Từ đồ điện tử đến rau củ, BNPL len lỏi vào từng chi tiêu thiết yếu
Trong bức tranh kinh tế Mỹ năm 2025 với nhiều mảng màu xám, một xu hướng tiêu dùng đang nổi lên mạnh mẽ và gây nhiều tranh cãi, sự bùng nổ của dịch vụ "mua trước, trả sau" (Buy Now, Pay Later - BNPL).
Không chỉ dừng lại ở việc chia nhỏ thanh toán cho những chiếc tivi màn hình lớn hay bộ sofa mới, BNPL giờ đây đang trở thành "phao cứu sinh" tạm thời cho nhiều người Mỹ khi phải đối mặt với hóa đơn thực phẩm, hàng tạp hóa và các chi phí sinh hoạt cơ bản khác.
Một nghiên cứu mới đây từ công ty tiếp thị PartnerCentric đã vẽ nên một bức tranh đáng chú ý, đó là hơn một nửa dân số Mỹ (52%) thừa nhận đang sử dụng các dịch vụ BNPL.
Đáng báo động hơn, xu hướng này đặc biệt phổ biến ở giới trẻ - những người được cho là trụ cột tương lai của nền kinh tế - với 59% người thuộc gen Z và 58% thuộc thế hệ millennials đang phụ thuộc vào hình thức thanh toán trả góp ngắn hạn này.
Con số này không có dấu hiệu dừng lại. Cũng theo PartnerCentric, 35% người được khảo sát dự định sẽ dựa dẫm vào BNPL nhiều hơn trong năm nay, và tỷ lệ này tăng vọt lên mức đáng kinh ngạc 65% đối với Gen Z.
Ban đầu, BNPL được thiết kế như một giải pháp tài chính linh hoạt cho các mặt hàng có giá trị tương đối lớn, thường từ 250 USD trở lên như đồ điện tử, nội thất hay thiết bị gia dụng. Tuy nhiên, thực tế phũ phàng của lạm phát dai dẳng và lãi suất cao đang đẩy người tiêu dùng vào thế khó.
Khảo sát của PartnerCentric cho thấy một con số đáng suy ngẫm: 31% người dùng thừa nhận đã phải dùng BNPL để mua thực phẩm hàng ngày n- những mặt hàng thiết yếu nhất cho sự sống.
Một khảo sát khác từ LendingTree càng củng cố thêm bức tranh u ám này, chỉ ra rằng tỷ lệ người dùng BNPL để mua thực phẩm đã tăng vọt lên 25%, gần gấp đôi so với mức 14% chỉ một năm trước đó.

Ngày càng nhiều người dân Mỹ dùng BNPL để mua thực phẩm hàng ngày - những mặt hàng thiết yếu nhất cho sự sống (Ảnh: AP).
Matt Schulz, chuyên gia phân tích tín dụng tại LendingTree, nhận định thẳng thắn với Newsweek: "Việc người tiêu dùng ngày càng dùng BNPL cho những thứ nhỏ nhặt như thực phẩm... là bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy lạm phát, lãi suất cao và sự bất ổn kinh tế đang tiếp tục bào mòn tài chính của các hộ gia đình Mỹ".
Sự tiện lợi ban đầu của việc chia nhỏ thanh toán dường như đang biến tướng thành một giải pháp tình thế, che giấu những khó khăn tài chính sâu sắc hơn.
BNPL: Công cụ quản lý ngân sách hay cạm bẫy nợ nần tinh vi?
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của BNPL tạo ra một cuộc tranh luận gay gắt. Các nhà cung cấp dịch vụ như Klarna quảng bá BNPL như một công cụ quản lý ngân sách thông minh, minh bạch, giúp người dùng kiểm soát chi tiêu mà không cần trải qua các bước kiểm tra tín dụng phức tạp hay lo lắng về lãi suất cắt cổ như thẻ tín dụng truyền thống.
Stephanie Harris, CEO của PartnerCentric, cũng đồng tình với quan điểm này, cho rằng "sự gia tăng của BNPL không chỉ đơn thuần là vì tiện lợi mà đó là về quyền kiểm soát. Người tiêu dùng đang tìm kiếm những công cụ tài chính phù hợp với nhịp sống và áp lực hiện đại". Bà nhấn mạnh rằng việc các thương hiệu cung cấp BNPL là cách thể hiện sự thấu hiểu và trao quyền cho khách hàng.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia tài chính và kinh tế, bức tranh không hề màu hồng như vậy. Họ cảnh báo rằng sự phổ biến của BNPL, đặc biệt là khi dùng cho các chi tiêu nhỏ lẻ, thường xuyên, có thể là dấu hiệu của sự suy giảm hiểu biết về tài chính cá nhân và là triệu chứng rõ ràng cho thấy túi tiền của tầng lớp trung lưu Mỹ đang bị bào mòn nghiêm trọng bởi áp lực kinh tế.
Chuyên gia tài chính cá nhân George Kamel ví hình thức BNPL như "thẻ tín dụng kiểu mới nhưng không cần thẻ", đồng thời cảnh báo rằng việc dùng hình thức này để đặt đồ ăn đồng nghĩa với việc người Mỹ đang "ăn uống trong nợ nần - chia làm 4 lần trả góp".
Sự hợp tác gần đây giữa gã khổng lồ BNPL Klarna và ứng dụng giao đồ ăn DoorDash càng làm dấy lên lo ngại. Nhiều nhà kinh tế coi đây là một tín hiệu đáng báo động về sức khỏe nền kinh tế. Gary Hufbauer, một nhà kinh tế học uy tín, thậm chí gọi thỏa thuận này là "thước đo cho sự tuyệt vọng thực sự", ám chỉ rằng người dân đang phải vật lộn đến mức cần trả góp cả bữa ăn giao tận nhà.
Những lo ngại này không phải là không có cơ sở. Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ vào nền kinh tế đang sụt giảm nghiêm trọng. Khảo sát mới nhất từ The Conference Board cho thấy niềm tin trong tháng 4 đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp, với chỉ số kỳ vọng về tương lai rơi xuống mức thấp nhất trong 13 năm.
Kinh tế trưởng Stephanie Guichard từ The Conference Board cho biết: "Nguyên nhân chính là do kỳ vọng của người tiêu dùng sụt giảm. Triển vọng thu nhập tương lai lần đầu tiên chuyển sang tiêu cực sau 5 năm, cho thấy nỗi lo kinh tế đang lan sang cả tình hình tài chính cá nhân".
"Bóng ma" suy thoái và tương lai bất định của nền kinh tế Mỹ
Trong bối cảnh niềm tin tiêu dùng lao dốc và người dân ngày càng phải dựa vào các khoản vay ngắn hạn như BNPL để trang trải chi phí cơ bản, bóng ma suy thoái kinh tế đang hiện hữu ngày càng rõ nét hơn. Mặc dù chính quyền Tổng thống Trump và một số nhà hoạch định chính sách cố gắng trấn an dư luận, nhiều nhà kinh tế độc lập lại đưa ra những cảnh báo đáng lo ngại.
David Rosenberg, nhà sáng lập Rosenberg Research, cho rằng sự bất ổn, đặc biệt là các chính sách thuế quan khó lường, đang khiến cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp dè dặt hơn trong chi tiêu.
Ông cảnh báo, thuế quan sẽ làm giảm thu nhập thực tế trước tiên, kéo theo chi tiêu sụt giảm, mà tiêu dùng hiện chiếm gần 70% GDP Mỹ. Khi thu nhập giảm, việc lạm dụng các hình thức tín dụng như BNPL, dù không tính lãi, vẫn tiềm ẩn rủi ro nếu người dùng không kiểm soát tốt và rơi vào vòng xoáy nợ nần.

"Bóng ma" suy thoái kinh tế Mỹ đang hiện hữu ngày càng rõ nét hơn khi niềm tin tiêu dùng lao dốc và người dân ngày càng phải dựa vào các khoản vay ngắn hạn như BNPL để trang trải chi phí cơ bản (Ảnh: Getty).
Một cuộc khảo sát gần đây của Reuters cho thấy khoảng 60% các nhà kinh tế được hỏi đánh giá nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ trong năm 2025 là "cao" đến "rất cao". Sự phụ thuộc ngày càng tăng vào BNPL cho các nhu yếu phẩm hàng ngày có thể được xem là một chỉ báo sớm cho thấy nền kinh tế đang gặp vấn đề nghiêm trọng.
Klarna, trong một tuyên bố, đã khuyến nghị người Mỹ nên ưu tiên sử dụng thẻ ghi nợ cho chi tiêu hàng ngày và chỉ dùng BNPL không lãi suất "cho một vài trường hợp thực sự cần" như một cách để xây dựng tương lai tài chính lành mạnh hơn. Tuy nhiên, dữ liệu thực tế lại cho thấy một câu chuyện khác, khi ngày càng nhiều người buộc phải dùng BNPL cho cả những giỏ hàng tạp hóa.
Liệu BNPL sẽ tiếp tục là một công cụ tài chính hữu ích, trao quyền kiểm soát cho người tiêu dùng như lời các nhà cung cấp? Hay nó chỉ là một lớp vỏ bọc hào nhoáng che đậy một cuộc khủng hoảng tài chính cá nhân đang âm ỉ, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế số 1 đang tiến gần hơn đến bờ vực suy thoái?
Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng một điều chắc chắn, là cách người Mỹ sử dụng BNPL trong những tháng tới sẽ là một chỉ dấu quan trọng để theo dõi sức khỏe thực sự của nền kinh tế và khả năng chống chịu của người dân trước những "cơn gió ngược".