TP Thủ Đức cần làm gì để dẫn dắt kinh tế TP.HCM?

06/02/2025 16:30

Sau 4 năm thành lập, TP Thủ Đức đang đứng trước ngưỡng cửa mới với việc hình thành trung tâm logistics và trung tâm tài chính quốc tế, định hướng thành nơi dẫn dắt kinh tế TP.HCM.

TP Thủ Đức - thành phố trong thành phố đầu tiên của Việt Nam - chính thức hoạt động từ ngày 1/1/2021 với tổng diện tích hơn 21.000 ha và dân số trên 1,2 triệu người.

Chỉ sau 4 năm, TP Thủ Đức đã "lột xác" hoàn toàn với rất nhiều công trình hạ tầng, bất động sản và dân sinh điểm nhấn.

Nơi đây trở thành cực tăng trưởng mới của TP.HCM với giá trị các ngành thương mại - dịch vụ đạt gần 84.000 tỷ đồng trong năm vừa qua, tăng hơn 13% so với năm 2023 và vượt 3,5% kế hoạch năm.

Sáng nay (6/2), TP Thủ Đức tổ chức hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch chung đến năm 2040 và xúc tiến mời gọi đầu tư - bước đầu tiên trên hành trình mới để trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao, là khu vực dẫn dắt kinh tế TP.HCM, trung tâm tài chính của quốc gia và hướng tới khu vực, quốc tế.

Tham vọng của Việt Nam đặt tại TP Thủ Đức

Một trong những dự án được kỳ vọng nhiều nhất của TP Thủ Đức trong tương lai, động lực lớn nhất để tạo nên sự bứt tốc của đô thị đặc biệt này, chính là phát triển trung tâm tài chính quốc gia, có vai trò quốc tế tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo kế hoạch của Chính phủ, trung tâm tài chính sẽ được thành lập và vận hành ngay trong năm 2025, với cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh, dĩ nhiên kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) đánh giá Thủ Thiêm có lợi thế kết nối trực tiếp với trung tâm tài chính hiện hữu ở quận 1. Nơi đây cũng đang có các cao ốc văn phòng, hiện đã quy tụ nhiều ngân hàng và định chế tài chính lớn của Việt Nam, phù hợp để thu hút các tập đoàn quốc tế.

tp thu duc,  thu thiem anh 1

Khu đô thị mới Thủ Thiêm kết nối trực tiếp với trung tâm quận 1, quy tụ nhiều tập đoàn công nghệ lẫn ngân hàng, định chế tài chính trong và ngoài nước. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tuy nhiên, điểm hạn chế là quỹ đất nhìn chung không còn nhiều. Trừ một số khu đất chờ đấu giá, đa số đất trống hiện cũng đã có dự án chờ gỡ vướng để triển khai.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng việc hình thành trung tâm tài chính hướng đến tầm khu vực, quốc tế đòi hỏi không gian "khổng lồ", được quy hoạch đồng bộ trên tổng diện tích khoảng 100-200 ha, với đầy đủ từ văn phòng cho đến các trung tâm dữ liệu quy mô lớn.

Mặt khác, chi phí bất động sản ở khu đô thị mới Thủ Thiêm những năm qua đều neo cao. Hầu hết tòa nhà văn phòng hiện hữu và tương lai đều thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang, có thể phù hợp với các tập đoàn quốc tế lớn, tuy nhiên gây khó khăn cho nhóm công ty khởi nghiệp và fintech mà mô hình trung tâm tài chính của TP.HCM đang hướng đến.

"Chi phí cao thì rất khó cạnh tranh với các anh lớn như Singapore, Hong Kong, Dubai...", PGS.TS Nguyễn Hữu Huân nhìn nhận.

Do đó, ông đề xuất xây dựng thêm 1-2 "vệ tinh" của trung tâm tài chính Thủ Thiêm, có thể đặt tại Bình Chánh hoặc Cần Giờ - những nơi còn quỹ đất đủ lớn, chi phí vừa phải, trong khi cũng có khả năng kết nối vào trung tâm và các cảng biển. Mô hình này giống trung tâm tài chính ở Tokyo, London.

Trong khi đó, bản thân TP Thủ Đức cần xúc tiến mời gọi đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng mềm, đặc biệt là một hệ sinh thái hoàn chỉnh về fintech với việc phát triển các công nghệ blockchain, AI, big data, cũng như các trung tâm dữ liệu lớn, đáp ứng nhu cầu của cả các tập đoàn lớn lẫn công ty khởi nghiệp.

Muốn làm tốt điều này, TP Thủ Đức cần cùng với TP.HCM và các bộ, ngành xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế và thủ tục, rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục pháp lý đầu tư, bên cạnh các cơ chế đặc thù để hấp dẫn các doanh nghiệp quốc tế.

Song song đó, việc xúc tiến đầu tư cũng nên tập trung vào cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, đặc biệt là với các sân bay và cảng biển. Ông lưu ý không thể có một trung tâm tài chính quốc tế thành công nếu thời gian di chuyển đến sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành quá dài.

Hoàn toàn khả thi nếu có mô hình chuẩn. 2030 cũng có thể xong chứ không cần tới 2040. Quan trọng là thể chế, cơ chế đặc thù

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM)

Theo đồ án Quy hoạch chung TP Thủ Đức, đến năm 2040, TP bước đầu trở thành trung tâm tài chính của quốc gia, hướng tới khu vực, quốc tế. PGS.TS Nguyễn Hữu Huân khẳng định mốc này hoàn toàn khả thi nếu có mô hình chuẩn.

"2030 cũng có thể xong chứ không cần tới 2040. Quan trọng là thể chế, cơ chế đặc thù", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Quy hoạch đã đặt ra yêu cầu TP Thủ Đức phải bảo đảm việc tổ chức không gian đô thị, cung ứng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các dịch vụ tài chính cho nền kinh tế quốc gia.

Đồng thời, TP tiếp tục đầu tư và bổ sung xây dựng mới khu trung tâm dịch vụ thương mại, hội chợ, triển lãm gắn với 11 trọng điểm phát triển của TP, các khu vực đầu mối giao thông công cộng và tại các khu đô thị.

4 trung tâm logistics quy mô hơn 400 ha

Không chỉ dựa trên sức bật từ trung tâm tài chính, TP Thủ Đức còn được quy hoạch phát triển 4 trung tâm logistics tích hợp chức năng cảng cạn tại các khu vực cảng hàng hóa, khu vực tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp, chế xuất với quy mô khoảng 400-450 ha, bao gồm trung tâm logistics Long Bình, trung tâm logistics Cát Lái, trung tâm logistics Linh Trung, trung tâm logistics Khu công nghệ cao.

Đồng thời, TP sẽ xây dựng khu Công viên Khoa học và Công nghệ TP.HCM tại phường Long Phước với quy mô diện tích khoảng 194,8 ha, đồng thời nghiên cứu phát triển chức năng logistics tại đây theo nhu cầu phát triển.

tp thu duc,  thu thiem anh 2

TP.HCM định hướng hình thành trung tâm logistics tầm cỡ khu vực, trong đó xây dựng 4 trung tâm logistics đặt tại TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong một phát biểu tham luận hồi cuối tháng 1 vừa qua, ông Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch - Đầu tư, UBND TP Thủ Đức, nhấn mạnh TP Thủ Đức sở hữu vị trí quan trọng, có khả năng kết nối cao với vùng kinh tế động lực của Đông Nam Bộ bao gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nơi đây còn đang được đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống giao thông để thuận tiện kết nối hợp tác đầu tư với các tỉnh thành lân cận, như tuyến metro số 1, Vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1, Xa lộ Hà Nội, đường Võ Nguyên Giáp và các tuyến giao thông đường thủy có chiều dài bờ sông trên 80 km với 2 con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.

Hiện tại, TP Thủ Đức đã có sẵn cảng và hệ thống logistics để phục vụ công tác xuất nhập khẩu cho một trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn TP Thủ Đức trong năm 2024 đạt trên 394.000 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất của ngành logistics đạt 27.695 tỷ đồng, tăng gần 15% so với 2023 và chỉ đứng sau các ngành sản xuất sản phẩm điện tử.

Trên địa bàn hiện có trên 900 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, với các ngành nghề chủ yếu như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, hoạt động dịch vụ hỗ trợ liên quan đến vận tải, bốc xếp hàng hóa, chuyển phát.

Tính chung từ năm 2020 đến 2024, đã có hơn 27 triệu container hàng hóa được thông quan tại Cát Lái. Hiện cảng đang đảm trách hơn 92% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng ở khu vực phía Nam, chiếm gần 50% sản lượng cả nước và hơn 25% thị phần vận tải biển nội địa. Trung bình mỗi ngày có 16.000-18.000 lượt xe vào cảng Cát Lái, ngày cao điểm hơn 20.000 lượt xe.

"Theo thống kê, mỗi năm cảng Cát Lái thông quan hơn 30.000 lượt doanh nghiệp với hơn 500.000 tờ khai hải quan. Kim ngạch xuất khẩu chỉ riêng cảng Cát Lái đạt 30 tỷ USD, thu ngân sách khoảng 46.000 tỷ đồng, chiếm 35% tổng thu ngân sách của hải quan TP.HCM", ông Nam cho biết.

Với đường hàng không, ông cho rằng TP Thủ Đức cũng sẽ là trung tâm giữa sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành. Đây được xem là điều kiện lý tưởng để hình thành các trung tâm logistics phục vụ vận chuyển hàng hóa đường hàng không.

Xây dựng hệ sinh thái hoàn thiện và mang tính mở bao gồm chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải nội địa, hệ thống kho cho thuê, cảng container và ICD, vận tải hàng hóa đường sắt

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch - Đầu tư, UBND TP Thủ Đức

"Việc xây dựng hệ sinh thái hoàn thiện và mang tính mở bao gồm chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải nội địa, hệ thống kho cho thuê, cảng container và ICD, vận tải hàng hóa đường sắt sẽ giúp nâng cao năng lực vận hành, gia tăng ảnh hưởng của các doanh nghiệp logistics trong nước và đáp ứng yêu cầu của khách hàng và đối tác quốc tế", ông Nam nói về hướng phát triển trung tâm logistics của TP Thủ Đức.

Đến nay, trên địa bàn TP Thủ Đức có trên 68.000 doanh nghiệp đang hoạt động với 869.000 tỷ đồng vốn đầu tư đăng ký. Riêng Khu Công nghệ cao TP.HCM đặt tại đây đang có 162 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực, tổng cộng số vốn đầu tư đạt 12,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, TP cũng được khuyến khích chuyển đổi 4 khu công nghiệp - chế xuất hiện hữu theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.

Trong khuôn khổ hội nghị hôm nay, lãnh đạo UBND TP Thủ Đức giới thiệu danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn, đồng thời trao quyết định chấp thuận chủ trương cho một số nhà đầu tư.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Bạn đang đọc bài viết "TP Thủ Đức cần làm gì để dẫn dắt kinh tế TP.HCM?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com