TPHCM mở rộng cửa đón nhà đầu tư

05/07/2025 16:30

TPHCM đang tích cực thực hiện giải pháp để thu hút nhiều hơn, chất lượng hơn, dòng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước.

TPHCM mở rộng cửa đón nhà đầu tư- Ảnh 1.

Thêm hàng chục ngàn hécta đất phát triển công nghiệp

Sau hợp nhất, TPHCM có 64/67 khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động. Việc hợp nhất mở ra nhiều cơ hội và không gian phát triển cho lĩnh vực công nghiệp, nhất là khi quỹ đất luôn là bài toán khó của TPHCM. Tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp lên tới 45.000ha.

Không chỉ mở rộng không gian, đây cũng là cơ hội để thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng hơn. Tại Bình Dương - thủ phủ công nghiệp với số KCN, KCX chiếm một nửa số lượng của TPHCM mới, 2 dự án KCN Cây Trường và KCN Bàu Bàng mở rộng giai đoạn 2 vừa khởi công là minh chứng sống động cho chiến lược phát triển các KCN sinh thái, thông minh thế hệ mới của Becamex IDC.

Theo chủ đầu tư, cả hai KCN được xây dựng với tiêu chuẩn quốc tế, tích hợp các giải pháp công nghệ số như hệ thống giám sát thông minh, IoT, và quản lý vận hành tự động. Với tổng vốn đầu tư gần 5.500 tỷ đồng, KCN Cây Trường được quy hoạch trên diện tích 700ha, ưu tiên thu hút các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Hai KCN này sẵn sàng đón nhận các dự án FDI chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của địa phương. KCN Bàu Bàng mở rộng giai đoạn 2, bổ sung 380ha quỹ đất sạch liền kề KCN hiện hữu, mang đến hạ tầng đồng bộ và hiện đại, sẵn sàng phục vụ các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp quy mô lớn.

KCN Cây Trường có lợi thế vượt trội về kết nối giao thông nhờ tuyến đường chiến lược Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (10 làn xe) đã đưa vào sử dụng từ năm 2024. Hệ thống đường nội bộ, cấp điện, cấp nước, viễn thông và xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ, đảm bảo môi trường sản xuất an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường. KCN Cây Trường được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều dự án đầu tư chất lượng cao, đồng thời sẵn sàng tiếp đón các doanh nghiệp (DN) đang có nhu cầu di dời nhà máy từ khu vực phía Nam chuyển lên.

Ở phía Bắc, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Tập đoàn Gia Định - chủ đầu tư cụm công nghiệp Tam Lập 2, cho biết sẽ ưu tiên thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có công nghệ sản xuất tiên tiến, giảm phát thải và xây dựng môi trường sản xuất xanh - sạch. Các nhà máy đầu tư tại đây sẽ sử dụng năng lượng tái tạo đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững.

“Cụm công nghiệp sẽ thu hút các DN có cùng định hướng phát triển sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường, áp dụng các công nghệ sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng. Về giá thuê đất để hỗ trợ DN, trong thời gian tới, khi có bảng giá đất từ chính quyền, tập đoàn sẽ hỗ trợ các DN, tạo điều kiện cho các DN di dời ổn định sản xuất”, ông Nguyễn Chí Trung cho biết.

Theo ông Võ Sơn Điền - Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Bình Dương (BASI), trong thời gian tới, BASI sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đào tạo, tư vấn, chuyển đổi số, hỗ trợ tiếp cận các quỹ đổi mới sáng tạo; kết nối với các DN, hiệp hội cả nước. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ một cách bền vững. Việc bổ sung diện tích phát triển công nghiệp sẽ rất có ý nghĩa khi cần triển khai các dự án lớn.

Chẳng hạn, theo Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Lâm Đình Thắng, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm các khu đất để xây dựng trung tâm dữ liệu lớn và siêu lớn. Với các KCN, KCX hiện hữu, tại TPHCM đề án thí điểm chuyển đổi 5 KCX, KCN, gồm Tân Thuận, Tân Bình, Hiệp Phước, Cát Lái, Bình Chiểu sẽ được trình UBND TPHCM trong tháng 7 này. Định hướng chuyển đổi của 5 khu này là phát triển công nghệ cao, sáng tạo, với các tiêu chí thu hút đầu tư mới về công nghệ, ngành nghề, suất đầu tư, lao động, môi trường…

Hợp tác chuyên nghiệp, tăng tính cạnh tranh

Cuối tháng 6-2025, Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB) nhận được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Đất Cuốc mở rộng. Dự án có quy mô hơn 310ha, nâng tổng diện tích KCN Đất Cuốc lên hơn 523ha sau khi hoàn thành với tổng vốn đầu tư trên 4.211 tỷ đồng. Ngoài việc hoàn thiện hạ tầng, KSB cũng cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án từ xúc tiến đầu tư, tư vấn pháp lý đến hỗ trợ thủ tục hành chính.

Cắt giảm thủ tục, thông thoáng đầu tư

Tính đến ngày 30-6-2025, tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài (tính chung cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp) của 3 tỉnh, thành phố trước khi sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính là 4,725 tỷ USD, tăng 32,2% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2024 là 3,575 tỷ USD. Tổng kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài đặt ra trong năm 2025 của thành phố (tính cả 3 tỉnh, thành phố cũ) là khoảng 10,44 tỷ USD. Trong đó, TPHCM dự kiến khoảng 7 tỷ USD; Bình Dương (cũ) khoảng 1,8 tỷ USD; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) khoảng 1,64 tỷ USD.

TPHCM mở rộng cửa đón nhà đầu tư- Ảnh 2.

Cắt giảm thủ tục hành chính luôn là vấn đề được nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Công Vinh, hiện có 22 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư do Sở Tài chính thực hiện. Đến nay, Sở Tài chính đã thực hiện cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với 5/22 thủ tục hành chính này.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm nay, số hồ sơ được cắt giảm 30% thời gian giải quyết là 3.344 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 93,41% tổng số hồ sơ đã tiếp nhận. Trong thời gian cuối năm, sở tập trung cắt giảm thời gian giải quyết hồ sơ, trong đó thủ tục đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư... chỉ trong một ngày làm việc. Các thủ tục cấp lại, hiệu đính thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thành lập văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC... sẽ giảm 30% thời gian giải quyết hồ sơ. Các cơ quan được lấy ý kiến thẩm định sẽ giải quyết trong 7 ngày làm việc. Những giải pháp này góp phần đơn giản hóa 100% thủ tục hành chính lĩnh vực đầu tư. Sở sẽ tham mưu cập nhật lại danh mục dự án thu hút đầu tư, trong đó chú trọng phối hợp các sở, ngành liên quan cụ thể hóa thông tin các tiêu chí đầu tư (đất đai, quy hoạch, hình thức đầu tư…) để phù hợp với nhu cầu tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nhằm thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong khi đó, ông Lê Văn Thinh, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza), cho biết đơn vị này xác định rõ các nhóm nhiệm vụ trọng tâm vừa mang tính kế thừa, vừa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình phát triển KCX, KCN trong giai đoạn tới. Sau khi sắp xếp, Ban Quản lý các KCX và công nghiệp TPHCM phấn đấu đạt tổng vốn thu hút đầu tư kể cả cấp mới và điều chỉnh theo kế hoạch năm nay khoảng 3,73 tỷ USD.

TPHCM tập trung hoàn thiện danh mục dự án thu hút đầu tư để kêu gọi đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên nhà đầu tư chiến lược, trong đó có các dự án trong lĩnh vực cảng trung chuyển quốc tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ...

Thành phố sẽ thúc đẩy các thủ tục triển khai thực hiện các đề án, chương trình lớn như: Đề án Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam; Đề án phát triển kết cấu hạ tầng, nghiên cứu dự án đường ven biển; Đề án đường sắt đô thị; Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; Chương trình phát triển các Trung tâm logistics; Trung tâm Hội chợ - Triển lãm quốc tế; Đề án chống ngập và xử lý nước thải thành phố; Chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030. TPHCM sẽ chủ động chuẩn bị về cơ chế, đất đai, quy hoạch và tháo gỡ vướng mắc để sẵn sàng cho nhà đầu tư tiếp cận các dự án thuộc Danh mục thu hút đầu tư giai đoạn 2024-2025 trên địa bàn, trên cơ sở tận dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.

Bạn đang đọc bài viết "TPHCM mở rộng cửa đón nhà đầu tư" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com