Bộ Xây dựng vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NƠXH). Nghị quyết này dự kiến thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Bộ Xây dựng đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia. Ảnh: Doãn Thành
Theo Bộ Xây dựng, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 657 dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô 597.152 căn.
Trong đó có 103 dự án dự án hoàn thành với quy mô 66.755 căn; 140 dự án dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 124.352 căn; 414 dự án dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 406.045 căn.
Như vậy, với số lượng 66.755 căn hộ hoàn thành, đến nay mới đạt khoảng 15,6% mục tiêu của Đề án đến năm 2025.
Mặc dù đã đạt một số kết quả quan trọng, tuy nhiên việc phát triển NƠXH vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa có Quỹ tài chính để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án NƠXH.
Bên cạnh đó, hiện nay một số dự án NƠXH còn vướng mắc trong việc bố trí kinh phí để giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hỗ trợ với các dự án NƠXH cho thuê, thuê mua; hỗ trợ lãi suất cho vay không yêu cầu thế chấp.
Căn cứ quy định pháp luật và thực tiễn nêu trên, cần thiết phải thành lập "Quỹ phát triển NƠXH quốc gia" từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác để giải quyết các vướng mắc nêu trên, đồng thời tạo nguồn vốn bền vững, dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội.
Theo dự thảo, Quỹ phát triển NƠXH quốc gia là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước do Chính phủ thành lập. Nguồn tài chính hình thành Quỹ từ: Nguồn ngân sách nhà nước; nguồn thu từ đóng tiền tương đương quỹ đất 20% đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật; nguồn thu từ việc bán, cho thuê nhà ở thuộc tài sản công và nguồn thu hợp pháp khác.
Các nội dung chi bao gồm: Chi hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng; chi đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo quỹ đất; chi cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi; chi đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng NƠXH; chi quản lý, vận hành, cải tạo, sửa chữa NƠXH thuộc tài sản công; chi hoạt động và các khoản chi khác.
Đề xuất thí điểm giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầuVẫn theo Bộ Xây dựng, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH còn phức tạp, kéo dài thời gian.
Hiện nay, việc thực hiện lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH được thực hiện theo quy định tại Điều 84 Luật Nhà ở 2023, với các hình thức: Giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trực tiếp đầu tư xây dựng NƠXH (đối với quỹ đất 20% trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại). Được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư làm chủ đầu tư khi có quyền sử dụng đất. Được chấp thuận làm chủ đầu tư khi chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Đấu thầu đối với trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm.
Quy định tại Điều 84 Luật Nhà ở 2023, trường hợp có 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm thì phải thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Bộ Xây dựng cho biết theo quy định của pháp luật thì dự án NƠXH được miễn tiền sử dụng đất, nhà nước quy định tỉ lệ lợi nhuận định mức của nhà đầu tư, nhà nước duyệt giá thành xây dựng, duyệt thẩm định giá bán và phê duyệt đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Do đó, việc đấu thầu chỉ làm kéo dài thời gian thực hiện dự án mà không đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội, thậm chí là gây lãng phí nguồn lực đất đai do chậm được đưa vào sử dụng.
Trong quá trình tổ chức các hội nghị về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã ghi nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phát triển NƠXH.
Theo doanh nghiệp phản ánh, hiện nay quy định về trình tự thủ tục, thời gian để phát triển một dự án NƠXH là khá lớn. Theo ước tính, trong trường hợp dự án NƠXH đã có quy hoạch xây dựng được duyệt, đã có chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và được đưa và danh mục, kế hoạch sử dụng đất của địa phương thì thời gian thực hiện theo tuần tự từ bước chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi lựa chọn, ký kết được hợp đồng dự án với nhà đầu tư là khoảng gần 300 ngày.
Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng NƠXH, hoàn thành mục tiêu Đề án 1 triệu căn hộ NƠXH, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư như đề xuất tại dự thảo Nghị quyết.
Theo đó, dự kiến việc thực hiện giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu sẽ cắt giảm được thời gian thực hiện thủ tục hành chính (cắt giảm khoảng 200 ngày đến 241 ngày, tương ứng từ 70% - 100% thời gian thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư) so với quy định hiện hành.
Nhằm rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng NƠXH, Bộ Xây dựng đề xuất bỏ bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết; bỏ thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của cơ quan chuyên môn về xây dựng và lồng ghép nội dung thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi vào thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở hoặc cấp giấy phép xây dựng.
Để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, cần thiết có chính sách cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp được thuê NƠXH của các chủ đầu tư để cho người lao động của mình ở, yên tâm làm việc.