Vinamilk và “ván bài” Mộc Châu Milk

19/04/2025 13:00

Sau gần 5 năm kể từ thương vụ M&A đình đám trong ngành sữa, Mộc Châu Milk đã có những bước tiến đáng kể nhưng vẫn chật vật trước gánh nặng giá vốn và chi phí ngày càng gia tăng.

Phi vụ M&A nghìn tỷ của ngành sữa

Trong báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), dự báo, năm 2019 ngành sữa sẽ tăng trưởng trung bình 5% mỗi năm trong thời gian tới, chậm lại so với các giai đoạn trước.

Giữa bức tranh có phần trầm lắng của ngành sữa, thị trường bất ngờ sôi động với thương vụ thâu tóm hàng nghìn tỷ đồng, đặc biệt khi thương vụ này gắn với cái tên Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk; HoSE: VNM).

Động thái đầu tiên xuất hiện vào tháng 3/2019 khi Vinamilk thông báo về việc chào mua công khai cổ phiếu GTNFoods. Đến tháng 6/2019, Vinamilk đã mua thành công hơn 90 triệu cổ phiếu GTN, thấp hơn so với mục tiêu chào mua hơn 116 triệu cổ phiếu. Sau thương vụ, Vinamilk nâng sở hữu tại GTNFoods lên 38,34% vốn điều lệ. Với mức giá chào mua là 13.000 đồng mỗi cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch mà Vinamilk chi ra vào khoảng 1.171 tỷ đồng.

Vinamilk và “ván bài” Mộc Châu Milk- Ảnh 1.

Năm 2019, Vinamilk đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho thương vụ M&A với Mộc Châu Milk.

Không dừng lại ở đó vào cuối tháng 12/2019, Vinamilk tiếp tục chi ra gần 1.800 tỷ đồng để tăng tỉ lệ sở hữu tại GTNFoods lên 75%. Cũng chính từ đây, Vinamilk đã trở thành công ty mẹ của GTNFoods.

Bên cạnh đó, một bước ngoặt quan trọng diễn ra là sau khi hoàn tất tái cấu trúc vào ngày 31/12/2019, GTNFoods sở hữu đúng 2 công ty con là Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico; UPCoM: VLC) với 74.49% cổ phần và Công ty Cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu (HoSE: MCM) với 37,98% và 3 công ty liên kết so với 8 công ty con và 27 công ty liên kết trước tái cấu trúc. Trong đó, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam chính là công ty mẹ của Mộc Châu Milk.

"Sáp nhập ngược" giữa GTNFoods và Vilico

Sau khi giành quyền chi phối tại GTNFoods, Vinamilk tiếp tục thực hiện bước đi chiến lược tiếp theo bằng việc thúc đẩy thương vụ sáp nhập giữa GTNFoods và Vilico.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của GTNFoods, công ty cho biết sẽ hoán đổi toàn bộ 250 triệu cổ phiếu GTN với Vilico, tương đương 100% cổ phần đang lưu hành của GTNFoods. Tỉ lệ hoán đổi được ấn định là 1 cổ phiếu GTN đổi lấy 0,625 cổ phiếu VLC.

Với mức giá đóng cửa ngày 12/3/2021 là 26.000 đồng/cổ phiếu GTN và 41.100 đồng/cổ phiếu VLC, tỉ lệ hoán đổi này được đánh giá là hợp lý.

Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của GTNFoods, bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT lý giải, ngoài hoạt động đóng góp chính từ Vilico, thì GTNFoods không có hoạt động riêng hiệu quả, nên cần đơn giản cấu trúc, tiết kiệm chi phí và khai thác nguồn nhân lực hiệu quả hơn.

Vinamilk và “ván bài” Mộc Châu Milk- Ảnh 2.
Vinamilk và “ván bài” Mộc Châu Milk- Ảnh 3.

Mối quan hệ giữa Vinamilk, GTNFoods, Vilico và Mộc Châu Milk trước và sau khi M&A.

Sau khi hoàn tất sáp nhập, toàn bộ tài sản và phần vốn góp của GTNFoods tại các đơn vị thành viên như Vinatea, LadoFoods và Vilico sẽ được chuyển giao cho Vilico. Pháp nhân GTNFoods cũng sẽ chấm dứt tồn tại.

Để thực hiện thương vụ, Vilico dự kiến phát hành thêm 156,25 triệu cổ phiếu để hoán đổi cho cổ đông GTNFoods, đồng thời hủy hơn 47 triệu cổ phiếu VLC do GTNFoods đang nắm giữ. Vốn điều lệ sau sáp nhập của Vilico dự kiến tăng lên 1.723 tỷ đồng.

Về phía Vinamilk, thương vụ này không chỉ giúp công ty hợp nhất sở hữu gián tiếp tại các công ty con mà còn nắm quyền chi phối trực tiếp tại Vilico. Sau sáp nhập, Vinamilk dự kiến sẽ sở hữu khoảng 68% cổ phần Vilico.

“Hành trang” lên sàn HoSE của Mộc Châu Milk

Đáng chú ý, Vilico cũng sẽ nâng tỉ lệ sở hữu tại Sữa Mộc Châu từ 32,5% lên 59,3%, cho phép Vinamilk kiểm soát toàn diện chuỗi giá trị của doanh nghiệp sữa chiến lược này. Trước đó, Vinamilk đã chi gần 300 tỷ đồng để mua thêm gần 9% cổ phần Sữa Mộc Châu trong một đợt phát hành riêng lẻ.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, việc sáp nhập GTNFoods vào Vilico, sau đó hủy niêm yết GTNFoods là hợp lý, bởi GTNFoods không trực tiếp tham gia vào bất kỳ ngành nghề kinh doanh cốt lõi nào mà chỉ đóng vai trò là công ty nắm giữ cổ phần.

Chuyên gia của SSI nhận định: "Việc duy trì một công ty mẹ như GTNFoods là không cần thiết". Đồng thời, thương vụ này cũng giúp Vinamilk đơn giản hóa cấu trúc doanh nghiệp, tập trung hơn vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Mộc Châu Milk kinh doanh ra sao sau khi về tay Vinamilk?

Trở lại với Mộc Châu Milk, sau khi chính thức về chung hệ sinh thái với Vinamilk, Mộc Châu Milk đã có nhiều thay đổi đáng chú ý về chiến lược và hoạt động kinh doanh.

Theo đó, một năm sau khi về tay Vinamilk, vào cuối năm 2020, Mộc Châu Milk đã chính thức "đặt chân" lên sàn UPCoM với giá tại phiên giao dịch đầu tiên là 30.000 đồng/cổ phiếu. Tháng 3/2021, Mộc Châu Milk đã hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 1.100 tỷ đồng, quy mô vốn tăng hơn 64% so với trước đó.

Cũng trong khoảng thời gian này, từ năm 2020-2022, Mộc Châu Milk ghi nhận tín hiệu kinh doanh khởi sắc với chiều tăng ở cả doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, doanh thu năm 2022 của công ty chạm mốc 3.133 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 11% so với năm 2021 và 2020.

Đến năm 2023, Mộc Châu Milk ghi nhận doanh thu đạt hơn 3.130 tỷ đồng. Nhờ doanh thu tài chính tăng trưởng tích cực nên sau cùng, Mộc Châu Milk báo lãi sau thuế hơn 423 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2022. Đây cũng là là khoản lãi kỷ lục của doanh nghiệp sản xuất sữa này kể từ khi khi công bố số liệu vào năm 2016.

Đang trong thời kỳ đỉnh cao, Mộc Châu Milk đã chính thức đưa 110 triệu cổ phiếu lên sàn HoSE với giá tham chiếu chào sàn trong ngày giao dịch đầu tiên là 42.800 đồng/cổ phiếu. Tại phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu MCM có giá 44.000 đồng/cổ phiếu.

Vinamilk và “ván bài” Mộc Châu Milk- Ảnh 4.

Diễn biến thị giá cổ phiếu MCM.

Tuy nhiên, dưới áp lực của giá vốn, kết quả kinh doanh năm 2024 của Mộc Châu Milk ghi nhận giảm mạnh. Cụ thể, năm 2024, doanh thu thuần của công ty đạt 2.917 tỷ đồng, giảm 7%. Trong năm, công ty ghi nhận, chi phí tài chính tăng gấp 4 lần lên 1,3 tỷ đồng. Nguyên nhân là do Mộc Châu Milk ghi nhận chi phí lãi vay đạt 1,1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước không ghi nhận.

Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Mộc Châu Milk sụt giảm 40% xuống còn 252 tỷ đồng. Từ đỉnh cao lợi nhuận, chỉ sau một năm, Mộc Châu Milk đã rơi về mức lãi thấp nhất trong 4 năm trở lại đây của công ty.

Dù vậy, ban lãnh đạo vẫn tỏ rõ kỳ vọng phục hồi khi đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 3.159 tỷ đồng và lãi sau thuế 293 tỷ đồng, lần lượt tăng 8,3% và 33,6% so với năm trước. Song, phản ứng của thị trường lại khá dè dặt khi cổ phiếu MCM hiện đã giảm khoảng 37% so với ngày đầu niêm yết trên HoSE, chỉ còn 27.450 đồng/cổ phiếu tại phiên 17/4/2025.

Bạn đang đọc bài viết "Vinamilk và “ván bài” Mộc Châu Milk" tại chuyên mục Chuyển động 24H. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com