Hàng trăm "tàu bóng tối" Nga bị trừng phạt, nguồn thu tỷ USD có ảnh hưởng?

24/07/2025 00:02

() - Anh công bố các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào mạng lưới vận chuyển dầu của Nga. Nguồn thu tỷ USD của Moscow liệu có bị ảnh hưởng?

Bộ Ngoại giao Anh vừa thông báo áp trừng phạt với 135 tàu trong đội tàu bóng tối của Nga. Mục đích là khiến nguồn thu của Moscow suy giảm. Bộ Ngoại giao nước này đang thực hiện chiến dịch siết hoạt động của đội tàu vận chuyển trái phép lượng hàng hóa trị giá 24 tỷ USD kể từ đầu năm 2024.

"Đội tàu bóng tối" là thuật ngữ của phương Tây với các tàu mà họ cho rằng Nga đã sử dụng để lách lệnh trừng phạt. Các tàu này được quản lý thông qua mạng lưới công ty bình phong để che giấu quyền sở hữu. Các chuyên gia an ninh cho biết đội tàu gồm chủ yếu là tàu cũ.

Quyết định hạ trần giá dầu nằm trong gói trừng phạt thứ 18 với Nga được EU thông qua hôm 18/7. Khối này còn cấm các giao dịch liên quan đến đường ống Nord Stream giữa Nga và Đức. Nhà máy lọc dầu của tập đoàn năng lượng Rosneft của Nga tại Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng.

Đến nay, hàng trăm tàu đã bị Liên minh châu Âu (EU) và Anh trừng phạt kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine tháng 2/2022.

"Các lệnh trừng phạt mới sẽ làm tan rã đội tàu bóng tối và rút cạn nguồn thu chủ chốt từ dầu mỏ của Nga. Khi Tổng thống Vladimir Putin vẫn né tránh và trì hoãn các cuộc đàm phán hòa bình, chúng tôi sẽ không đứng yên", ông David Lammy, Ngoại trưởng Anh, chia sẻ với báo chí.

Hàng trăm tàu bóng tối Nga bị trừng phạt, nguồn thu tỷ USD có ảnh hưởng? - 1

Bộ Ngoại giao Anh vừa thông báo áp trừng phạt với 135 tàu trong đội tàu bóng tối của Nga (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, gói trừng phạt mới còn nhắm vào lĩnh vực ngân hàng của Nga, nhằm hạn chế khả năng huy động vốn hoặc thực hiện các giao dịch tài chính của Điện Kremlin. Hai ngân hàng Trung Quốc đã được thêm vào danh sách hạn chế.

Tuy nhiên, ông Anatoly Aksakov, Chủ tịch Ủy ban Thị trường Tài chính của Nga, phát biểu rằng các lệnh trừng phạt mới từ EU chỉ như “gió thoảng qua tai” đối với ngành ngân hàng Nga.

Ông nhấn mạnh rằng ngay cả các tổ chức tài chính cỡ vừa và nhỏ cũng đã sớm chuẩn bị cho kịch bản bị ngắt kết nối khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT từ phương Tây.

Ngân hàng Yandex và Ozon của Nga, hai tổ chức bị liệt vào danh sách trừng phạt mới, cũng tuyên bố rằng hoạt động của họ không bị ảnh hưởng.

Ngoài lĩnh vực tài chính, gói trừng phạt lần này cũng điều chỉnh quy định giới hạn giá dầu thô Nga. Thay vì cố định ở mức 60 USD/thùng như trước, mức trần này sẽ trở thành cơ chế "linh hoạt", luôn giữ ở mức thấp hơn giá thị trường trung bình 15%. Với tình hình hiện tại, giới hạn sẽ được kích hoạt từ 47,6 USD/thùng.

Theo lệnh trừng phạt, các hãng vận tải biển và hãng bảo hiểm tại các nước trên bị cấm cung cấp dịch vụ cho dầu Nga xuất khẩu nếu giá bán vượt trần. Chính sách này nhằm siết nguồn thu của Nga, mà không làm đảo lộn dòng chảy nhiên liệu toàn cầu.

Đợt hạ trần giá dầu lần này, EU từng kỳ vọng thuyết phục các nước G7 cùng tham gia để mở rộng phạm vi tác động. Tuy nhiên, xung đột ở Trung Đông đã đẩy giá dầu leo thang nên chính quyền Tổng thống Trump không tham gia. Hiện giá dầu Brent và WTI đang giao dịch quanh mốc 68-70 USD/thùng.

Châu Âu ngày càng gặp khó trong việc đạt đồng thuận cho các gói trừng phạt mới, vì các biện pháp nhắm vào Nga cũng gây tổn hại đến nền kinh tế của 27 quốc gia thành viên. Slovakia đã trì hoãn gói trừng phạt mới nhất do lo ngại Nga ngừng cấp khí đốt, vốn là nguồn cung chủ yếu của nước này.

Bạn đang đọc bài viết "Hàng trăm "tàu bóng tối" Nga bị trừng phạt, nguồn thu tỷ USD có ảnh hưởng?" tại chuyên mục Xu hướng - Tiêu dùng. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com