Cười quá trớn ngày Cá tháng Tư, thương hiệu lớn ăn trái đắng

02/04/2025 00:30

() - Những trò đùa Cá tháng Tư tưởng như vô hại, nhưng đôi khi lại khiến chính thương hiệu trở thành nạn nhân. Từ Elon Musk đến Google, nhiều công ty đã "ăn trái đắng" vì những màn đùa cợt đi quá giới hạn.

Những trò đùa ngày Cá tháng Tư luôn mang lại tiếng cười nhưng đôi khi chính người đùa lại trở thành tâm điểm của sự chế giễu. Một số công ty đã nhận ra rằng những trò nghịch ngợm tưởng như vô hại của họ không những không gây thích thú mà còn làm tổn hại đến thương hiệu.

Hãy cùng điểm qua những "tai nạn nghề nghiệp" nhớ đời trong "ngày nói dối" này.

Khi "vua hài" Elon Musk tự "bóp cổ" Tesla

Tháng 3/2018 là một cơn ác mộng đối với Tesla. Cổ phiếu tụt dốc không phanh, nhà máy sản xuất gặp vấn đề, xe bị thu hồi, hạ bậc tín dụng, kiện tụng tốn kém và tranh cãi với cơ quan an toàn liên bang. Trong bối cảnh đó, Elon Musk lại "thêm dầu vào lửa" bằng một trò đùa ngày Cá tháng Tư vô duyên.

Ngày 1/4/2018, tỷ phú Elon Musk tuyên bố Tesla "hoàn toàn và triệt để phá sản" trên Twitter. Ông còn hài hước thêm rằng dù đã bán trứng Phục sinh để cứu vãn tình hình, Tesla vẫn phải nộp đơn phá sản theo "Chương 14 rưỡi (điều khoản tệ nhất)".

Thay vì tiếng cười, trò đùa này khiến các nhà đầu tư "tái mặt". Cổ phiếu Tesla tiếp tục giảm thêm 5%, và giới chuyên gia đặt dấu hỏi về năng lực lãnh đạo của Musk. Trong cơn khủng hoảng, một trò đùa như vậy chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ và cho thấy sự thiếu nghiêm túc của CEO một công ty trị giá hàng tỷ đô la.

Bài học rút ra là hài hước đúng lúc, đúng chỗ, nếu không sẽ gây hậu quả. 

Cười quá trớn ngày Cá tháng Tư, thương hiệu lớn ăn trái đắng - 1

Elon Musk từng tham gia vào trò đùa ngày Cá tháng Tư và phải trả giá đắt cho sự "hài hước vô duyên" này (Ảnh: Getty)

"Giải thưởng hụt" biến đài phát thanh thành bị cáo

Đôi khi, trò đùa Cá tháng Tư lại kéo theo rắc rối pháp lý thực sự. Năm 2005, đài phát thanh KBDS-FM ở Bakersfield (California, Mỹ) hứa trao một chiếc Hummer mới cho người đoán đúng số dặm mà chiếc Hummer H2 của họ chạy. Shannon Castillo là một trong 2 người đoán chính xác con số 103,9 dặm.

Castillo đã thuê người trông con và đến trụ sở KBDS từ sáng sớm để nhận giải. Nhưng thay vì chiếc xe trị giá 60.000 đôla, cô chỉ nhận được một chiếc xe tải đồ chơi. Quá bức xúc, Castillo kiện đài phát thanh đòi bồi thường đúng bằng giá trị chiếc xe thật.

Vụ việc này cho thấy rằng hứa hẹn rồi "bùng" trong ngày Cá tháng Tư có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng.

Hooters "tặng" Yoda thay vì Toyota: Cái giá của sự hài hước lố bịch

Một nữ bồi bàn tại nhà hàng Hooters ở Panama City (Florida, Mỹ) đã vô cùng phấn khích khi biết mình giành giải thưởng lớn trong cuộc thi của công ty, là một chiếc Toyota mới. Nhưng khi bị bịt mắt dẫn ra bãi đỗ xe, cô chỉ nhận được một bức tượng Yoda kèm thanh kiếm ánh sáng - một trò đùa Cá tháng Tư "hết sức vô duyên".

Quá thất vọng, Jodee Berry nghỉ việc và kiện công ty mẹ của Hooters với cáo buộc lừa đảo và vi phạm hợp đồng. Vụ kiện được dàn xếp vào năm 2002 với một khoản tiền không được tiết lộ.

Bài học ở đây là đừng đùa với niềm tin và hy vọng của người khác, đặc biệt là khi nó liên quan đến những giải thưởng có giá trị lớn.

Google "tự vả": Bài học đắt giá về trò đùa phản cảm

Google cũng từng "nếm trái đắng" khi tung ra tính năng Mic Drop cho Gmail vào ngày Cá tháng Tư năm 2016. Tính năng này chèn ảnh GIF một nhân vật Minion ném micro xuống đất vào cuối email, với mục đích giúp người dùng "có lời kết hoàn hảo".

Tuy nhiên, một lỗi lập trình khiến tính năng này xuất hiện một cách bừa bãi, khiến nhiều người dùng muốn độn thổ. Google đã phải xin lỗi công khai và thừa nhận rằng trò đùa này "đi quá xa và gây thất vọng".

Rõ ràng, không phải trò đùa nào cũng phù hợp với mọi đối tượng và hoàn cảnh.

Cá tháng Tư: Con dao hai lưỡi cho doanh nghiệp

Ngày Cá tháng Tư mang đến cơ hội độc đáo để các thương hiệu kết nối với khách hàng một cách vui vẻ và sáng tạo. Tuy nhiên, những câu chuyện trên cho thấy rằng, nếu không cẩn thận, trò đùa có thể phản tác dụng và gây tổn hại đến uy tín của công ty. Vậy, làm thế nào để tận dụng ngày Cá tháng Tư một cách hiệu quả?

Hiểu rõ đối tượng mục tiêu: Trò đùa phải phù hợp với sở thích và gu thẩm mỹ của khách hàng.

Đừng đi quá giới hạn: Tránh những trò đùa gây hiểu lầm, xúc phạm hoặc gây tổn hại về vật chất và tinh thần.

Chuẩn bị cho mọi tình huống: Lường trước những phản ứng tiêu cực có thể xảy ra và có kế hoạch xử lý phù hợp.

Biến trò đùa thành cơ hội: Sử dụng sự kiện này để quảng bá sản phẩm, dịch vụ hoặc thương hiệu một cách sáng tạo và hài hước.

Năm nay, nhiều thương hiệu đã tung ra những trò đùa Cá tháng Tư đáng chú ý, từ tiểu thuyết lãng mạn về thịt bò của Omaha Steaks đến kem vị cà ri khó đỡ của Deep Indian Kitchen.

Bạn đang đọc bài viết "Cười quá trớn ngày Cá tháng Tư, thương hiệu lớn ăn trái đắng" tại chuyên mục Xu hướng - Tiêu dùng. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com