Gian nan vận hành lưới điện truyền tải miền Tây mùa nước nổi

19/11/2024 04:30

(Chinhphu.vn) - Mùa nước nổi ở miền Tây thường được người dân nơi đây mong chờ với nhiều nguồn lợi thủy sản. Song với những người công nhân truyền tải điện, đây lại là thời điểm khó khăn nhất trong quản lý vận hành lưới điện, khi nhiều vị trí cột ngập sâu trong nước từ 1,5 - 2m.

Gian nan vận hành lưới điện truyền tải miền Tây mùa nước nổi- Ảnh 1.

Mùa lũ về, người thợ truyền tải điện miền Tây phải di chuyển bằng ghe, thuyền lớn vượt sóng để quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn lưới điện truyền tải - Ảnh:VGP/ Toàn Thắng

Với đặc thù miền sông nước, các đơn vị truyền tải điện miền Tây thuộc Công ty Truyền tải Điện 4 (PTC4) đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vận hành lưới điện truyền tải tại khu vực này, góp phần đưa dòng điện quốc gia đến với các tỉnh khu vực miền Tây Nam bộ.

Vượt sóng dữ vận hành lưới điện truyền tải mùa nước nổi

Cùng tổ công tác Đội Truyền tải Điện Trà Vinh kiểm tra tình trạng sạt lở móng trụ vị trí 189 đường dây 220kV Duyên Hải - Mỏ Cày, ông Phạm Thành Nhị, Đội trưởng Truyền tải Điện Trà Vinh cho biết, vị trí 189 đang có hiện tượng sạt lở móng trụ.

Vị trí này nằm ngay dòng nước sông Cổ Chiên, xói thẳng vào móng cột làm đất đá lở đến dầm cột.

Gian nan vận hành lưới điện truyền tải miền Tây mùa nước nổi- Ảnh 2.

Vị trí 189 đường dây 220kV Duyên Hải - Mỏ Cày có hiện tượng xói lở móng trụ được Đôi Truyền tải điện Trà Vinh thường xuyên kiểm tra trong mùa mưa lũ- Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Theo ông Nhị, trong vận hành, vị trí này và một số vị trí lân cận nằm trên 2 con sông lớn ngoài Cổ Chiên là Băng Tra. Các tháng mùa lũ anh em trong đội phải thuê vận tải thủy, xà lan có tải trọng lớn vượt "sóng to, gió lớn" để ra kiểm tra từng vị trí cột.

"Trong mùa mưa lũ, khó khăn lớn nhất của chúng tôi di chuyển lâu hơn, do có sóng to, gió lớn nên rất khó khăn khi tiếp cận, kiểm tra hiện trường", ông Nhị cho biết.

Cũng tại vị trí 40, đường dây 220kV Châu Đốc - Tà Keo, những công nhân truyền tải điện đang thực hiện nhiệm vụ đi kiểm tra đường dây mùa nước nổi. Ghi nhận thực tế cho thấy, những vị trí cột tại đây đều chìm trong biển nước với mức ngập sâu từ 1,1m đến 1,5m.

Ông Huỳnh Thế Vinh, Đội trưởng Đội Truyền tải Điện Châu Đốc (An Giang) cho biết, với điều kiện tự nhiên và vào mùa nước nổi, công nhân chủ yếu đi kiểm tra đường dây bằng đò, ghe, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người lao động. Trước thực tế này, đơn vị đã tăng cường huấn luyện về bơi lội và xử lý trên sông nước, cùng đó trang bị các đồ bảo hộ cho anh em.

"Vào đỉnh lũ, các vị trí cột sẽ ngập sâu từ 1,5 – 2,5m, ngoài ra, đặc thù là vào mùa nước nổi cũng là mùa mưa bão nên khi di chuyển trên sông, rất khó để tiếp cận vị trí cột do sóng to, gió lớn, gây mất an toàn", ông Vinh chia sẻ.

Truyền tải Điện miền Tây 3 quản lý vận hành 977 km đường dây 220kV và 5 trạm biến áp, đi qua 3 tỉnh gồm Cà Mau, Kiên Giang và An Giang.

Ông Châu Sóc Kha, Phó Giám đốc Truyền tải Điện miền Tây 3 cho biết, với lưới điện khu vực miền Tây 3 trải rộng từ Cà Mau tới biên giới sát Campuchia để hỗ trợ lẫn nhau công nhân phải di chuyển hàng trăm Km.

"Đặc biệt với Đội Truyền tải Điện Châu Đốc thì vào mùa nước, thời gian lũ về kéo dài từ tháng 8 tới tháng 11, mực nước cao từ 1,5 đến 2,5 m, gây nhiều khó khăn trong quản lý vận hành lưới truyền tải điện trong khu vực.

Gian nan vận hành lưới điện truyền tải miền Tây mùa nước nổi- Ảnh 3.

Vượt qua mọi khó khăn mùa nước nổi những người thợ truyền tải điện miền Tây đang ngày đêm nỗ lực quản lý vận hành, bảo đảm an toàn cho hệ thống lưới điện truyề tải - Ảnh;VGP/Toàn Thắng

Ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành

Đội Truyền tải điện Ninh Kiều (Truyền tải Điện miền Tây 1) đảm nhận quản lý 215 cột và 180 km đường dây 500kV, đối với đường dây 220kV có 926 cột và 256 km đường dây.

Với khối lượng đường dây lớn, lại là vùng sông nước nên việc quản lý vận hành trong mùa mưa lũ gặp không ít khó khăn. Vào mùa mưa lũ, sóng to gió lớn, công nhân phải dùng xuồng, ghe di chuyển, kiểm tra từng vị trí cột, đặc biệt là các khoảng cột vượt sông mất nhiều thời gian, công sức và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Cùng với đó, mùa lũ nước dâng cao, người dân đánh bắt thủy sản cũng gây mất an toàn về khoảng cách, hành lang an toàn lưới điện truyền tải.

Để hỗ trợ người lao động, các đội truyền tải điện đã đẩy mạnh sử dụng công nghệ trong quản lý vận hành lưới điện. Ông Huỳnh Văn Nam, Đội trưởng Đội Truyền tải Điện Ninh Kiều (Cần Thơ) cho biết, để quản lý hành lang lưới điện truyền tải, đội đã lắp camera ngoài công trường và một số điểm giao chéo trên cao tốc, có nguy cơ mất an toàn.

Đối với việc quản lý, vận hành đường dây, bảo đảm hành lang tuyến, đơn vị đã thường xuyên ứng dụng, sử dụng thiết bị bay không người lái UAV vừa góp phần phát hiện nhanh sự cố, vi phạm hành lang vừa góp phần bảo đảm an toàn cho người công nhân vận hành và nâng cao năng suất lao động cho đơn vị.

"Việc ứng dụng chuyển đổi số trong thời gian qua đã góp phần phát hiện, cập nhật các hư hỏng, khiếm khuyết trên lưới điện rất nhanh và giúp chúng tôi xử lý sớm", Đội trưởng Đội Truyền tải Điện Ninh Kiều nhấn mạnh.

TIN LIÊN QUANBước tiến trong ứng dụng khoa học công nghệ quản lý, vận hành lưới điện truyền tải vùng sông nước Truyền tải điện mùa nước nổi Truyền tải điện mùa nước nổi

Ông Phạm Thành Nhị, Đội trưởng Đội Truyền tải Điện Trà Vinh cho biết, với những vị trí vượt sông, các cột có chiều cao hơn 100m sẽ rất khó để công nhân kiểm tra bằng mắt thường.

Trước đây mỗi lần kiểm tra phải ra dây, mất rất nhiều thời gian, công sức. Hiện tại đơn vị đã sử dụng công nghệ Flycam để kết hợp kiểm tra hành lang đường dây và kết hợp camera nhiệt để kiểm tra mối nối cũng như các khoảng néo.

"Sử dụng Flycam giúp giảm thời gian quản lý vận hành lưới điện truyền tải rất nhiều thời gian. Nếu như trước đây kiểm tra bình thường có thể phải mất 6 tiếng/ngày nhưng giờ chỉ còn 2-3 tiếng là chúng tôi có thể hoàn thành", Đội trưởng Đội Truyền tải Điện Trà Vinh khẳng định.

Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) hiện quản lý vận hành lưới điện 19 tỉnh, thành phía Nam với khối lượng hơn 8.000 km đường dây và 69 trạm biến áp; trong đó có 15 trạm 500 kV. Với đặc thù vùng sông nước và nhiều kênh rạch, phát triển cây công nghiệp, nông nghiệp..., nơi đây tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn lưới điện truyền tải.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Giám đốc PTC4 cho hay, để đảm bảo quản lý, vận hành lưới điện truyền tải an toàn, đặc biệt trong mùa nước nổi, các đơn vị truyền tải đều ứng dụng chương trình khoa học công nghệ trực tiếp cho đường dây như bản đồ GIS hiện ra các tuyến đường dây giao cắt, cây cối, cột trụ...

Bên cạnh đó, theo ông Bảy, do đặc thù di chuyển, tiếp cận các vị trí cột gặp khó khăn, nhất là với các vị trí cột vượt sông, trước đây phải mất cả tháng mới có thể leo lên kiểm tra hết các cung đoạn và phải lựa chọn lao động có sức khỏe, chuyên môn mới làm được. Nhưng nay công nhân có thể dùng thiết bị bay để chụp ảnh, đánh giá và có giải pháp phòng ngừa xa, không để xảy ra sự cố.

Gian nan vận hành lưới điện truyền tải miền Tây mùa nước nổi- Ảnh 6.

Các TBA tại các truyền tải điện khu vực miền Tây luôn được ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý vận hành - Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Ngoài ra, thiết bị UAV kết hợp quét bản đồ, đơn vị có thể quét dọc tuyến, từ cây cối nhà cửa có vi phạm khoảng cách an toàn lưới truyền tải điện, để từ đó có đánh giá chính xác hơn, trọng điểm hơn và kịp thời hơn trong xử lý sự cố, rút ngắn thời gian, cũng như công sức của người lao động.

Toàn Thắng


Bạn đang đọc bài viết "Gian nan vận hành lưới điện truyền tải miền Tây mùa nước nổi" tại chuyên mục Sức khỏe - Đời sống. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com