốc gia khác.

Thị trường công viên chủ đề tỷ đô
Theo Vinpearl, thị trường công viên giải trí của Việt Nam đã đạt 1,6 tỷ USD vào năm 2023 và được dự báo sẽ tăng lên 2,5 tỷ USD trước năm 2028.
Báo cáo mới đây của CTCK SSI cho biết, lượng khách tham quan tại các công viên giải trí và công viên chủ đề hàng đầu trong khu vực APAC đã tăng 4% trong giai đoạn 2023-2024, với sự đóng góp đáng kể từ Trung Quốc và Đông Nam Á.
Được hỗ trợ bởi nhân khẩu học thuận lợi và tầng lớp trung lưu đang gia tăng, lượng khách tham quan công viên giải trí tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 2,7% mỗi năm từ 2025 đến 2028, trong khi mức chi tiêu trung bình của khách hàng được dự báo tăng 5% mỗi năm trong cùng kỳ (theo Roland Berger).
Vinpearl nhận thấy nhu cầu và tiềm năng tăng trưởng lớn khi mà nhiều tỉnh thành vẫn chưa có sự hiện diện của mô hình vui chơi giải trí hiện đại. Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch cũng là một động lực quan trọng cho các công viên chủ đề.
Trong quý 1/2025, lượng khách quốc tế tới Việt Nam đã hoàn toàn phục hồi và vượt so với trước đại dịch. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam vượt qua Thái Lan về lượt khách Trung Quốc với 1,6 triệu lượt và tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Thái Lan chỉ đón 1,3 triệu lượt khách từ quốc gia này trong 3 tháng đầu năm, giảm 24% so với năm ngoái.
Trước đó, năm 2024, Việt Nam đã vượt Singapore để vươn lên vị trí thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về lượt khách quốc tế (sau Malaysia và Thái Lan).
Tuy nhiên, số phòng khách sạn cao cấp/01 triệu người của Việt Nam ở mức thấp hơn (0,2) so với trung bình khu vực Đông Nam Á (1,0). Lựa chọn công viên giải trí còn ít, đặc biệt là đối với các công viên giải trí quy mô lớn, hiện đại.
Thống kê từ Hiệp hội giải trí quốc tế, trong 20 công viên chủ đề lớn nhất châu Á Thái Bình Dương thì có 14 công viên tại Trung Quốc, phần lớn có lượt khách dưới 6 triệu người (năm 2023).
7 triệu lượt khách đến Vinpearl năm 2024 mới tương đương Hongkong Disneyland năm 2023, đó là dư địa rất lớn để Vinpearl tăng lượt khách trong bối cảnh du lịch Việt Nam “lên ngôi”.

Biên lợi nhuận lớn bất ngờ của các công viên chủ đề trong hệ thống Vinpearl
Hiện tại, VinWonders nắm giữ 35% thị phần tại các thị trường đô thị lớn của Việt Nam với 12 cơ sở nằm ở các thành phố lớn và điểm đến du lịch nổi bật, bao gồm Hà Nội, Nha Trang và Phú Quốc.
Với chiến lược phát triển siêu quần thể, cùng với hệ thống khách sạn nghỉ dưỡng, doanh nghiệp này đã xây dựng 12 công viên và khu vui chơi giải trí, bao gồm 4 công viên chủ đề với quy mô 35-50ha, 5 khu vui chơi giải trí và giáo dục hướng nghiệp, 1 công viên bảo tồn và chăm sóc động vật bán hoang dã quy mô gần 500ha, 1 công viên nước lớn nhất Bắc Trung Bộ và 1 học viện ngựa.
Các công viên giải trí đặc biệt nhất của Vinpearl có thể kể đến VinWonders Nha Trang – được ví là “công viên của những kỷ lục” vui chơi giải trí; VinWonders Nam Hội An - tổ hợp trải nghiệm văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật truyền thống đặc sắc, cũng là trung tâm bảo cứu hộ và bảo tồn động vật, đã cứu hộ gần 1.300 cá thể với xấp xỉ 50 loài động vật quý hiếm; và Safari Phú Quốc - trung tâm bảo tồn động vật bán hoang dã lớn nhất Việt Nam.

Vinpearl cho biết, mảng công viên giải trí đóng góp khoảng 40% doanh thu kinh doanh cốt lõi, biên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) ở mức 60-70%. Các công ty cùng lĩnh vực trên thế giới có công bố thông tin về chỉ số này ở mức thấp hơn rất nhiều, ví dụ Oriental Land (vận hành Tokyo Disney Land) đạt biên EBITDA ở mức 35%.
Chi phí năng lượng và nhân sự thấp so với thế giới đã giúp Vinpearl có biên lợi nhuận cao, là cơ sở để công ty thu hồi vốn đầu tư nhanh hơn. Đồng thời, tiềm năng cải thiện còn rất lớn nhờ giá vé còn tương đối rẻ so với các công viên chủ đề khác trong khu vực.
SSI nhận xét, việc tạo ra một điểm đến nghỉ dưỡng trọn gói thu hút nhiều du khách quốc tế hơn nhờ sự tiện lợi và đa dạng điểm tham quan tại một địa điểm duy nhất.
Trong chiến lược này, Vinpearl được hưởng lợi từ kinh nghiệm của Vingroup trong việc quản lý các dự án quy mô lớn, đội ngũ nhân sự năng động và có trình độ cao, hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ cao cấp, cùng với thương hiệu Vingroup.
Theo BrandFinance, Vinpearl là thương hiệu duy nhất trong ngành khách sạn được xếp hạng trong Top 100 thương hiệu của Việt Nam và Top 3 thương hiệu mạnh nhất tại ASEAN.
Cùng với việc cung cấp các dịch vụ quản lý khách sạn và công viên giải trí, kết quả là, các khách sạn Vinpearl thường được ưu tiên lựa chọn cho các gói du lịch trọn gói.

Nhờ lợi thế tiên phong trên thị trường, Vinpearl sở hữu một lượng lớn bất động sản du lịch tại các địa điểm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng - từ kỳ nghỉ gia đình giá cả phải chăng đến trải nghiệm nghỉ dưỡng cao cấp. Tỷ lệ lấp đầy và tốc độ tăng trưởng của Vinpearl thường vượt trội so với thị trường.
Thông tin từ Vinpearl cho biết, trong quý 3/2024, cụm du lịch nghỉ dưỡng vui chơi giải trí của họ tại Nha Trang tăng trưởng 90% khách quốc tế đến (mức tăng trưởng của thị trường chung là 36%), cụm Phú Quốc tăng trưởng 101% khách quốc tế đến (thị trường tăng 91%).
Kế hoạch mở rộng mạnh mẽ
Vinpearl đặt mục tiêu mở rộng chiến lược cụm lớn tới các điểm đến như Cần Giờ (TP.HCM, khoảng 3.000 ha) và Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh, khoảng 5.000 ha). Công ty đang lên kế hoạch tăng 40% công suất khách sạn, mở rộng diện tích công viên giải trí thêm 65%, và tăng gấp bốn lần số lượng sân golf 18 lỗ vào năm 2028.
Ngoài các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước thuộc khối CIS, Vinpearl nhám tới các thị trường mới nổi bao gồm Mông Cổ, Ấn Độ, Trung Đông, các thị trường đường dài và Đông Nam Á.
SSI dự báo, đối với phân khúc công viên giải trí, doanh thu từ các cơ sở hiện có dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 6% (2025-2030), với khoảng 10 triệu lượt khách mỗi năm và biên EBITDA dao động từ 60-65% (không tính các dự án phát triển mới). Nhờ biên EBITDA cao, các công viên giải trí được kỳ vọng sẽ đạt điểm hòa vốn EBITDA trong vòng 1-2 năm.