BYD Việt Nam (thương hiệu ô tô đến từ Trung Quốc) mới đây đã hợp tác với Grab Việt Nam triển khai chương trình "Chất từng cuốc – Chốt BYD" từ ngày 19-5 đến 19-8, nhằm khuyến khích các đối tác tài xế chuyển sang sử dụng xe điện thông qua nhiều ưu đãi và chính sách hỗ trợ thiết thực.
Theo đó, BYD Việt Nam đã giới thiệu danh mục các dòng xe điện chuyên biệt dành cho tài xế GrabCar. Nổi bật trong số này là mẫu MPV thuần điện 7 chỗ BYD M6 Premium Car – dòng xe chủ lực của chương trình, cùng với các dòng xe điện khác như BYD ATTO 3, BYD DOLPHIN và BYD SEAL.
Trong thời gian diễn ra chiến dịch, các tài xế GrabCar khi đăng ký mua xe BYD sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Cụ thể, họ có thể nhận mức bảo đảm thu nhập lên đến 25 triệu đồng/tháng, được kích hoạt dịch vụ GrabCar Plus (dịch vụ có lượng khách hàng ổn định hơn). Tuy nhiên, để đủ điều kiện nhận ưu đãi, tài xế cần hoàn thành tối thiểu 400 cuốc/tháng, duy trì tỷ lệ nhận chuyến trung bình đạt 90% và tỷ lệ huỷ chuyến không vượt quá 7%.
Ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành BYD Auto Việt Nam, cho biết thêm 500 tài xế đầu tiên mua xe BYD trong khuôn khổ chương trình sẽ được tặng 6 lần bảo dưỡng miễn phí đầu tiên, cùng chính sách bảo hành pin lên đến 8 năm hoặc 500.000 km (tùy điều kiện nào đến trước), trị giá tương đương 36 triệu đồng.

BYD ATTO 3, một mẫu xe có giá thấp nhất của hãng BYD nhưng giá cũng gần 700 triệu đồng
Tuy nhiên, sau khi tham khảo các ưu đãi được BYD Việt Nam công bố, không ít tài xế tỏ ra thận trọng, vì thông tin về mức thu nhập bảo đảm 25 triệu đồng/tháng vẫn chưa thật sự rõ ràng, cũng như chưa có cam kết cụ thể nào để họ an tâm. "Những chính sách mà chương trình đưa ra không thật sự vượt trội so với việc mua xe điện trên thị trường. Ngoài ra, thông tin về thu nhập bảo đảm chỉ xuất hiện trên các kênh truyền thông chứ chưa có gì cụ thể để chúng tôi yên tâm chuyển đổi" – anh Nghiêm Hoàng Tùng, một tài xế xe công nghệ tại TP HCM, nhận xét.
Không chỉ dừng lại ở lo ngại về thu nhập, chi phí đầu tư ban đầu cũng là một trở ngại lớn. Theo chia sẻ từ nhiều tài xế GrabCar, giá thấp nhất của một chiếc xe điện BYD hiện khoảng 700 triệu đồng, trong khi các mẫu cao cấp có thể vượt ngưỡng 1 tỉ đồng. Ngay cả khi bán xe cũ để đổi xe mới, tài xế cũng chỉ thu được khoảng 200 – 300 triệu đồng, đồng nghĩa với việc họ phải bù thêm ít nhất 500 triệu đồng để mua xe mới. Đây là con số không hề nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay trên thị trường gọi xe công nghệ. Nếu phải vay ngân hàng, áp lực tài chính sẽ càng nặng nề hơn.
Một thách thức khác không thể bỏ qua chính là hạ tầng trạm sạc, yếu tố then chốt đối với việc sử dụng xe điện. Dù đã có mặt tại thị trường Việt Nam hơn một năm, BYD vẫn chưa đầu tư vào hệ thống trạm sạc riêng. Điều này buộc tài xế phải sử dụng trạm sạc của bên thứ ba với chi phí cao, dao động từ 5.000 - 6.000 đồng/kWh, thậm chí có nơi lên tới 9.000 đồng/kWh. Không những vậy, số lượng trạm sạc bên thứ ba hiện còn khá hạn chế, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn và mỗi khu vực cũng chỉ có vài điểm sạc. Đây là trở ngại không nhỏ đối với tài xế công nghệ vốn cần sự linh hoạt và hiệu quả trong vận hành hằng ngày.