Động lực nào cho cổ phiếu ngành dược DBD?

03/04/2025 08:30

Công ty chứng khoán vừa đưa ra loạt dự báo về triển vọng cổ phiếu DBD của Bidiphar, trong đó thuốc ung thư được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng.

Nhận định đầu tư

Chứng khoán Phú Hưng (PHS): Dưới góc độ kỹ thuật, VN-Index chững lại khi tiếp cận cản 1.320 - 1.325 điểm, cho thấy áp lực điều chỉnh vẫn đang chi phối. 

Ngưỡng 1.310 điểm hiện giữ vai trò duy trì động lượng. Chỉ số cần vận động trên ngưỡng này để kỳ vọng cân bằng. Trường hợp sụt giảm trở lại thấp hơn, khả năng quán tính giảm sẽ quay lại và thị trường có thể thoái lui về mốc tâm lý 1.300 điểm lần nữa.

Chiến lược chung: hạn chế hưng phấn ở những phiên kéo xanh khi xu hướng chưa xác nhận. Duy trì tài khoản ở mức trung bình, tận dụng nhịp hồi để hạ tỉ trọng với những vị thế chưa kịp cơ cấu trước đó.

Động lực nào cho cổ phiếu ngành dược DBD?- Ảnh 1.

Diễn biến chỉ số VN-Index ngày 2/4 (Nguồn: FireAnt).

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): VN-Index thất bại trong việc kiểm định vùng kháng cự gần và tạo một nến đỏ tương đối tiêu cực sau khi chớm phá cận trên kháng cự gần. Độ rộng của thị trường không duy trì được quán tính tăng điểm ổn định và sức mua mạnh chỉ phản ánh qua một số cổ phiếu đơn lẻ.

KBSV đánh giá nhịp phục hồi chưa đem lại sự chắc chắn, khi thanh khoản lớn lại chiếm đa số ở những phiên tiêu cực. Với diễn biến như vậy, nhiều khả năng trạng thái rung lắc vẫn còn tiếp diễn và chỉ số có xác suất tạo đáy rõ ràng hơn khi lùi về vùng hỗ trợ gần.

Chứng khoán Asean (Aseansc): Nhà đầu tư có tỉ trọng cổ phiếu cao nên chú ý lực cầu tại vùng 1.310 - 1.315 điểm, xem xét cơ cấu lại cổ phiếu yếu trong danh mục ở những phiên hồi phục kỹ thuật, cũng như chuẩn bị phương án quản trị rủi ro phù hợp.

Nhà đầu tư có tỉ trọng cổ phiếu thấp nên hạn chế mua đuổi, và chỉ nên xem xét giải ngân từng phần ở những nhịp rung lắc, tập trung vào các mã hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế, kết quả kinh doanh tăng trưởng, định giá thấp và cổ tức tiền mặt cao, ưu tiên nhóm cổ phiếu Ngân hàng, Chứng khoán và Đầu tư công.

Tỉ trọng cổ phiếu hợp lý ở mức tối đa 40% đối với các vị thế ngắn hạn.

Khuyến nghị đầu tư

- DBD (CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định):

Năm 2025, Chứng khoán FPT (FPTS) tin rằng doanh thu kênh ETC dự phóng đạt hơn 1.200 tỷ đồng và tăng trưởng với CAGR = 11,1%/năm trong giai đoạn 2025-2033. Động lực đến từ triển vọng tích cực ở các dòng thuốc chủ lực của Bidiphar.

Trong đó, thuốc ung thư được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng tại kênh ETF của Bidiphar. Triển vọng đến từ việc mở rộng sang nhóm thuốc điều trị đích và đạt tiêu chuẩn EU-GMP.

Doanh thu thuốc ung thư tại kênh ETC của Bidiphar ước đạt 410 tỷ đồng (tăng 12%), và tăng trưởng với CAGR khoảng 14,3%/năm trong giai đoạn 2025-2033.

Những con số trên đến từ việc doanh nghiệp mở rộng sang nhóm thuốc điều trị đích dạng viên từ 2025 và đạt EU-GMP cho dây chuyền thuốc tiêm từ năm 2027. Ngoài ra, dự báo nhu cầu tiêu thụ ở mức cao với tỉ lệ mắc bệnh ung thư ước tăng 8%/năm.

Bên cạnh đó, thuốc điều trị đích của DBD được sản xuất trên dây chuyền thuốc viên tại nhà máy Thuốc Ung thư Nhơn Hội. Doanh nghiệp cho biết đã nộp hồ sơ đăng ký cho 4 sản phẩm thuốc điều trị đích, kỳ vọng sẽ được cấp số đăng ký và bắt đầu tham gia đấu thầu dòng thuốc này trong năm 2025.

Bidiphar: Vui - buồn với thuốc điều trị ung thưBidiphar: Vui - buồn với thuốc điều trị ung thưĐỌC NGAY

Với thuốc kháng sinh, doanh thu thuốc tại kênh ETC của DBD dự phóng đạt 280 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước nhờ nhu cầu ổn định đối với thuốc kháng sinh ở dạng bào chế tiêm tại các bệnh viện, trong bối cảnh cạnh tranh của thuốc nhóm 3-4-5 (tiêu chuẩn WHO-GMP) duy trì ở mức cao.

FPTS dự phóng doanh thu từ dây chuyền thuốc kháng sinh tiêm đóng góp khoảng 600 tỷ đồng trong năm 2027, tương đương 34,7% doanh thu năm 2024. Ngoài ra, dự kiến đạt khoảng 1.600 tỷ đồng (gần 93% doanh thu năm 2024) khi vận hành hết công suất trong năm 2031, tương ứng với CAGR 28%/năm.

Về dung dịch thẩm phân, FPTS nhận định tích cực trong dài hạn nhờ hợp tác với Crearene AG. Doanh thu các sản phẩm dung dịch thẩm phân tại kênh ETC kỳ vọng đạt 232 tỷ đồng (tăng trưởng 12%) trong năm 2025, và tăng trưởng với tốc độ 9.2%/năm trong giai đoạn 2025-2033. Dự báo từ EUAA5, tỷ lệ mắc bệnh suy thận mạn đang tăng và có xu hướng trẻ hóa, cùng việc sản phẩm duy trì vị thế tốt nhờ khả năng cung cấp đa dạng sản phẩm và môi trường cạnh tranh thấp là nguyên nhân cho các dự phóng trên.

Đối với kênh OTC, FPTS cũng dự báo triển vọng khả quan, với dự phóng doanh thu 576 tỷ đồng (tăng 5%) trong năm 2025, và tăng trưởng với CAGR 4,1%/năm tới 2033.

Nguyên nhân do doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng hoạt động với các chuỗi nhà thuốc, cũng như nhu cầu thuốc tiêu thụ tại kênh OTC dự báo tăng trong cùng giai đoạn, theo BMI.

- GEX (CTCP Tập đoàn Gelex): Chờ bán.

Cập nhật đại hội cổ đông năm 2025, công ty được thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với doanh thu dự kiến là 37.662 tỷ đồng (tăng 11,5% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế là 3.041 tỷ đồng (giảm 15% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó công ty cũng thông qua kế hoạch chia cổ tức 5% tiền và 5% cổ phiếu.

Về khoản đầu tư vào EIB, công ty cho biết đây chỉ là khoản đầu tư dài hạn và không tham gia điều hành ngân hàng.

TCBS đánh giá triển vọng kinh doanh cốt lõi của công ty trong năm 2025 là tích cực ở 2 mảng hoạt động cốt lõi là sản xuất thiết bị điện và bất động sản khu công nghiệp (tại công ty con VGC), nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu này.

- REE (CTCP Cơ điện lạnh): Chờ bán.

Công ty vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025 với doanh thu dự kiến là 10.248 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế là 2.427 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ).

Trong đó, năng lượng vẫn là mảng đóng góp chính với tỉ trọng 43% doanh thu và lợi nhuận sau thuế cùng kế hoạch nâng cao công suất thêm 100MW trong năm 2025.

Mảng cơ điện lạnh và bất động sản đều được REE đặt kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ so với năm trước với doanh thu lần lượt đạt 3.542 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ) và 2.112 tỷ đồng (84% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó công ty dự kiến chia cổ tức năm 2024 với 10% tiền mặt và 15% cổ tức bằng cổ phiếu.

Về triển vọng 2025, TCBS đánh giá REE sẽ duy trì hoạt động ổn định ở mảng năng lượng và sẽ tăng trưởng tích cực ở mảng cơ điện lạnh và bất động sản khi hoạt động đầu tư công và thị trường bất động sản tại Việt Nam có nhiều khởi sắc.

Bạn đang đọc bài viết "Động lực nào cho cổ phiếu ngành dược DBD?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com