Mối quan hệ kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - EU trên bờ vực rạn nứt

05/02/2025 20:11

Giới chức châu Âu đang chuẩn bị đối đầu với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến thương mại đầy căng thẳng, song vẫn ưu tiên hợp tác thay vì trả đũa ngay lập tức.

Ông Trump đe dọa áp dụng thuế trừng phạt đối với cả Liên minh châu Âu (EU), một trong những đối tác kinh tế và chính trị quan trọng nhất của Mỹ. Ảnh: CNN.

Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế trừng phạt đối với Canada, Mexico và Trung Quốc, đồng thời khẳng định các đồng minh bên kia Đại Tây Dương cũng không nằm ngoài tầm ngắm.

Đến ngày 3/2, ông Trump bất ngờ thông báo tạm hoãn áp thuế đối với hàng hóa từ Canada và Mexico trong 1 tháng, sau khi hai quốc gia này cam kết siết chặt kiểm soát hoạt động buôn lậu ma túy vào Mỹ.

Tuy nhiên, tất cả hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã bị đánh thuế 10% từ 0h01 sáng 4/2 (theo giờ Mỹ).

Mối quan hệ kinh tế lớn nhất thế giới trên bờ vực

"Chắc chắn điều đó sẽ xảy ra với Liên minh châu Âu (EU)", ông Trump tuyên bố về kế hoạch áp thuế, đồng thời cáo buộc EU đã lợi dụng Mỹ trong nhiều năm.

Cùng ngày, các nhà lãnh đạo EU nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về chi tiêu quân sự - một vấn đề nóng khác đối với ông Trump. Dù phần lớn quan chức châu Âu hạ thấp khả năng áp thuế trả đũa hoặc có động thái đáp trả trực diện, khối 27 quốc gia này đã âm thầm chuẩn bị các phương án phản ứng trước nguy cơ Mỹ áp thuế, tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin.

"Nếu châu Âu bị tấn công về mặt thương mại, với tư cách là một khối kinh tế vững mạnh, chúng ta phải đòi hỏi sự tôn trọng và có hành động đáp trả", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố.

Căng thẳng thương mại leo thang giữa hai bờ Đại Tây Dương có thể gây tác động nghiêm trọng đến khu vực đồng tiền chung châu Âu. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Mỹ và EU được đánh giá là "lớn nhất và phức tạp nhất thế giới".

Hôm 2/2, ông Trump tiếp tục nhấn mạnh vào thặng dư thương mại của châu Âu với Mỹ - vấn đề đã khiến ông không hài lòng từ lâu. Ông cho biết mức chênh lệch thương mại của EU với Mỹ lên tới hơn 300 tỷ USD.

Dữ liệu từ Cục Thống kê Dân số Mỹ cho thấy trong năm 2023, Mỹ ghi nhận mức thâm hụt thương mại hàng hóa với EU đạt 214 tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Mỹ sang EU đạt 342 tỷ USD.

"Họ không mua ôtô của chúng ta, không nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp của chúng ta, họ gần như chẳng mua gì cả, trong khi chúng ta nhập khẩu mọi thứ từ họ", ông Trump bức xúc.

Donald Trump anh 1

Kim ngạch thương mại hàng hóa giữa EU và Mỹ giai đoạn 2013-2023. Ảnh: Eurostat.

Ở chiều ngược lại, Mỹ có mức thặng dư 77 tỷ USD trong lĩnh vực dịch vụ, với tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ sang EU đạt 262 tỷ USD, theo Bộ Thương mại Mỹ.

Tuy nhiên, nếu so với dòng vốn đầu tư song phương, quy mô thương mại giữa hai bên vẫn ở mức thấp. Theo phân tích của Phòng Thương mại Mỹ tại EU, Mỹ và EU hiện chiếm hơn 60% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nhau, vượt xa bất kỳ đối tác nào khác.

Năm 2022, doanh số của các công ty Mỹ hoạt động tại châu Âu đạt hơn 3.800 tỷ USD, gấp 4 lần tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ sang EU.

Chiến lược của châu Âu

Dù căng thẳng thương mại đang leo thang, quy mô đầu tư xuyên Đại Tây Dương vẫn vượt xa giá trị thương mại hàng hóa. Theo ước tính sơ bộ từ cơ quan thống kê của khối, nền kinh tế EU chỉ tăng trưởng 0,8% trong năm 2023. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng 2,8% năm 2024, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ.

Đồng thời, các cường quốc kinh tế của EU như Đức, Pháp và Ba Lan đều đang đối mặt với bất ổn chính trị và những cuộc bầu cử quan trọng sắp tới. Giữa bối cảnh đó, việc chính quyền ông Trump tiếp tục gia tăng áp lực thương mại đối với châu Âu, buộc khối này phải chuẩn bị các phương án đối phó.

Bất chấp những căng thẳng với Washington, giới chức EU vẫn bày tỏ mong muốn hợp tác với Mỹ trong việc đối phó với Trung Quốc về mặt kinh tế. So với nhiệm kỳ đầu của ông Trump, châu Âu hiện có quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

"Không ai là người chiến thắng trong các cuộc chiến thương mại", bà Kaja Kallas, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU nhận định. Vị này khẳng định nếu Mỹ khơi mào một cuộc chiến thương mại với châu Âu, bên hưởng lợi sẽ là Trung Quốc.

Donald Trump anh 2

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái sang phải) tham gia họp báo tại Brussels (Bỉ) ngày 3/2. Ảnh: Reuters.

Dù theo đuổi chính sách tự do thương mại, EU đã chuẩn bị nhiều biện pháp áp thuế trả đũa lên các mặt hàng từ các bang có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với Mỹ. Cách tiếp cận này tương tự phản ứng gần đây của Canada và các biện pháp mà EU từng áp dụng đối với thuế thép và nhôm của Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Ngoài ra, khối này cũng tăng cường hợp tác với các đối tác thương mại lớn khác như Canada và Mexico. Hôm 2/2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã điện đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa để thảo luận về cách ứng phó với áp lực từ Mỹ.

Gần đây, EU cũng ký kết một thỏa thuận thương mại mới với Mexico nhằm đa dạng hóa nguồn cung và giảm phụ thuộc vào Mỹ.

Một ngày sau, Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo tuyên bố với truyền thông: "Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Tôi sẽ không khơi mào chiến tranh thương mại. Tôi muốn bắt đầu đàm phán".

Tuy nhiên, liệu ông Trump có muốn đàm phán hay không vẫn là câu hỏi lớn đối với châu Âu. Các nhà lãnh đạo EU đã đề xuất mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ Washington. Một số quan chức châu Âu cho rằng việc mua thêm thiết bị quân sự từ Mỹ có thể là một cách giúp hạ nhiệt căng thẳng.

Thặng dư thương mại kéo dài của EU với Mỹ và chi tiêu quân sự thấp của châu Âu từ lâu khiến ông Trump bức xúc. Hầu hết nước NATO tại châu Âu chi dưới mức cam kết, dù gần đây tăng ngân sách do áp lực từ ông Trump và chiến sự Nga - Ukraine.

Song, sau khi các nước châu Âu đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP vào năm ngoái và bắt đầu thảo luận về việc nâng mức này lên 3%, ông Trump gần đây lại yêu cầu mức 5% - một con số mà hầu như không quốc gia EU nào có thể đáp ứng.

Ngoài vấn đề thương mại và quốc phòng, ông Trump còn nhiều lần nhắc lại ý định muốn Mỹ mua đảo Greenland từ Đan Mạch, một đề xuất đã bị Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và các lãnh đạo châu Âu thẳng thừng bác bỏ.

"Nếu cần phải bảo vệ vị thế của mình trên thế giới, chúng ta sẽ tìm ra giải pháp", bà Frederiksen khẳng định khi đề cập đến Greenland và khu vực Bắc Cực.

Bà khẳng định không ủng hộ đối đầu với đồng minh nhưng nhấn mạnh châu Âu cần phản ứng tập thể và kiên quyết nếu Mỹ áp thuế mạnh.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.

Bạn đang đọc bài viết "Mối quan hệ kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - EU trên bờ vực rạn nứt" tại chuyên mục Tài chính. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com