![]() |
Jensen Huang, CEO Nvidia. Ảnh: Bloomberg. |
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lại khiến thị trường chao đảo khi tăng cường hạn chế xuất khẩu chip. Theo giới phân tích, đây là những hành động mới nhất từ Nhà Trắng để kìm hãm tham vọng AI của Trung Quốc.
Trên thực tế, chính quyền ông Trump đã nhắc đến khả năng thắt chặt hoạt động xuất khẩu chip trong nhiều tháng. Động thái mới nhất nhằm ngăn chặn hàng tỷ USD giá trị chip của Nvidia, AMD được nhập khẩu vào Trung Quốc.
Môi trường kinh doanh khắc nghiệt
Theo WSJ, một phần lý do khiến Mỹ thắt chặt hạn chế đến từ thành công của startup DeepSeek, khi ra mắt mô hình AI mạnh mẽ với năng lực tính toán ít hơn.
Đối với Nvidia, động thái này chỉ ảnh hưởng đến một phần nhỏ hoạt động, nhưng vẫn “dập tắt” mọi nỗ lực của công ty nhằm kinh doanh suôn sẻ tại Trung Quốc.
Cổ phiếu Nvidia và AMD giảm khoảng 7% trong ngày 15/4. Thị trường chứng khoán giảm mạnh sau thông tin cho rằng lệnh miễn trừ thuế quan với ngành chip sẽ không kéo dài.
Jensen Huang, CEO Nvidia, vẫn kiên trì theo đuổi thị trường Trung Quốc. Ngày 17/4, báo chí nước này cho biết Huang đã đến Bắc Kinh để gặp gỡ quan chức Trung Quốc, khẳng định đây là thị trường quan trọng với Nvidia.
Lệnh hạn chế mới của Mỹ nhắm vào chip Nvidia H20 và dòng MI308 của AMD. Theo WSJ, cuộc chiến giành vị thế thống trị lĩnh vực AI giữa Mỹ và Trung Quốc có phần giống chiến tranh thương mại hiện nay, với sự cứng rắn lẫn khó đoán từ Mỹ.
![]() |
Mức giảm cổ phiếu một số công ty trong lĩnh vực bán dẫn từ đầu năm 2025. Ảnh: WSJ. |
Cụ thể, ông Trump đã công bố thuế đối ứng 145% với hàng hóa Trung Quốc vào tuần trước. Sau đó, nhiều mặt hàng được miễn thuế như chip xử lý, smartphone và sản phẩm điện tử. Đến ngày 9/4, chính phủ Mỹ thông báo Nvidia sẽ phải tuân thủ chính sách hạn chế mới.
Ngày 14/4, Nvidia công bố kế hoạch xây dựng siêu máy tính AI tại Texas. Ngay hôm sau, công ty cho biết phải ghi nhận khoản lỗ chi phí tối đa 5,5 tỷ USD do ảnh hưởng từ lệnh hạn chế mới.
“Kể cả khi bạn cho rằng mình đang tuân thủ luật và có thể hy sinh một chút lợi ích, luật vẫn có thể thay đổi vào ngày mai và bạn sẽ trở thành nạn nhân…
Đây là môi trường khắc nghiệt với những doanh nghiệp muốn chi hàng tỷ USD cho các dự án kéo dài 30 năm”, Scott Lincicome, Phó chủ tịch kinh tế và chính sách thương mại tại Viện Cato, cho biết.
Chính quyền ông Trump cho rằng xu hướng AI hiện nay liên quan đến quá trình suy luận (inference), cho phép ứng dụng mô hình AI vào các tình huống thực tế. Nvidia H20 là loại chip hiệu quả trong công việc này.
Thời gian gần đây, nhiều quan chức Mỹ, bao gồm Hội đồng An ninh Quốc gia, đã gặp Huang để trao đổi về H20 và chuỗi cung ứng toàn cầu của Nvidia.
"Hãy ngừng sử dụng công cụ của Mỹ"
Nvidia đã công khai rằng hoạt động bán chip tại Trung Quốc mang đến doanh thu giúp công ty duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực AI. Công ty cũng âm thầm phản đối các hạn chế mới, lập luận rằng Trung Quốc có thể tự sản xuất một số chip tương đương H20.
Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 1, các nhà phân tích cho rằng Nvidia bán được khoảng 12 tỷ USD chip H20, chiếm 70% doanh thu công ty tại Trung Quốc.
Khả năng tiếp cận chip H20 của Trung Quốc đã nằm trong tầm ngắm của chính quyền tiền nhiệm. Các cuộc thảo luận vẫn diễn ra dưới thời ông Trump, và trở nên cấp bách hơn từ đầu năm sau khi startup DeepSeek gây bất ngờ với mô hình AI hiệu quả cao, chi phí thấp.
![]() |
Startup DeepSeek từng khiến giới công nghệ chao đảo vào tháng 1. Ảnh: Bloomberg. |
Sự xuất hiện của DeepSeek thúc đẩy việc phát triển, ứng dụng mô hình AI tại Trung Quốc, làm tăng nhu cầu mua Nvidia H20 và những loại chip khác.
Tại phiên điều trần ứng viên diễn ra tháng 1, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick khẳng định chip Nvidia góp phần cho sự phát triển của DeepSeek, và những động thái như vậy từ phía Mỹ cần chấm dứt.
“Nếu họ muốn cạnh tranh với chúng ta, cứ để họ cạnh tranh nhưng hãy ngừng sử dụng công cụ của chúng ta để cạnh tranh. Tôi sẽ rất cứng rắn về vấn đề này”, Lutnick nhấn mạnh.
Gia tăng bất ổn
Theo WSJ, các khách hàng Trung Quốc đã mua chip trong 3 tháng đầu năm vì dự đoán Mỹ sẽ ban hành lệnh cấm mới.
Cụ thể, Nvidia nhận tổng cộng 18 tỷ USD đơn hàng máy chủ và module trang bị H20. Con số này cao hơn tổng doanh thu công ty tại Trung Quốc trong năm tài chính trước. Khách hàng lớn của Nvidia chủ yếu là doanh nghiệp điện toán đám mây như Alibaba, Tencent và ByteDance.
Nếu Mỹ không áp dụng lệnh miễn trừ, động thái này sẽ cắt đứt nguồn lực quan trọng của các công ty và nhà nghiên cứu Trung Quốc, đồng thời làm tăng nhu cầu mua thiết bị thay thế trong nước.
![]() |
Tỷ lệ đóng góp doanh thu của Nvidia theo khu vực. Ảnh: WSJ. |
Ban đầu, các công ty đám mây của Trung Quốc có kế hoạch dùng chip H20 cho 50% nhu cầu sử dụng bộ tăng tốc AI (AI accelerator). Tuy nhiên, nhà phân tích từ Citigroup cho biết nhiều khả năng họ sẽ chuyển sang chip Huawei và Cambricon.
Theo WSJ, Trung Quốc đã thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, không phụ thuộc công nghệ của Mỹ và khuyến khích sử dụng sản phẩm nội địa.
Nvidia có thể ghi nhận lỗ chi phí khoảng 5,5 tỷ USD trong quý tài chính thứ I/2025 (kết thúc tháng 4), trong khi AMD có thể chịu khoản lỗ tối đa 800 triệu USD.
ASML, công ty tạo ra máy sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới, cũng ghi nhận cổ phiếu sụt giảm sau khi công bố lượng đơn hàng thấp hơn trong quý. Công ty Hà Lan cảnh báo thuế quan khiến bất ổn gia tăng.
Cách Jensen Huang đốc thúc nhân viên
Để đưa gã khổng lồ công nghệ Nvidia lên vị thế hôm nay, CEO Jensen Huang tâm niệm phải giữ nhân sự trong tâm thế có phần "lo âu", "sợ hãi". Đó là một trong những khía cạnh về CEO Nvidia được tiết lộ trong cuốn sách thuật lại trong sách The Nvidia Way: Jensen Huang and the Making of a Tech Giant (tạm dịch: Phong cách Nvidia: Jensen Huang và hành trình tạo dựng gã khổng lồ công nghệ).