![]() |
VN-Index đang đứng trước cơ hội vượt đỉnh lịch sử sau hơn 3 năm biến động. Ảnh: Nam Khánh. |
Sự hưng phấn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 10/7. Dù có dấu hiệu rung lắc nhẹ đầu phiên, VN-Index vẫn vững đà đi lên dưới sự dẫn dắt của dòng tiền nhập cuộc.
Bất chấp xu hướng chốt lời từ phe bán, biên độ tăng điểm 2 con số vẫn được phe mua duy trì xuyên suốt phiên giao dịch. Xu hướng này tạo điều kiện để VN-Index tiếp tục leo lên mức cao.
Kết phiên, VN-Index tăng 14,32 điểm (+1%) lên mốc 1.445,64 điểm. Hiện VN-Index chỉ cách mốc cao nhất mọi thời đại thiết lập vào tháng 1/2022 gần 100 điểm.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,1%) xuống 238,44 điểm; UPCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,2%) xuống 102,28 điểm.
Dù thu hẹp 11.000 tỷ đồng so với hôm qua, thanh khoản trên cả 3 sàn vẫn neo ở mức lớn, đạt 30.400 tỷ đồng, cho thấy tâm lý lạc quan của giới đầu tư.
Bảng điện tử tiếp tục nằm dưới sự thống trị của sắc xanh. Toàn thị trường ghi nhận tổng cộng 478 mã tăng (gồm 36 mã tăng trần), 827 mã giữ tham chiếu và 299 mã giảm (gồm 6 mã giảm sàn).
Trong đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp 21 mã tăng, 2 mã đứng giá và 7 mã điều chỉnh. Sự chênh lệch giữa các biên độ tăng - giảm giúp chỉ số đại diện rổ tăng hơn 26 điểm và tiến lên mốc 1.569 điểm.
![]() |
VN-Index đã tăng 5 phiên liên tiếp. Ảnh: TradingView. |
Với biên độ tăng kịch trần, cổ phiếu VIC của Vingroup dẫn đầu nhóm kéo VN-Index đi lên hôm nay. Hiện cổ phiếu VIC đang giữ ở mốc 101.600 đồng/đơn vị, cao nhất trong vòng 3,5 năm qua.
Đà tăng giá của VIC đã giúp khối tài sản dựa trên cổ phiếu của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng “phình to” đáng kể. Với 449,9 triệu cổ phiếu nắm giữ trực tiếp, tương ứng tỷ lệ sở hữu 11,6% vốn tập đoàn, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng gần 3.000 tỷ đồng trong phiên hôm nay và mở rộng lên mức 45.600 tỷ đồng.
Trong khi đó, các cổ phiếu “cùng họ” là VHM (+5,1%) của Vinhomes và VRE (+6,2%) của Vincom Retail cũng không chịu thua. Tổng cộng, 3 cổ phiếu “họ Vin” đóng góp hơn 11 điểm tăng vào chỉ số chính.
Bên cạnh đó, nhóm dẫn dắt thị trường còn có sự xuất hiện của HPG (+1,6%), MSN (+1,5%), FPT (+0,9%), BSR (+2,7%), SHB (+2,5%), VJC (+2,1%) và GVR (+0,8%).
Chiều ngược lại, áp lực tác động lên chỉ số chủ yếu đến từ các mã VNM (-0,8%), MBB (-0,6%), VCB (-0,2%), VPL (-0,4%), TCB (-0,3%), HVN (-0,8%), FRT (-1,7%), VND (-1,4%), STB (-0,3%) và KBC (-1,3%).
Khối ngoại vẫn mạnh tay gom hàng phiên thứ 7 liên tiếp với quy mô ròng gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, chiếm hơn 50% quy mô mua ròng là SSI (+557 tỷ đồng), phần còn lại là VPB (+156 tỷ đồng), SHB (+145 tỷ đồng).
Mặt khác, HPG bị chốt lời 372 tỷ đồng, CTG (-56 tỷ đồng), VCG (-44 tỷ đồng).
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.