Ngành gỗ Việt trước "cú sốc" thuế Mỹ: Cần một mô hình tăng trưởng mới

04/04/2025 16:30

Dù đạt mức tăng trưởng xuất khẩu tích cực trong những tháng đầu năm 2025, ngành gỗ Việt Nam đang đối diện một trong những thách thức lớn nhất từ trước tới nay – thuế đối ứng 46% từ thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ.

Ngày 4/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức họp giao ban khối Lâm nghiệp nhằm thảo luận các tác động từ việc Mỹ áp thuế đối với gỗ Việt Nam cũng như các giải pháp nhằm ứng phó trong bối cảnh thị trường xuất khẩu chủ lực bị siết chặt.

So với các ngành hàng khác, gỗ và sản phẩm gỗ nằm trong nhóm được dự báo chịu ảnh hưởng nhiều nhất của chính sách thuế mới. Năm 2024, xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang Mỹ chiếm trên 55% tổng kim ngạch của ngành, cao gần gấp đôi so với mức bình quân của cả nền kinh tế vào khoảng 30%.

Doanh nghiệp ngành gỗ "can trường" trước thách thức thuế quan

Hai tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,45 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường dẫn đầu, với 1,3 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Nhiều mặt hàng gỗ xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, như: ghế ngồi đạt 2,78 tỷ USD (chiếm 31,6% giá trị xuất khẩu gỗ sang Mỹ); đồ nội thất bằng gỗ khác khoảng 1,53 tỷ USD (chiếm 17,4%); đồ gỗ nội thất phòng ngủ 1,19 triệu USD (tương đương 13,5%); đồ gỗ nội thất phòng bếp 1 tỷ USD (chiếm 11,5%)...

Toàn bộ nhóm này thuộc đồ mộc tinh chế, trị giá xuất khẩu sang Mỹ năm 2024 đạt 8 tỷ USD. Từ đầu năm 2025, Mỹ mở cuộc điều tra với các mặt hàng đồ gỗ có giá trị cao của Việt Nam, căn cứ Điều 232 Đạo luật Mở rộng thương mại.

Ngành gỗ Việt trước "cú sốc" thuế Mỹ: Cần một mô hình tăng trưởng mới- Ảnh 1.

Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Ảnh: Bảo Thắng).

Phát biểu tại sự kiện, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết, các thành viên trong hiệp hội đều xác định tinh thần "can trường" sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng 46% với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam.

"Chúng tôi đã dự liệu khả năng bị áp thuế, nhưng chỉ ở mức 25%. Mức 46% thực sự nằm ngoài dự đoán và khiến toàn ngành bất ngờ", ông Hoài chia sẻ tại cuộc họp.

Theo ông Hoài, đã có những ước tính sơ bộ ban đầu về thiệt hại cho ngành gỗ nếu chịu mức thuế 46%. Do đó, doanh nghiệp vẫn đang chờ Chính phủ đứng ra đàm phán để Mỹ xem xét giảm bớt rào cản thương mại, đồng thời có những chính sách hài hòa lợi ích giữa hai bên, chẳng hạn như trì hoãn thời điểm áp thuế.

Ngành gỗ Việt Nam phải hình thành chuỗi giá trị bền vững

"Lâu nay, Mỹ có các quy định tương đối dễ về gỗ nên doanh nghiệp ngành gỗ khó tránh khỏi hiện tượng lơ là", lãnh đạo Hiệp hội nhận xét. Tuy nhiên, ông cho rằng thách thức trước mắt cũng là động lực để doanh nghiệp triệt để thay đổi mô hình tăng trưởng.

Trước đây, doanh nghiệp thường chú trọng nhiều đến tăng trưởng giá trị xuất khẩu, mà bỏ quên mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, trong khi đây mới là yếu tố đảm bảo tăng trưởng chất lượng và bền vững cho doanh nghiệp.

"Một vấn đề khác là doanh nghiệp dường như đang "bỏ quên" những thị trường tiềm năng như Nhật Bản với chủ lực là xuất khẩu viên nén, dăm gỗ sang quốc gia này và với Trung Quốc chủ yếu với mặt hàng dăm gỗ. Nếu tích cực liên kết với các đối tác tại đây, ngành gỗ có thể tạo thêm dư địa tăng trưởng", ông Hoài nói.

Ngành gỗ Việt trước "cú sốc" thuế Mỹ: Cần một mô hình tăng trưởng mới- Ảnh 2.

Dù đạt mức tăng trưởng xuất khẩu tích cực trong những tháng đầu năm 2025, ngành gỗ Việt Nam đang đối diện một trong những thách thức lớn nhất từ trước tới nay – thuế đối ứng 46% từ thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ.

Một giải pháp quan trọng khác là tăng hàm lượng chế biến. Trước nay, doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu theo hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp do làm theo đơn hàng sẵn có của đối tác. Ông Hoài cho rằng nếu có thể bổ sung công đoạn thiết kế hoặc chế biến tinh xảo hơn, sản phẩm sẽ có giá trị cao hơn và góp phần khẳng định thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Về dài hạn, ông Hoài kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sang Mỹ – nơi nhu cầu sản phẩm gỗ rất lớn. Ông dẫn chứng, một số sản phẩm như tủ gỗ Việt Nam đã chiếm hơn 30% thị phần tại Mỹ.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng miễn thuế với một số mặt hàng đạt tỷ lệ nội địa hóa nhất định hoặc sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ Mỹ. "Nếu chúng ta nhập gỗ nguyên liệu từ Mỹ, chế biến tại Việt Nam rồi xuất khẩu ngược trở lại, sẽ có cơ hội được hưởng ưu đãi thuế quan", ông Hoài bày tỏ.

Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), hiện Mỹ mới chỉ áp dụng mức thuế chung, trong khi các mặt hàng chịu ảnh hưởng cụ thể sẽ liên quan đến nhiều chủng loại khác nhau. Vì vậy, cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng và chưa thể đưa ra nhận định cuối cùng.

Phát biểu chỉ đạo sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN&MT Nguyễn Quốc Trị khẳng định sẽ cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp. Thứ trưởng chỉ đạo Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm sớm tổng hợp dữ liệu, báo cáo các vấn đề liên quan tới thuế đối ứng, làm rõ việc doanh nghiệp ngành gỗ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi chính sách thuế mới.

Ngành gỗ Việt trước "cú sốc" thuế Mỹ: Cần một mô hình tăng trưởng mới- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NN&MT Nguyễn Quốc Trị (Ảnh: Bảo Thắng).

"Chúng tôi sẽ tham mưu với Chính phủ và sớm làm việc với các hiệp hội để tìm ra giải pháp thích ứng", Thứ trưởng nhấn mạnh. Đồng thời, Bộ NN&MT cũng chỉ đạo Vụ Hợp tác quốc tế thông tin nhanh chóng, kịp thời tới bạn bè quốc tế, trong đó có đối tác Mỹ về những nỗ lực của Việt Nam trong việc công khai, minh bạch nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, cũng như cân bằng thương mại hai chiều.

Bên cạnh đó, phối hợp Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá chi tiết tác động, đề xuất các giải pháp ứng phó với những điều chỉnh chính sách của Mỹ; bám sát diễn biến Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng cuộc điều tra về mối đe dọa đối với an ninh quốc gia từ việc nhập khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ và sản phẩm phái sinh.

Bạn đang đọc bài viết "Ngành gỗ Việt trước "cú sốc" thuế Mỹ: Cần một mô hình tăng trưởng mới" tại chuyên mục Chuyển động 24H. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com