
Với mục tiêu tạo ra một trục giao thông đồng bộ, hiện đại về hạ tầng và giảm ùn tắc tại khu vực phía Tây nam thành phố, năm 2012, Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội đã thông xe đường Vành đai 3 trên cao - hoàn thiện đường Vành đai 3 đoạn Pháp Vân - Mai Dịch theo quy hoạch. Ảnh chụp năm 2012.

Tuy nhiên, sau khi tuyến đường được đưa vào sử dụng, lượng xe trên tuyến đường liên tục tăng cao, trung bình mỗi năm tăng trên 70%, dẫn đến tuyến đường luôn quá tải, ùn tắc. Theo số liệu đếm xe của Sở GTVT Hà Nội - nay là Sở Xây dựng trong các năm 2020 - 2022, lượng xe ở đường Vành đai 3 trên cao đã vượt 8 lần so với năng lực thiết kế mặt đường.

Cụ thể, theo năng lực thiết kế để xây dựng tuyến đường Vành đai 3 trên cao, mỗi ngày tuyến đường sẽ đảm nhiệm tối đa 15.000 xe ô tô (quy đổi theo công thức đếm xe tiêu chuẩn), nhưng ở thời điểm đếm xe trên, các đơn vị tư vấn đã ghi nhận đến 120.000 xe/ngày đêm - quá tải vượt khoảng 8 lần.

Do ở trên cao và nhiều km mới có một điểm kết nối lên xuống, nên khi đường trên cao bị ùn tắc kéo dài, xe chỉ biết đứng yên một chỗ.


Hiện các khu vực thường xảy ra ùn tắc nhiều nhất, kể cả ngày và đêm là đường trên cao Vành đai 3 qua nút giao Pháp Vân, nút giao Thanh Xuân, nút giao Trung Hòa....

Trong sáng 31/3, ùn tắc ở đường trên cao diễn ra từ 7h đến 10h theo chiều cầu Thanh Trì - Mai Dịch, phạm vi ùn tắc diễn ra từ nút Pháp Vân đến nút Trung Hòa dài hơn 8 km. Với tình trạng ùn tắc triền miên, khiến tuyến đường Vành đai 3 thành "Vành đai đỏ".

Cùng với cải tạo, sửa chữa hạ tầng; tổ chức, điều tiết lại giao thông, thành phố Hà Nội cũng đang cho các đơn vị chuyên môn hoàn thành sớm các tuyến đường vành đai vệ tinh như Vành đai 4, Vành đai 3,5, Vành đai 2,5 để giảm tải lưu lượng xe, giảm ùn tắc cho đường Vành đai 3, trong đó có đường trên cao. Sở Xây dựng Hà Nội cũng đang tính đến phương án giảm mật độ xe tải, xe khách trong giờ cao điểm ở đường Vành đai 3 trên cao...