Hiểu thế nào về cách "tiết kiệm mềm" của gen Z?

21/07/2025 20:30

() - Trước áp lực chi tiêu hàng ngày, gen Z giờ đây định hình kế hoạch tiếp cận tài chính mới. Nhóm người trẻ chọn tiết kiệm mềm, cân bằng giữa tận hưởng cuộc sống và tích lũy cho tương lai.

Ít tích lũy, nhiều trải nghiệm

Nhìn vào mạng xã hội, nhiều người thường nghĩ gen Z (nhóm người trẻ sinh năm 1997 đến năm 2012) có vẻ đang tiêu xài quá mức cho những chuyến du lịch hay bữa ăn sang trọng. Nhưng phía sau các bức ảnh “lấp lánh” ấy là cả một chiến lược tài chính chỉn chu, với bảng tính chi tiêu và kế hoạch tiết kiệm rõ ràng.

Theo ghi nhận từ Prosperity Index Report (còn gọi là báo cáo về Chỉ số thịnh vượng) của nền tảng công nghệ tài chính toàn cầu Intuit công bố năm 2023, thế hệ Z đã và đang tập trung xây dựng kế hoạch tài chính theo xu hướng “soft saving” (tiết kiệm mềm).

Tiết kiệm mềm là xu hướng quản lý tài chính linh hoạt hơn trong việc tiết kiệm, khi gen Z ưu tiên lựa chọn tận hưởng cuộc sống và đầu tư cho bản thân ở thời điểm hiện tại thay vì dành toàn bộ thu nhập cho việc tích lũy tài sản dài hạn.

Hiểu thế nào về cách tiết kiệm mềm của gen Z? - 1

“Tiết kiệm mềm” - Tư duy chi tiêu có chủ đích của gen Z (Ảnh: Getty).

Khác với các thế hệ trước thường tuân theo mô hình “kiếm tiền, tiết kiệm và nghỉ hưu”, gen Z ngày nay ưu tiên nhiều hơn cho các mục tiêu ngắn hạn như trải nghiệm du lịch, học thêm kỹ năng... để tận hưởng những điều mình muốn trọn vẹn hơn.

Ghi nhận số liệu từ báo cáo trên cho thấy, 73% người thuộc gen Z cho biết họ muốn đầu tư chất lượng sống tốt hơn ở hiện tại hơn là việc giữ tiền trong tài khoản ngân hàng.

Khảo sát của Morning Consult thì nêu một tỷ lệ đáng kể gen Z đi du lịch khá thường xuyên, trung bình 3 chuyến mỗi năm dù có đến 60% đang kiếm dưới 50.000 USD/năm. Bí quyết để họ xoay xở với ngân sách hạn chế nằm ở cách tiếp cận chi tiêu cực kỳ có chủ đích.

Một nghiên cứu khác đến từ nhóm ConsumerWise của McKinsey vào cuối tháng 5 vừa qua, phần lớn người trẻ ngày nay chi tiêu có chủ đích hơn thế hệ đi trước. Họ không tiêu xài tùy hứng mà thường lập các quỹ tiết kiệm song song cho cả tương lai và trải nghiệm thực tại.

Nhiều người trẻ hiện nay chủ động mở tài khoản tiết kiệm lãi suất cao, tận dụng ưu đãi cho khách hàng thân thiết như quy đổi điểm thẻ tín dụng để tiết kiệm chi phí cho mỗi chuyến đi và nhu cầu sinh hoạt khác.

Chi tiêu có mục đích, không sống vội

Kevin Droniak, 28 tuổi, sống trong một căn hộ nhỏ ở New York và làm mọi cách để hạn chế tối đa chi phí sinh hoạt hằng ngày. Để chuẩn bị kế hoạch tài chính cho tương lai, anh sẽ tiết kiệm ít nhất 20.000 USD mỗi năm cho quỹ hưu trí.

Tuy nhiên, Droniak vẫn dành ngân sách cho những chuyến đi ngắn ngày đến Colombia, Ai Cập hay châu Âu. Anh xem việc trải nghiệm du lịch là một nhu cầu đời sống chứ không phải sở thích hay mong muốn.

Với mỗi chuyến đi, anh sẽ dự trù chi phí dao động từ 500 đến 1.000 USD, cùng một kế hoạch chi tiêu du lịch được tính toán kỹ càng. Droniak sẽ tận dụng phương tiện di chuyển rẻ tiền như tàu điện ngầm hay đi bộ, trải nghiệm quán ăn bình dân ở địa phương hay tìm tòi các hoạt động du lịch miễn phí mỗi nơi anh đặt chân đến.

Qistina, một người trẻ thuộc thế hệ Z, không ngại chi tiền cho những bữa tiệc, các chuyến ăn chơi khắp Sydney hay du lịch cùng bạn bè đến Dubai, Paris. Cô phân bổ thu nhập vào hai khoản, một tài khoản tiết kiệm lãi suất cao và một quỹ riêng dành cho các nhu cầu cá nhân như du lịch, giải trí.

Hiểu thế nào về cách tiết kiệm mềm của gen Z? - 2

Gen Z chi tiêu có mục đích và có tính toán kỹ lưỡng (Ảnh: Getty).

Tuy nhiên, mỗi chuyến đi đều được tính toán kỹ lưỡng. Trước khi đặt vé, Qistina luôn so sánh hàng nghìn lựa chọn về chuyến bay, hãng hàng không, điểm đến và thời gian để đảm bảo có mức chi tiêu hợp lý nhất.

Qistina cho rằng nhiều người thường không để ý đến những khoản chi tiêu nhỏ hằng ngày, như việc liên tục ăn ngoài hay mua cà phê đắt tiền, nhưng chính những chi phí tưởng chừng không đáng kể đó lại tích lũy dần và khiến họ có cảm giác mình không đủ khả năng chi trả cho những mục tiêu lớn hơn, chẳng hạn như đi du lịch.

Theo bà Heather Leisman, Chủ tịch hãng lữ hành EF Ultimate Break chuyên phục vụ đối tượng 18-35 tuổi, một thế hệ khách du lịch mới đang đặt giá trị trải nghiệm lên hàng đầu thay vì chỉ chú ý đến chi phí.

"Gen Z nhìn vào giá trị, không chỉ là con số trên hóa đơn", bà nói. Họ vẫn quan tâm đến tính vừa túi tiền, nhưng cách họ lập ngân sách đã khác. Gen Z chọn những chuyến đi ngắn hơn, săn khuyến mãi, ưu tiên mùa thấp điểm hoặc các điểm đến hợp túi tiền, chi phí thấp.

Ông Andy Reed, chuyên gia về hành vi tài chính tại Vanguard, cho biết gen Z luôn lập kế hoạch chi tiêu có mục đích thay vì “xuống tiền” một cách ngẫu hứng.

"Miễn là đảm bảo được chi phí cơ bản như nhà ở và ăn uống, họ sẵn sàng đầu tư cho trải nghiệm - thứ mang lại giá trị cảm xúc dài lâu", Andy Reed nhận định.

Bạn đang đọc bài viết "Hiểu thế nào về cách "tiết kiệm mềm" của gen Z?" tại chuyên mục Xu hướng - Tiêu dùng. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com