Các nhà môi giới chứng khoán 'rơi' hàng chục tỷ đồng lợi nhuận

18/10/2024 16:30

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động kém tích cực trong quý III, qua đó ảnh hưởng mạnh đến tình hình kinh doanh của các công ty chứng khoán.

Các công ty chứng khoán kinh doanh kém sắc trong quý III. Ảnh: Duy Hiệu.

Sau quý II khởi sắc, kết quả kinh doanh quý III của nhiều công ty chứng khoán bắt đầu "dậm chân tại chỗ", thậm chí giảm mạnh so với cùng kỳ lẫn quý trước.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục rung lắc, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư kéo thanh khoản xuống thấp, nguồn thu từ các hoạt động cốt lõi như môi giới chứng khoán, tự doanh hay cho vay margin của các công ty đều đi lùi.

Trong tháng 9, tháng cuối cùng của quý III, thị trường cũng chỉ có thêm hơn 158.500 tài khoản giao dịch mở mới của các nhà đầu tư, giảm tới 52% so với tháng trước đó.

Lợi nhuận giảm 2 con số

Trong quý gần nhất, CTCP Chứng khoán FPT - FPTS (HoSE: FTS) ghi nhận doanh thu hoạt động giảm 31% so với cùng kỳ năm 2023 xuống còn 225 tỷ đồng.

Dù lãi từ hoạt động cho vay tăng 33%, mang về 153 tỷ đồng, nguồn thu từ mảng tự doanh và môi giới chứng khoán của FPTS lại giảm mạnh lần lượt 97% và 43%.

Mặt khác, chi phí hoạt động từ các nghiệp vụ lại tăng hơn 7% khiến lãi ròng sau thuế quý III của nhà môi giới chứng khoán này chỉ đạt gần 81 tỷ đồng, giảm 56%.

Lý giải nguyên nhân khiến tình hình kinh doanh suy yếu, ban lãnh đạo FPTS cho biết thanh khoản thị trường quý III tương đối thấp. Bên cạnh đó, công ty cũng phải áp dụng nhiều chính sách miễn giảm phí giao dịch và lãi vay ký quỹ để thu hút khách hàng.

Đà suy giảm lợi nhuận quý III đã khiến lãi sau thuế lũy kế 9 tháng từ đầu năm của FPTS chỉ tăng nhẹ 1% đạt 407 tỷ đồng.

LỢI NHUẬN FPTS LAO DỐC QUÝ III
Kết quả kinh doanh hàng quý của FPTS; Nguồn: BCTC DN.
NhãnI/2023IIIIIIVI/2024IIIII
Doanh thu hoạt động Tỷ đồng 178260325182299305225
Lợi nhuận sau thuế
791401844216716081

Tương tự, CTCP Chứng khoán Rồng Việt - VDSC (HoSE: VDS) cũng ghi nhận doanh thu hoạt động quý III đạt 219 tỷ đồng, giảm 11%. Bất chấp nguồn thu từ mảng tự doanh và cho vay ký quỹ tăng 2 con số, việc doanh thu từ nghiệp vụ môi giới giảm tới 58% khiến tổng doanh thu của VDSC bị ảnh hưởng đáng kể.

Tình trạng này cũng khiến lợi nhuận sau thuế của VDSC giảm 19% còn gần 75 tỷ đồng.

Dẫu vậy, nhờ kết quả tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm, lợi nhuận ròng sau 9 tháng của nhà môi giới này vẫn tăng 21% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch cả năm hơn 6%, đạt 306 tỷ đồng.

Chuyển từ lãi sang lỗ

Trong quý III, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam - KBSV ghi nhận doanh thu hoạt động giảm 38% so với cùng kỳ, xuống còn 224 tỷ đồng.

Nhà môi giới này đánh giá thị trường chứng khoán giao dịch tương đối ảm đạm trong quý III với khối lượng lẫn giá trị giao dịch ở mức thấp. Do đó, nguồn thu từ nghiệp vụ môi giới lẫn tự doanh đều giảm.

Trong kỳ, dù đã tiết giảm chi phí hoạt động 27%, chi phí quản lý doanh nghiệp tại KBSV lại tăng cao do công ty đầu tư vào công nghệ thông tin, quảng cáo và truyền thông cho các ứng dụng giao dịch mới.

kqkd cong ty chung khoan,  moi gioi chung khoan,  chung khoan rong viet,  chung khoan fpt anh 1

Nhiều nhà môi giới chứng khoán đã ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực trong quý III. Ảnh: Việt Linh.

Sau khi khấu trừ các loại chi phí và thuế, KBSV báo lãi sau thuế gần 49 tỷ đồng quý III, giảm 25% so với cùng kỳ. Kết quả này cũng khiến lợi nhuận ròng lũy kế từ đầu năm thu hẹp 5% xuống 177 tỷ đồng.

CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng có quý kinh doanh doanh kém sắc với doanh thu hoạt động giảm 7% xuống 151 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 30% còn gần 28 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhờ kết quả 6 tháng tăng cao trước đó, doanh thu hoạt động của Yuanta sau 3 quý vẫn tăng 12%. Lợi nhuận sau thuế cũng nhỉnh hơn cùng kỳ 10%, đạt 124 tỷ đồng.

Quý vừa rồi, thị trường còn chứng kiến nhiều công ty chứng khoán quy mô nhỏ báo lỗ. Điển hình như CTCP Chứng khoán Everest (HNX: EVS) lỗ ròng 28 tỷ đồng dù cùng kỳ vẫn lãi 58 tỷ đồng. Đây là mức lỗ cao nhất hơn 1 năm qua và cũng là mức lỗ cao nhất trong ngành chứng khoán tính đến nay.

Theo lý giải của doanh nghiệp, việc giá cổ phiếu trong danh mục đầu tư giảm mạnh đã làm tăng chi phí đánh giá lại danh mục đầu tư của EVS, dẫn tới kết quả thua lỗ trong kỳ.

Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của nhà môi giới này mới đạt vỏn vẹn 4 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ.

Ngoài EVS, nhiều nhà môi giới chứng khoán quy mô nhỏ cũng ghi nhận thua lỗ quý III như Chứng khoán Stanley Brothers (-6 tỷ đồng), Chứng khoán CV (-10 tỷ đồng), Chứng khoán Asean (-17 tỷ đồng), Chứng khoán Phú Hưng (-13 tỷ đồng)...

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bạn đang đọc bài viết "Các nhà môi giới chứng khoán 'rơi' hàng chục tỷ đồng lợi nhuận" tại chuyên mục Tài chính. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com