Trong khi nhà đầu tư ngoại 'săn lùng' các chuỗi bệnh viện Việt Nam, ngân hàng rao bán Phụ sản quốc tế Đức Giang 4 lần vẫn ế

30/03/2025 20:16

Trong khi nhà đầu tư ngoại săn lùng các chuỗi bệnh viện, thì Công ty CP Hằng Hà đã gọi được vốn lại có tình hình kinh doanh yếu kém. Khoản nợ lên tới 730 tỷ đồng được thế chấp bằng Bệnh viện Phụ sản quốc tế Đức Giang.

Bệnh viện phụ sản quốc tế 4 lần rao bán không ai mua

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thành Đô (BIDV Thành Đô) tiếp tục đấu giá khoản nợ của CTCP Hằng Hà sau 4 lần bất thành. Thông tin cho biết, tổng dư nợ của Công ty CP Hằng Hà tại BIDV tính đến hết ngày 31/10/2024 là hơn 730 tỷ đồng.

Trong đó, nợ gốc là gần 433,7 tỷ đồng, nợ lãi và phí phạt quá hạn là gần 296,4 tỷ đồng.

Giá khởi điểm của khoản nợ này là 534,4 tỷ đồng - tương đương hơn 70% dư nợ gốc, lãi.

Tài sản được Hằng Hà thế chấp cho khoản vay là khu đất cùng công trình Bệnh viện Phụ sản quốc tế Đức Giang.

Trong khi nhà đầu tư ngoại 'săn lùng' các chuỗi bệnh viện Việt Nam, ngân hàng rao bán Phụ sản quốc tế Đức Giang 4 lần vẫn ế- Ảnh 1.

Ảnh: Google Earth

Dự án Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Đức Giang với quy mô 120 giường, công suất khám 600 lượt/ngày, phục vụ sinh 70 ca/ngày. Công tác điều hành về mặt chuyên môn, nhân sự y tế được các cổ đông thỏa thuận sẽ liên kết với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Bệnh viện này treo biển “Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - Cơ sở Đức Giang”.

Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Đức Giang nằm tại địa chỉ tại số 52 phố Trường Lâm, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội. Đây cũng là địa chỉ của CTCP Hằng Hà.

Công ty CP Hằng Hà được thành lập năm 2004, do ông Trần Hữu Hiệp (SN 1979) làm người đại diện theo pháp luật.

Chủ đầu tư của dự án là CTCP Hằng Hà có vốn điều lệ 70 tỷ đồng, được góp vốn thành lập bởi các cổ đông như Công ty CP tập đoàn đầu tư chăm sóc sức khỏe xuất sắc Việt Nam - VietPrime Healthcare (tiền thân là CTCP Đầu tư Cotec Health Care) góp 51% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà đất Cotec (Cotecland) góp 44% vốn điều lệ; 5% vốn điều lệ từ các nhà đầu tư khác.

Các thương vụ mua bán sáp nhập bệnh viện của các nhà đầu tư nước ngoài

2 năm qua, liên tục các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) bệnh viện, hệ thống y tế trị giá hàng chục triệu USD đã diễn ra.

Tập đoàn y tế Raffles Medical mua phần lớn cổ phần của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ, chủ đầu tư của AIH và tham gia vào các hoạt động quản trị, quản lý vận hành bệnh viện này. Giá trị của bệnh viện được xác định là 45,6 triệu USD.

Trong khi nhà đầu tư ngoại 'săn lùng' các chuỗi bệnh viện Việt Nam, ngân hàng rao bán Phụ sản quốc tế Đức Giang 4 lần vẫn ế- Ảnh 2.

Khoa chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH.

Trước Raffles Medical, Thomson Medical (TMG) cũng thông báo chi 381 triệu USD mua lại 100% cổ phần hệ thống bệnh viện Pháp Việt (bệnh viện FV) và trở thành thương vụ thâu tóm bệnh viện có giá trị lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Hay nhóm nhà đầu tư do GIC đại diện chi 203 triệu USD để nắm cổ phần thiểu số tại VMC Holding - công ty mẹ của Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Tập đoàn đầu tư toàn cầu Kohlberg Kravis Roberts & Co., (KKR) cũng đã trở thành cổ đông lớn nhất của chủ sở hữu chuỗi bệnh viện mắt hàng đầu Việt Nam, Tập đoàn Y khoa Sài Gòn (Medical Saigon Group – MSG)

Còn Chandler Corp, một tập đoàn đầu tư có trụ sở tại Singapore đang nắm tới 80% cổ phần của Y khoa Hoàn Mỹ.

Mới nhất, ngày 10/3/2025, Blooming Earth Pte. Ltd. báo cáo về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn Công ty Cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH (TNH). Cụ thể, Blooming Earth Pte. Ltd. đã nâng tỷ lệ sở hữu tại TNH từ hơn 9,98 triệu cổ phiếu, chiếm 6,92% lên hơn 11,6 triệu cổ phiếu, chiếm 8,05%...

Sở dĩ Việt Nam đang thu hút các khoản đầu tư vào lĩnh vực y tế, vì có thể khai thác nhu cầu đang bùng nổ về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân, mức độ chi tiêu cho y tế tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 9,1%. Quy mô hơn 100 triệu dân với thu nhập và dân trí đang cao lên, tạo ra nhu cầu được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao, được phục vụ tốt ngày một tăng. Ngoài ra, sự phát triển của mô hình du lịch y tế trong thời gian gần đây cũng biến Việt Nam trở thành điểm đến hứa hẹn với các khách hàng trong khu vực như Lào, Myanmar, và Campuchia.

Bạn đang đọc bài viết "Trong khi nhà đầu tư ngoại 'săn lùng' các chuỗi bệnh viện Việt Nam, ngân hàng rao bán Phụ sản quốc tế Đức Giang 4 lần vẫn ế" tại chuyên mục Doanh nghiệp - Doanh nhân. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com