Đề xuất xem lại cách gọi tên "nhà ở giá rẻ"

03/04/2025 20:30

Theo góc nhìn của ông Phạm Lâm, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Trưởng Đại diện tại TP.HCM, có lẽ chúng ta nên cân nhắc lại cách đặt tên “nhà ở giá rẻ”, bởi cụm từ này không thực sự hấp dẫn và thậm chí có thể làm giảm động lực sở hữu nhà.

Tại tọa đàm "Bất động sản 2025 - Nhà ở cho người trẻ" diễn ra sáng ngày 3/4 do báo Người lao động tổ chức, ông Phạm Lâm, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Trưởng Đại diện tại TP.HCM cho rằng, quyền sở hữu bất động sản là một điều quan trọng đối với mỗi người, và tên gọi cũng cần phản ánh được giá trị của loại hình nhà ở này. Vì vậy, nên có quy định hoặc định hướng cụ thể hơn về cách gọi phù hợp, ví dụ như "nhà ở phù hợp tài chính" hay "nhà ở tiếp cận được". Bên cạnh đó, khi bàn đến đối tượng thụ hưởng, thiết nghĩ không nên chỉ giới hạn ở “người trẻ”, vì đây là một khái niệm có nhiều cách hiểu khác nhau và thiếu tính bao quát.

Ông Lâm cho rằng, quan trọng hơn, chính sách nên hướng đến nhóm “người chưa có nhà ở” – đây là tiêu chí khách quan, rõ ràng và phù hợp với thực tế hơn. Như vậy, các chính sách hỗ trợ sẽ thực sự đi đúng đối tượng, thay vì chỉ dựa vào yếu tố độ tuổi.

"Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề tiếp cận nguồn vốn và lãi suất vay. Hành trình sở hữu nhà của mỗi người thường trải qua các giai đoạn: thuê nhà – mua căn nhà đầu tiên – rồi mới nâng cấp lên căn nhà thứ hai. Cá nhân tôi cũng từng trải qua quá trình đó: là sinh viên thì ở trọ, sau khi tốt nghiệp thì tiếp tục thuê nhà, tích lũy tài chính, rồi mới có điều kiện để mua căn nhà đầu tiên.

Với người trẻ, không nhất thiết phải đặt mục tiêu sở hữu nhà ngay từ đầu. Việc thuê nhà trong thời gian đầu lập nghiệp là hoàn toàn hợp lý, giúp họ có thời gian ổn định tài chính, tích lũy kinh nghiệm trước khi bước vào giai đoạn sở hữu bất động sản. Thực tế cho thấy, với mặt bằng giá hiện nay, việc mua nhà tại TP.HCM đối với phần lớn người trẻ là một bài toán khó", ông Lâm nói.

Về giải pháp phát triển nhà ở, ông Lâm cho rằng có thể tính đến việc quy hoạch các khu vực cách trung tâm thành phố khoảng 30–40km, đi kèm với đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng thuận tiện, để người dân có thể dễ dàng di chuyển. Khi đó, người trẻ vẫn có thể làm việc ở trung tâm nhưng sinh sống tại những khu vực có chi phí sinh hoạt hợp lý hơn, mà vẫn đảm bảo chất lượng sống.

Ngoài ra, cần có tiêu chí rõ ràng và minh bạch để xác định ai đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, ai được hưởng chính sách ưu đãi. Chẳng hạn, những người đóng thuế đầy đủ, nghiêm túc trong nhiều năm có thể được xem xét ưu tiên.

Đồng thời, cần có cơ chế giám sát và quy định chặt chẽ để tránh tình trạng trục lợi chính sách, bảo đảm công bằng trong tiếp cận nhà ở cho các đối tượng thực sự cần.

Tất nhiên, đây là một quá trình dài hạn, không thể giải quyết triệt để trong ngày một ngày hai. Nhưng với một lộ trình rõ ràng, những chính sách sát thực tế, minh bạch và hướng đến đúng đối tượng, chúng ta hoàn toàn có thể từng bước tháo gỡ những khó khăn hiện tại, hướng tới một chính sách nhà ở thực sự hiệu quả và bền vững cho người dân.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng cho biết, việc tiếp cận quỹ nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế, do nguồn cung trong thời gian qua — về số lượng dự án, căn hộ được đầu tư xây dựng và hoàn thành để bán, cho thuê hoặc thuê mua — vẫn chưa nhiều. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội cho các đối tượng thuộc diện thụ hưởng lại rất lớn so với nguồn cung hiện tại.

Rõ ràng, với nhu cầu cao như vậy, khả năng tiếp cận của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc phát triển nhà ở xã hội đang được triển khai quyết liệt nhằm gia tăng nguồn cung, từng bước đáp ứng nhu cầu thực tế của người thu nhập thấp, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang.

Trong thời gian tới, nhiều dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM, Hà Nội và các đô thị lớn sẽ tiếp tục được triển khai. Chúng tôi kỳ vọng nhiều dự án sẽ sớm hoàn thành để phục vụ người dân. Bên cạnh đó, với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, nhu cầu về nhà ở xã hội sẽ từng bước được đáp ứng tốt hơn trong thời gian tới.

Để đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, bên cạnh các chính sách ưu đãi, ông Dũng cho rằng rất cần có nguồn vốn hỗ trợ ổn định. Hiện nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang được triển khai. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở, hướng đến việc phát triển nhà ở giá rẻ một cách bền vững.

Bộ Xây dựng hiện đang nghiên cứu và chuẩn bị trình Chính phủ, để tiếp tục trình Quốc hội một nghị quyết thí điểm về chính sách nhà ở xã hội, trong đó có nhiều ưu đãi hơn về thủ tục đầu tư, lãi suất vay cũng như mở rộng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, các quy trình liên quan sẽ được rút ngắn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người trẻ. Trong thời gian qua và sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đoàn công tác nhằm đôn đốc việc triển khai các dự án tại địa phương.

"Riêng đối với nhóm lao động trẻ tại các đô thị, đây là đối tượng cần được ưu tiên. Họ thường gặp khó khăn do tay nghề còn hạn chế, thu nhập thấp và thời gian tích lũy chưa nhiều, khiến việc mua nhà theo cơ chế thị trường gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, lao động trẻ cũng có lợi thế về khả năng phát triển nghề nghiệp và gia tăng thu nhập trong tương lai. Do đó, việc hỗ trợ nhóm này không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn góp phần giải quyết bài toán nhà ở một cách lâu dài và bền vững", ông Dũng chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết "Đề xuất xem lại cách gọi tên "nhà ở giá rẻ"" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com