Thế trận mới thị trường xe công nghệ 1,05 tỷ USD: Grab bị Xanh SM vượt mặt, Be trung thành với Super App và sự lộ diện của một “tay chơi” đặc biệt

19/05/2025 00:13

2024 được xem là một năm tái cấu trúc mạnh mẽ sau sự ra đi của Gojek (Indonesia) vào tháng 9, để lại khoảng 17% thị phần tại Việt Nam thời điểm đó (theo báo cáo “The connected customer” quý 3/2024).

Báo cáo mới nhất từ Mordor Intelligence ghi nhận, quy mô thị trường gọi xe Việt Nam ước tính đạt 1,05 tỷ USD vào năm 2025 và dự kiến tăng lên 2,56 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ CAGR là 19,5% trong giai đoạn dự báo 2025-2030.

Theo Mordor Intelligence, quy mô thị trường này tăng mạnh trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa và việc áp dụng công nghệ ngày càng tăng.

Năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet - chiếm 79,1% dân số; hơn 70 triệu người dùng mạng xã hội. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cũng được phát triển mạnh mẽ khi có đến 162 triệu kết nối di động đang hoạt động - chiếm 164% dân số (dữ liệu từ GSMA Intelligence), tăng thêm 4,7 triệu (~3%) kể từ năm 2022.

Thế trận mới thị trường xe công nghệ 1,05 tỷ USD: Grab bị Xanh SM vượt mặt, Be trung thành với Super App và sự lộ diện của một “tay chơi” đặc biệt- Ảnh 1.

Xanh SM phủ sóng

Chính điều này tạo ra một “sân chơi” màu mỡ cho dịch vụ gọi xe công nghệ. Thực tế, gọi xe công nghệ Việt Nam là một thị trường năng động, mỗi năm đều có nhưng thay đổi đáng kể. Đặc biệt, 2024 được xem là một năm tái cấu trúc mạnh mẽ sau sự ra đi của Gojek (Indonesia) vào tháng 9, để lại khoảng 17% thị phần tại Việt Nam thời điểm đó (theo báo cáo “The connected customer” quý 3/2024).

2024 cũng là năm chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các ứng dụng nội địa, gồm Xanh SM và Be. Trong đó, Xanh SM được biết đã tăng vốn lên 18.000 tỷ đồng và bắt đầu phủ sóng. Đơn vị này còn bắt tay với loạt đối tác địa phương như Be, Taxi G7, Mai Linh… và nhanh chóng vươn lên Top 2 ứng dụng gọi xe công nghệ được yêu thích tại Việt Nam, chiếm hơn 32% tỷ lệ thâm nhập thị trường (báo cáo “The Connected Consumer” quý 1/2024 của Decision Lab).

Sang quý 1/2025, Xanh SM đạt Top 1 thị phần taxi Việt với tỷ lệ 39,85%, theo Mordor Intelligence. Khảo sát người dùng cho thấy Xanh SM được đánh giá cao ở các tiêu chí: xe sạch sẽ, tài xế lịch sự, thao tác đặt xe đơn giản và ứng dụng dễ sử dụng.

Ngoài ra, những trang bị hướng tới đảm bảo an toàn và quyền lợi cho khách hàng như hệ thống giám sát an toàn chủ động (S2S) được triển khai đồng bộ trên tất cả các phương tiện cũng góp phần nâng cao mức độ tin cậy trong trải nghiệm người dùng.

Thế trận mới thị trường xe công nghệ 1,05 tỷ USD: Grab bị Xanh SM vượt mặt, Be trung thành với Super App và sự lộ diện của một “tay chơi” đặc biệt- Ảnh 2.

Be miệt mài với chiến lược Super App

Hay một ứng dụng địa phương khác là Be, vào tháng 1/2024, Be Group cũng đã huy động được 30 triệu USD tiền tài trợ mới. Khác với Xanh SM, Be thu hút khách hàng thông qua chiến lược truyền thống là phát triển Super App - cung cấp dải 12 dịch vụ tiêu dùng - trong bối cảnh các doanh nghiệp tên tuổi sau nhiều năm vẫn chỉ dừng lại ở dịch vụ lõi như gọi xe, giao hàng, giao đồ ăn. Be cũng tập trung vào nhóm khách hàng GenZ với loạt những nội dung Marketing theo “trend”.

Kết quả, năm 2024, số liệu từ Be cho thấy GMV (Gross Merchandise Value - tổng giá trị hàng hóa) tăng 60%, số người dùng ứng dụng tăng 50% bao gồm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, phục vụ 30% dân số đô thị.

Be cũng ghi nhận, các dịch vụ số (DG) có dấu hiệu tăng trưởng cho thấy người dùng bắt đầu có thói quen mua vé di chuyển, nạp điện thoại qua các App tăng so với phương thức truyền thống (kênh offline, mua qua hotline) trước đây. Trong đó, người dùng Be thường xuyên đã sử dụng trung bình 5/12 dịch vụ có sẵn trên Super App.

Về phía đối tác, năm 2024 số tài xế Be tăng 30% so với 2023, đạt mốc 50.000 tài xế đang hoạt động. Trong đó, hơn 95% tài xế xem “chạy Be” là công việc chính, là trụ cột thu nhập chính trong gia đình. Ngoài ra, Be Food cũng đạt mốc hơn 80.000 quán trong năm qua, doanh thu bán hàng của các nhà hàng tăng 15 - 20% mỗi tháng.

Kế hoạch năm 2025, Be cho biết hướng tới Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, Be sẽ tiếp tục ứng dụng AI vào Super App nhằm gia tăng trải nghiệm khách hàng. Song song, Be cũng sẽ mở thêm nhiều dịch vụ mới như: beValet - Thuê tài xế ô tô, beGiúpviệc mở rộng tại Hà Hội từ tháng 4/2025….

Thế trận mới thị trường xe công nghệ 1,05 tỷ USD: Grab bị Xanh SM vượt mặt, Be trung thành với Super App và sự lộ diện của một “tay chơi” đặc biệt- Ảnh 3.

Ảnh: Be tự định vị là SuperApp từ tháng 10/2024.

Grab Việt Nam tiếp tục thay tướng sau khi bị Xanh SM “vượt mặt”

Còn Grab, hãng được biết tiếp tục thu hút khách hàng bằng phân khúc giá rẻ. Tổng hợp từ nhiều báo cáo và đánh giá, nhìn chung Grab (hãng xe công nghệ lớn nhất Đông Nam Á) vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trên thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam, nhưng “ông lớn” này cũng đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ hàng loạt tay chơi chủ chốt của Việt Nam như Be hay Xanh SM.

Riêng mảng taxi, sau nhiều năm liền giữ vững vị thế dẫn đầu, Grab đã bất ngờ bị "soán ngôi" bởi hãng taxi điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong quý 4/2024.

Trước áp lực vươn lên từ đối thủ, Grab mới đây tiếp tục thay tướng cho thị trường Việt Nam. Người được "chọn mặt gửi vàng" để dẫn dắt Grab Việt Nam trong giai đoạn mới là ông Mã Tuấn Trọng, người hiện đang là giám đốc thương mại của Công ty.

Năm 2025, tân CEO cho biết sẽ là năm Grab và các đối tác thương nhân tận dụng các giải pháp công nghệ để cùng tăng trưởng bền vững.

Ứng dụng “đặc biệt” TADA đang dần “lộ diện”

Thế trận mới thị trường xe công nghệ 1,05 tỷ USD: Grab bị Xanh SM vượt mặt, Be trung thành với Super App và sự lộ diện của một “tay chơi” đặc biệt- Ảnh 4.

Ảnh: Ngày càng dễ dàng bắt gặp tài xế TADA tại các tuyến đường trung tâm Tp.HCM.

Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều “tay chơi” kín trong thị trường gọi xe công nghệ, đơn cử TADA - ứng dụng gọi xe đến từ Singapore thuộc sở hữu của MVL Foundation. Năm 2019, TADA gia nhập “sân chơi” Việt Nam với một mô hình đặc biệt - không thu hoa hồng từ tài xế. Thay vào đó, Công ty sử dụng dữ liệu người dùng để phát triển các dịch vụ mới và bán dữ liệu này cho các doanh nghiệp hợp tác, từ đó tạo nguồn thu nhập.

Trên thế giới, TADA cũng được biết đến là ứng dụng gọi xe đầu tiên không thu chiết khấu từ tài xế, hãng tự tin rằng chính sách "phi lợi nhuận" này sẽ giúp hãng phát triển và thu hút được một lượng tài xế đáng kể, nhất khi các đối thủ đều áp dụng mức chiết khấu cao.

Tại Việt Nam, không nổi trội tuy nhiên thành công của TADA là vẫn “sống tốt” trong thị trường khốc liệt hơn 5 năm. Cùng với những ưu đãi cho khách hàng, TADA theo quan sát đang dần “lộ diện” trên đường phố Tp.HCM.

Ngoài dịch vụ gọi xe truyền thống, TADA cũng đã thử nghiệm mở rộng sang mảng giao hàng với tên gọi TADA Delivery tại Tp.HCM từ tháng 5/2020, mức giá được biết khá cạnh tranh khi đồng giá 15.000 đồng cho các đơn nội thành dưới 3 kg.

Hay Bọlt – đầu năm nay thể hiện nhiều động thái sẵn sàng gia nhập Việt Nam. Đơn cử, Bọlt đang ráo riết tuyển nhân sự tại các thành phố lớn (Hà Nội, Tp.HCM), kêu gọi sự hợp tác từ các tài xế. Bọlt cũng là công ty công nghệ “kỳ lân” được định giá lên tới 8 tỷ USD. Hiện tại, nền tảng gọi xe này đã có mặt tại trên 50 quốc gia. Bọlt đã sớm có mặt ở một số thị trường lớn ở Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan (năm 2020) và Malaysia (tháng 11/2024).

Bạn đang đọc bài viết "Thế trận mới thị trường xe công nghệ 1,05 tỷ USD: Grab bị Xanh SM vượt mặt, Be trung thành với Super App và sự lộ diện của một “tay chơi” đặc biệt" tại chuyên mục Doanh nghiệp - Doanh nhân. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com