Ngày 4/12, một số người dùng phản ánh vài đơn hàng đã đặt từ tháng 11 trên trang thương mại điện tử Temu song họ vẫn chưa nhận được hàng.
Anh Đặng Thành (quận 9, TPHCM) nói anh đặt một đơn hàng trên Temu từ ngày 9/11 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sản phẩm. Trên ứng dụng, đơn hàng chỉ hiển thị trạng thái đang được vận chuyển và thông báo chậm trễ do bất khả kháng và các điều kiện khác.
Tương tự, anh Cao Nhân ở Hải Phòng kể đơn hàng của anh đặt từ ngày 18/11 đến nay vẫn chưa được giao. "Trước đó, tôi mua 4 đơn hàng trên sàn này vận chuyển rất nhanh, chỉ 4 ngày đã nhận được, nhưng 6 đơn đặt sau giá trị 1 triệu đồng mỗi đơn từ ngày 18/11 thì mãi vẫn chưa nhận được", anh chia sẻ.
Không chỉ vậy, một số người dùng khác phản ánh tình trạng khi bấm vào link (đường dẫn) tiếp thị liên kết (affiliate marketing) đều được điều hướng sang ứng dụng Temu ở App Store hoặc Google Play trên thiết bị di động, không chuyển hướng sang sản phẩm để mua hàng như trước.
Theo ghi nhận của phóng viên , ngày 4/12, website hay ứng dụng của Temu không còn hiển thị phiên bản tiếng Việt, chỉ còn phiên bản tiếng Anh, Pháp và Trung Quốc. Từ tháng 11, sàn này cũng không còn quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận người dùng Việt.
Dòng thông báo "Temu đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để đăng ký việc cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam" vẫn hiển thị trên website và ứng dụng Temu mỗi khi người dùng truy cập nhưng đều bằng tiếng Anh.
Bên cạnh đó, Temu đã thay đổi trong chính sách hoa hồng của chương trình affiliate. Cụ thể, trước đây, hoa hồng 10-30% giá trị đơn hàng cộng thêm 150.000 đồng cho mỗi khách hàng mới thì hiện tại, Temu đã cập nhật mức hoa hồng chỉ còn 10% giá trị đơn hàng và 25.000 đồng cho mỗi khách hàng mới. Chính sách này đã khiến nhiều người dùng không còn hào hứng chia sẻ link như trước.
Phóng viên đã liên hệ với đại diện sàn thương mại điện tử Temu để cập nhật thông tin hoạt động giao hàng về Việt Nam cũng như quyền lợi của người tiêu dùng đã đặt hàng nhưng chưa nhận được phản hồi.
Trước đó, từ đầu tháng 11, Temu đã thay đổi chính sách với thị trường Việt Nam, người dùng chỉ có thể chốt đơn với giá trị tối thiểu 887.000 đồng và không quá 1 triệu đồng. Thời điểm cuối tháng 9 - khi mới xuất hiện tại Việt Nam, nền tảng này không có điều kiện về giá trị đơn hàng. Chỉ yêu cầu mua tối thiểu 120.000 đồng để được nhận ưu đãi miễn phí giao hàng.
Động thái của Temu diễn ra trong bối cảnh cơ quan chức năng yêu cầu đại diện sàn Temu hoàn thiện các thủ tục pháp lý để được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết sau tháng 11, Temu không hoàn thành đăng ký tại Việt Nam thì sẽ bị chặn ứng dụng, tên miền.
Thời điểm cuối tháng 11, đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho biết Temu vẫn đang làm việc với cơ quan này để được cấp phép tại Việt Nam.
Trước đó, tại cuộc làm việc với đại diện sàn thương mại điện tử Temu tại Việt Nam, ngày 27/11, ông Nguyễn Bắc Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết hiện Temu chưa được cấp phép nên chưa có cơ sở để giải quyết thủ tục hải quan.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định sau khi Bộ Công Thương cấp phép hoạt động đối với Temu, cơ quan hải quan sẽ thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua sàn thương mại điện tử bình đẳng như các nhà cung cấp, xuất nhập khẩu khác.
Tại buổi làm việc, đại diện Temu Việt Nam cho biết đơn vị đang trong quá trình làm việc với Bộ Công Thương để hoàn thiện hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam. "Bộ Công Thương đã có hướng dẫn thủ tục và bổ sung tài liệu cần thiết, Temu đã bổ sung hồ sơ và đang chờ phản hồi", đại diện Temu Việt Nam thông tin.