Theo khảo sát của phóng viên báo , tính đến ngày 6/4, nhiều hộ dân tại TPHCM "bật ngửa" khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 3 tăng vọt so với những tháng trước, thậm chí cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, hàng trăm bình luận và bài đăng liên tục xuất hiện với nội dung "giá điện tăng sốc", kèm theo những bức ảnh hóa đơn điện khiến không ít người phải than trời.
Chị Ngọc Châu (quận 10, TPHCM) nói chị thực sự "phát sốt" khi nhận hóa đơn điện tháng 3 với số tiền hơn 1,5 triệu đồng - cao kỷ lục kể từ khi chị sử dụng điện đến nay. Mức này gấp rưỡi bình quân các tháng trước và tăng tới 61% so với tháng 2.
"Nhà tôi chỉ có 2 máy lạnh, thường mở tầm 2 tiếng buổi trưa và vào buổi tối. Cuối tháng 2, đầu tháng 3 có nắng nóng nên tôi chỉnh máy lạnh xuống 23-24 độ C thay vì 26 độ C như trước. Dù biết sẽ tăng tiền điện nhưng không ngờ lại đột biến như vậy", chị Châu chia sẻ.
Không riêng gì chị Châu, anh Duy Kỳ (quận 8, TPHCM) cũng ngạc nhiên khi hóa đơn tháng 3 của gia đình tăng hơn 40% so với tháng trước. "Gia đình tôi chỉ có 2 người, làm việc cả ngày ở công ty, chỉ dùng điện nhiều vào buổi tối. Không có thiết bị gì mới, chỉ là do thời tiết nóng nên bật điều hòa sớm hơn khoảng 1-2 tiếng. Vậy mà tiền điện nhảy vọt từ 920.000 đồng lên gần 1,3 triệu đồng", anh Lộc cho biết.

Hóa đơn tiền điện tháng 3 tại một hộ dân ở TPHCM bất ngờ tăng cao (Ảnh: Chụp màn hình).
"Ngay cả những tháng cao điểm như Tết Nguyên đán, cả nhà ở nhà suốt, nấu nướng nhiều, dùng điện liên tục mà hóa đơn cũng chỉ nhỉnh hơn 1 triệu đồng. Tháng 3 vừa rồi thì đi làm bình thường, sinh hoạt không có gì đặc biệt mà tiền điện lại tăng vọt", anh Kỳ kể.
Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cho biết, theo số liệu thống kê đến ngày 26/3, sản lượng điện tiêu thụ bình quân mỗi ngày của tháng 3 tại thành phố đã đạt 86,97 triệu kWh, tăng 16,32% (tương đương 12,02 triệu kWh/ngày) so với mức bình quân 74,76 triệu kWh/ngày của tháng 2.
Riêng điện phục vụ sinh hoạt của người dân cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, với sản lượng bình quân ngày đạt 42,64 triệu kWh, tăng 19,81% so với tháng trước. EVNHCMC cho biết nguyên nhân chính là do tháng 3 có 31 ngày và là thời điểm bắt đầu chu kỳ nắng nóng tại khu vực phía Nam.
Trong khi đó, thời tiết trong tháng hầu như không có mưa, nhiệt độ trung bình cao hơn tháng 2 khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị giải nhiệt như máy lạnh tăng mạnh.
EVNHCMC nhận định, theo quy luật thời tiết hằng năm, quý II là giai đoạn cao điểm nắng nóng tại TPHCM, với nền nhiệt thường xuyên dao động ở mức 37-40 độ C, thậm chí có lúc nóng cả vào ban đêm.
Số giờ nắng kéo dài khiến việc sử dụng các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt điện, tủ lạnh… tăng đột biến. Đặc biệt, điều hòa không khí có thể chiếm tới 50% tổng lượng điện tiêu thụ của hộ gia đình trong mùa nóng, nhất là khi nhiệt độ vượt ngưỡng 35⁰C.
Ngoài ra, các thiết bị như tủ lạnh cũng hoạt động với cường độ cao hơn để duy trì hiệu quả làm lạnh, góp phần làm tăng thêm 20-30% lượng điện tiêu thụ so với các tháng còn lại trong năm.
Đơn vị này dự báo, nhu cầu sử dụng điện tại TPHCM trong mùa nắng nóng năm nay sẽ tiếp tục gia tăng so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân đến từ cả yếu tố thời tiết đặc trưng của giai đoạn chuyển mùa, lẫn sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế Thành phố sau dịch.
Dự báo trong tháng 4 và tháng 5 tới - thời điểm được xem là đỉnh nắng nóng - sản lượng điện tiêu thụ tại TPHCM có thể còn sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới.