Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong tháng 9, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng đạt 228.000 tấn, trị giá hơn 894 triệu USD, tăng 58,4% về lượng và tăng 39% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 9 tháng, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng đạt xấp xỉ 1,38 triệu tấn, trị giá 6,2 tỷ USD, tăng 11,2% về lượng và tăng 5,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trước đó, trong năm 2023, quốc gia tỷ dân này đã chi gần 7 tỷ USD để mua lượng lớn sầu riêng từ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó chủ yếu từ Thái Lan và Việt Nam.
Việt Nam liên tục vượt Thái Lan về xuất khẩu sầu riêng
Trong tháng 9, Việt Nam trở thành nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho quốc gia tỷ dân này, đạt xấp xỉ 177.000 tấn, trị giá hơn 640,7 triệu USD, tăng 90% về lượng và tăng 71,5% về trị giá so với tháng 9/2023. Ngược lại, Trung Quốc giảm nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan trong tháng 9, chỉ đạt 58.000 tấn, trị giá hơn 243 triệu USD.
Trước đó, trong tháng 2, Việt Nam cũng vượt Thái Lan để dẫn đầu về xuất khẩu sầu riêng vào nước này với số lượng đạt 32.750 tấn, trị giá 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Thái Lan tụt xuống vị trí thứ hai với khối lượng đạt 19.614 tấn, trị giá hơn 120 triệu USD, giảm hơn 50% về lượng và hơn 45% về trị giá so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam đạt gần 618.000 tấn, trị giá 2,45 tỷ USD, tăng 72,2% về lượng và tăng 57,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, sầu riêng Việt Nam chiếm hơn 44% lượng nhập khẩu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Thái Lan vẫn là nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc trong 9 tháng qua với số lượng đạt gần 755.000 tấn, trị giá 3,73 tỷ USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 9 tháng, giá nhập khẩu bình quân sầu riêng vào Trung Quốc đạt mức 4.497 USD/tấn (tương đương hơn 113.000 đồng/kg), giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, giá bình quân nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc từ Thái Lan đạt mức 4.947 USD/tấn (hơn 125.000 đồng/kg), tăng 0,9%. Ngược lại, giá bình quân nhập khẩu từ Việt Nam giảm 8,7%, xuống mức 3.962 USD/tấn (hơn 100.000 đồng/kg), từ Philippines giảm 28,5%, xuống mức 2.628 USD/tấn (hơn 66.000 đồng/kg).
Thái Lan tìm cách xoay xở
Trước bối cảnh liên tục bị sầu riêng Việt Nam "vượt mặt", Thái Lan đã liên tục tìm cách đổi mới công nghệ trồng, cải thiện năng suất và thiết lập các tiêu chuẩn riêng của sầu riêng.
Mới đây, Cơ quan Xúc tiến kinh tế số Thái Lan (Depa) đã khởi động dự án "sầu riêng kỹ thuật số" - One Tambon, One Digital (Otod). Động thái này nhằm giúp người nông dân trồng sầu riêng tại Thái Lan giải quyết những khó khăn trong việc trồng sầu riêng bằng cách sử dụng các ứng dụng để ghi lại, lưu trữ và theo dõi dữ liệu cây trồng.
Chia sẻ với Bangkok Post, ông Pantanu Wannagangsai, cố vấn của Bộ Kinh tế và Xã hội số hóa Thái Lan (DES), cho biết dự án này kỳ vọng sẽ xây dựng lòng tin của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
"Đồng thời giúp quảng bá các sản phẩm cao cấp của Thái Lan trên toàn cầu trong bối cảnh chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á", ông nói.
Diện tích trồng sầu riêng tại Thái Lan hiện nay đạt 1,02 triệu rai (hơn 163.000ha) với sản lượng 1,53 triệu tấn/năm. Sầu riêng chiếm 69% tổng số lượng trái cây xuất khẩu của Thái Lan, tương đương hơn 991.557 tấn vào năm 2023. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất của Thái Lan.
Về tình hình xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam 10 tháng qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá tỷ trọng sầu riêng chiếm 49,86% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Triển vọng xuất khẩu rau quả cuối năm nhìn chung vẫn sẽ khả quan do yếu tố mùa vụ. Mặc dù sầu riêng chính vụ đã kết thúc vào tháng 10, nhưng Việt Nam vẫn còn hàng trái vụ.
"Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh", Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững đòi hỏi sản phẩm rau quả của Việt Nam phải nâng cao hơn nữa về chất lượng. Bởi hiện nay không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang siết chặt chất lượng nông sản nhập khẩu.